1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp "than" phải làm 72 báo cáo gửi Bộ mỗi năm

(Dân trí) - Tại Hội nghị tiếp thu các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp (DN), hiệp hội về sửa đổi, bổ sung các Luật về Đầu tư và Kinh doanh được Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sáng nay 22/7, đại diện DN vốn nước ngoài than mỗi năm phải làm 72 báo cáo gửi Bộ.

Đáng nói, theo đại diện của DN trên, đa phần các báo cáo này chỉ mang tính thủ tục nhưng để làm được theo đúng yêu cầu, biểu mẫu của cơ quan quản lý, mỗi năm DN nhỏ này cũng phải cắt cử riêng một người để chuyên làm báo cáo.

Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật về Đầu tư, kinh doanh được các DN kỳ vọng lớn, khán phòng chật kín đại biểu
Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật về Đầu tư, kinh doanh được các DN kỳ vọng lớn, khán phòng chật kín đại biểu

Theo bà Vũ Thị Minh Nguyệt, đại diện Công ty TNHH B.Braun Việt Nam: "Để đáp ứng Thông tư 04/2011/TT-Bộ KH&ĐT về Quy định báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài áp dụng từ tháng 3/2011 cho đến nay, chúng tôi giật mình vì 1 tháng, DN của chúng tôi phải làm đến 6 báo cáo cơ sở, chi tiết về hoạt động kinh doanh của mình. Hơn nữa, định kỳ 6 tháng chúng tôi phải có báo cáo Quý, mỗi quý lại có 1 báo cáo. Như vậy, tính chung một năm chúng tôi phải làm 72 báo cáo".

Bà Nguyệt cho hay: "Đa phần báo cáo này mang tính hình thức nhưng để làm được những báo cáo này phải rất chi tiết, cụ thể theo biểu mẫu của cơ quan chủ quản. Một DN nhỏ như chúng tôi cũng phải cử ra một nhân viên chỉ làm báo cáo để gửi Bộ trong năm".

Bà này nói thêm: Với quy định làm báo cáo định kỳ như này DN phải làm thì không nói nhưng cơ quan Nhà nước cũng phải cử người xử lý báo cáo này. Còn nếu không thì chỉ nhận báo cáo để đó thôi.

"Tôi nghĩ, cơ quan Nhà nước chỉ cần quản lý đến 6 tháng là cùng thôi, chứ không thể quản lý đến hàng tháng của DN được. Mà nếu cơ quan Nhà nước có quản lý tốt thì lại không để xảy ra vụ thất thoát tài sản lên đến 9.000 tỷ đồng mà báo chí đang đề cập đến gần đây", bà Nguyệt nói.

Cũng nêu ý kiến về Luật Đầu tư 2014, dù Luật này mới ban hành nhưng đến nay cảm nhận của DN 100% như DN của bà Nguyệt là đang có nhiều khó khăn, vướng mắc hơn. Bà Nguyệt cho hay: "Có cảm giác, từ khi Luật Đầu tư mới ra đời 2014 thì DN đầu tư nước ngoài khó khăn hơn trong các thủ tục, đơn cử là trước kia chúng tôi chỉ cần một Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thôi là có thể xin mở một số lĩnh vực kinh doanh thêm. Nhưng giờ mở tổ chức hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm của công ty, lại phải xin giấy phép đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu trước kia đi xin 1 nơi để cấp quyền kinh doanh là được, giờ lại phải sang phòng đăng ký kinh doanh của Sở để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, điều này gây khó khăn cho DN và cả năm nay tôi chưa làm được".

Tại Hội thảo các ý kiến của Hiệp hội, cộng đồng DN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rất nhiều bất cập và kiến nghị sửa đổi ở Luật Đầu Tư, Luật Doanh Nghiệp, Luật Đất Đai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Xây dựng...

Cụ thể, về kiến nghị sửa đổi một số điều tại Luật Doanh nghiệp như DN nêu trên hiện nay, VCCI khẳng định: Có trên 70 điểm đề cập đến “cơ quan đăng ký kinh doanh”, nhưng không có quy định nào cụ thể về cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, cần mở rộng hình thức đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công, không nhất thiết phải là đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước, để bảo đảm chất lượng dịch vụ, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, DN và người dân mong pháp luật ổn định nhưng ổn định ở nghĩa phù hợp và tiến bộ tương đối so với thực tiễn. Việc thay đổi Luật phải theo hướng thuận lợi an toan toàn hơn, tốt hơn. Vì vậy tôi nghĩ Chính phủ, cộng đồng DN cần các cơ quan bộ, ngành nhanh chóng đưa ra những thay đổi có hướng thuận lợi, chứ không phải bất ổn định.

"Luật sửa đổi đang đứng xếp hàng nhau như hiện nay phải đến 4 - 5 năm mới thay đổi được. Điều DN cần ở đây là, nếu phát hiện sai, không phù hợp, Bộ cần kiến nghị Quốc hội sửa ngay, điều này đã được Chủ tịch Quốc hội khẳng định rồi. Quan trọng là các Bộ có thừa nhận và có quyết tâm sửa hay không", ông Lộc nói.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Chính phủ quyết tâm lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, những ý kiến sẽ được đưa ra bàn thảo với đơn vị chủ quản, để kiến nghị sửa đổi các điều khoản của Luật thiếu tính pháp lý, không phù hợp.

Trả lời ý kiến của DN, ông Hà nêu rõ: "Tôi xem qua giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp thì đơn giản quy trình thì còn nhiều cửa ải; Giấy chứng nhận đầu tư thì rất phức tạp. Càng đọc kỹ càng thấy vướng, mong muốn của DN làm sao các Bộ quản lý đơn giản đi".

Nguyễn Tuyền