Doanh nghiệp "ngợp thở" vì kiểm tra, các bộ giúp ai phát triển, bóp chặt cái gì?

(Dân trí) - Doanh nghiệp nào cũng kêu ngợp thở vì bị kiểm tra, nhưng sau những tiếng kêu ấy, tưởng chừng kiểm soát chặt nhưng hàng lậu, hàng giả tràn lan. Cách quản lý của các bộ giúp ai phát triển và bóp chặt cái gì?

Tại buổi Tọa đàm "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển" vừa diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông đã nói thẳng về cách "bày binh bố trận" của các điều kiện kinh doanh của các bộ, ban ngành đối với kinh tế tư nhân hiện nay.

Hơn 4.200 điều kiện kinh doanh ẩn núp tại các Thông tư, Nghị định đang cản trở kinh tế sáng tạo, phát triển (ảnh minh hoạ)
Hơn 4.200 điều kiện kinh doanh ẩn núp tại các Thông tư, Nghị định đang cản trở kinh tế sáng tạo, phát triển (ảnh minh hoạ)

Hàng trăm tỷ đồng "đi tong" vì thủ tục hành chính

Đăng đàn trao đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Năm 2016, VCCI họ có điều tra doanh nghiệp (DN) phải trả chi phí phi chính thức, trong đó, 60% DN được hỏi phải trả chi phí này. Con số này là tỷ lệ tương đối lớn, đa số DN phải làm việc này.

Ông Hiếu nói: "Chi phí chính thức, chi phí phi chính thức, xã hội đang nhìn con số trực quan bằng tiền. Nhưng có một loại chi phí chính thức khó hình dung hơn là thời gian và cơ hội, cái này lớn hơn nhiều con số chính thức".

Ông Hiếu lấy ví dụ: Thời gian là tiền, hiện để làm thủ tục hành chính (TTHC) DN mất 10 ngày, mỗi DN mất 1 người. Nếu nhân ra tiền, mất 200.000 đồng/người/ngày. Tổng số tiền DN bỏ ra 2 triệu đồng/năm. Nếu nhân với 500.000 DN hiện nay, số tiền đó có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cứ một ngày tăng thêm các thủ tục, là mỗi chi phí, cơ hội của DN bị mất đi, hao mòn đi".

Theo Thứ trưởng Đông: Giải pháp hiện nay là giảm chi phí. Chi phí không chính thức mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi nạn tham nhũng vặt có hậu quả không kém tham nhũng lớn, thậm chí còn kinh khủng hơn.

Ông Đông nói: Giải pháp chính là phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người và con người trong thủ tục hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xử lý đơn, hồ sơ qua mạng, sẽ giảm thiểu chi phí phi chính thức...

Doanh nghiệp "ngợp thở" vì bị kiểm tra, song hàng lậu tràn lan?

Về các điều kiện kinh doanh mới được Chính phủ bàn luận gần đây theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, ông Đông cho rằng nhiều Bộ, ngành vẫn thích tiền kiểm, quản chặt đầu vào song thực tế chỉ là thói quen hành chính cố hữu, hiệu quả rất thấp.

Ông Đông nói: "Ông nào cũng kêu ngợp thở vì bị kiểm tra, nhưng sau tất cả cái kêu ca DN, tưởng chừng kiểm soát chặt nhưng hàng lậu, hàng giả tràn lan."

Ông Đông nhấn mạnh: Cách quản lý của các bộ giúp ai phát triển và bóp chặt cái gì? Các nước dù mở cửa thị trường nhưng có hàng rào kỹ thuật cực kỳ tinh vi. Tuy nhiên, chúng ta lại ngược lại.

Ông Ngô Văn Điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam: DN khởi nghiệp theo con số công bố trên truyền thông, 3 ông ra đời, 2 ông phải giải thể. Vì sao có con số đó, vì họ mới ra đời tiếp cận nguồn lực, chi phí cao. Hầu hết tiếp cận nguồn lực đất đai khan hiếu, ông lớn lobby để có đất rồi, nên DN nhỏ đất khó. Trong khi đó, vay ngân hàng thì không có tài sản thế chấp để vay vốn, phải chịu vay với lãi suất ngoài luồng, nên DN càng khổ.

Trở lại vấn đề chi phí chính thức, theo ông Đông, chúng ta hoàn toàn giảm được chi phí này khi công khai, minh bạch, từ đó chặn đường cho chi phí không chính thức.

Ông Đông lấy ví dụ: Trong giao thông vận tải, điện năng thực hiện BOT, BOT bản chất hiện nay có phí không hợp lý mà xã hội, DN phải chịu đựng do xây dựng đường BOT không theo quy trình nào, chúng tôi đã phản đối. Nếu không công khai chi phí xây dựng bao nhiêu, số lượng phương tiện thế nào thì sao bắt người dân đóng phí và thời gian như vậy được?

"Chúng ta phải đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và người dân với nhau, không lảng tránh, phải công khai hoá, phải làm mạnh mẽ để xã hội sử dụng và tuân thủ, chứ đừng bí mật", Thứ trưởng Đông nói.

Nguyễn Tuyền