1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đốc thúc các ngành sản xuất chủ lực để giữ chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%

(Dân trí) - Ngành Dầu khí khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí để đạt được mức đóng góp 0,25% cho GDP. Ngành may mặc, da giày cam kết đạt mức tăng trưởng trên 10%...

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Cuộc họp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, hoá chất và công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì diễn ra ngày 1/6 tại trụ sở Chính phủ.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với mức tăng trưởng sản lượng được rà soát, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 dự kiến sẽ ở mức khoảng 8% (đạt mức kế hoạch đề ra của năm 2017 và cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 7,4%). Trong đó, ngành khai khoáng đạt khoảng 92% so với năm 2016 (đã tính đến sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 12,5% so với năm 2016. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12%.

“Phương án nêu trên đã được rà soát, tính toán khá kỹ lưỡng từng ngành, từng nhóm sản phẩm và xác định ở ngưỡng cao, nhiều sản phẩm ở mức phấn đấu”, ông Đỗ Thắng Hải nói.

Đánh giá khả năng tăng trưởng của từng lĩnh vực công nghiệp, ngành Dầu khí khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỷ m3 khí (đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP).

Về khai thác than, khả năng khai thác thêm than là khó khăn, do phụ thuộc vào thị trường.

Đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thông qua việc rà soát 24 mặt hàng/nhóm hàng chủ yếu trong 5 tháng đầu năm cho thấy, có 12 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt (tăng trên 8,0%); 3 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức trung bình (từ 5 - 8,0%) và 9 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức thấp, giảm.

Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 của nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12%, cao hơn mức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là 11,5%.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% là rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Công thương, các Bộ, ngành, các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp rà soát thật kỹ tình hình sản xuất và đề ra các chỉ tiêu cụ thể của từng sản phẩm cụ thể theo từng quý và cả năm, theo dõi sát việc triển khai thực hiện, từ đó chỉ rõ sản phẩm nào tăng trưởng không đạt, sản phẩm nào sẽ có thể bổ sung. Từ nay đến cuối năm phải điều hành theo từng chỉ tiêu tăng trưởng của từng sản phẩm cụ thể.

Dù vậy, Phó Thủ tướng lưu ý, tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng không duy ý chí, không chủ quan.

Phó Thủ tướng nhắc nhở việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nhưng không được duy ý chí.
Phó Thủ tướng nhắc nhở việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nhưng không được duy ý chí.

Ông đề nghị các Bộ, ngành cần có giải pháp trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị bảo đảm thực hiện có hiệu quả để tái cơ cấu hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả, sản lượng các lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là dầu khí, than. Ngành dầu khí phải đảm bảo khai thác thêm tối thiểu 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch.

Ngành may mặc, giày da, túi xách cần duy trì tăng trưởng cao (trên 10%). Đây là ngành sản xuất có tỷ lệ nội địa hoá cao (đạt gần 50%), sử dụng nhiều lao động, đang chiếm lĩnh thị trường nhiều nước trên thế giới. Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỉ lệ nội địa hoá…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư xây dựng, tháo gỡ khó khăn về vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông (đường cao tốc, cảng biển…), các dự án điện; lọc hóa dầu…

P.T