Doanh nghiệp bất động sản bức xúc vì “ông điện, nước ngồi không hưởng lợi”

(Dân trí) - Các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản đã phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống điện nước trong chung cư, sau đó bàn giao toàn bộ tài sản này cho công ty điện lực, cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh. Tuy nhiên chi phí đó lại không được các ngành độc quyền bồi hoàn cho chủ đầu tư.

Ngồi không hưởng lợi?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, toàn bộ chi phí thực hiện các công trình điện, nước (chiếm khoảng 2-3% chi phí đầu tư của dự án) do doanh nghiệp bất động sản (BĐS) bỏ ra buộc lòng phải phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà. Hiển nhiên giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. Đây là điều mà các chủ đầu tư không hề mong muốn bởi nó không chỉ gây khó khăn cho người mua mà còn làm nảy sinh nhiều bất lợi cho cả người bán.

Chung cư HQC Plaza trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TPHCM của Công ty Địa ốc Hoàng Quân dù chưa hoàn thiện nhưng đã cho dân vào ở vừa xảy ra vụ hoả hoạn trong đêm 15/7 khiến nhiều người hoảng loạn, cầu cứu
Chung cư HQC Plaza trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TPHCM của Công ty Địa ốc Hoàng Quân dù chưa hoàn thiện nhưng đã cho dân vào ở vừa xảy ra vụ hoả hoạn trong đêm 15/7 khiến nhiều người hoảng loạn, cầu cứu

HoREA đã nhiều lần báo cáo về việc các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS đã phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ căn hộ; sau đó, bàn giao toàn bộ tài sản này cho công ty điện lực, công ty cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn.

“Đó là chưa kể toàn bộ giá trị các công trình điện, nước được các doanh nghiệp BĐS bàn giao cho công ty điện lực, công ty cấp nước có giá trị rất lớn và cũng không rõ cơ chế hạch toán những tài sản đã được bàn giao này. Đây là điều bất hợp lý kéo dài nhiều năm qua bởi vì công ty điện lực, công ty cấp nước (tại TPHCM, Tổng Công ty Điện lực Thành phố là doanh nghiệp Nhà nước; các Công ty Cấp nước khu vực đều là doanh nghiệp cổ phần) cũng là những doanh nghiệp kinh doanh thì lẽ ra phải đầu tư hệ thống lưới điện, đường ống nước đến đồng hồ căn hộ để bán điện, bán nước cho người tiêu dùng”, ông Châu nhận định.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng thông tin, truyền thông như điện thoại, truyền hình, internet... từ nhiều năm qua đã tự bỏ chi phí đầu tư hệ thống cáp quang, đường truyền để cung ứng dịch vụ cho khách hàng tại các dự án nhà ở. Nếu các công ty điện lực, công ty cấp nước đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện, cấp nước này thì sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở có lợi cho người tiêu dùng và mới có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp BĐS và các doanh nghiệp độc quyền.


Người dân lo lắng tột độ khi ở chung cư HQC Plaza hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu

Người dân lo lắng tột độ khi ở chung cư HQC Plaza hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu

Ngành điện, nước cần có trách nhiệm

Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho rằng, việc đầu tư hệ thống cấp điện là trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án BĐS vì theo quy định tại khoản 3 điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư “chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực”.

Tại khoản 3 điều 17 Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 là: “Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt”.

HoREA cho rằng, lập luận trên là chưa chuẩn bởi vì công ty điện lực hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ điện phải tuân thủ theo Luật Điện lực 2004 là quy định pháp lý chuyên ngành điện.

HoREA cũng đưa ra được dẫn chứng để bác bỏ lập luận của đối tác. Theo đó, tại khoản 3 điều 11 về đầu tư phát triển điện lực đã quy định: “Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện” và tại khoản (2.c) điều 41 về nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện đã quy định: “Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật với bên mua điện”.

Chi phí thực hiện các công trình điện, nước (chiếm khoảng 2-3% chi phí đầu tư của dự án) do doanh nghiệp BĐS bỏ ra buộc lòng phải phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà
Chi phí thực hiện các công trình điện, nước (chiếm khoảng 2-3% chi phí đầu tư của dự án) do doanh nghiệp BĐS bỏ ra buộc lòng phải phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà

Từ những cơ sở trên, HoREA đề nghị công ty điện lực đầu tư toàn bộ hệ thống lưới điện đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán điện cho người tiêu dùng, tương tự như cách làm của các doanh nghiệp điện thoại, truyền hình, internet, để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này. Công ty cấp nước thực hiện cơ chế tương tự như công ty điện lực, bàn giao hệ thống cấp nước đến đồng hồ từng căn hộ chung cư và quản lý vận hành, kinh doanh như ở các nước trên thế giới, để người sử dụng không phải chịu chi phí thất thoát nước và phải trả giá cao hơn giá quy định của Thành phố do phải qua đồng hồ tổng như hiện nay.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chỉ đạo việc hạch toán tài sản hệ thống điện, cấp nước mà doanh nghiệp đã bàn giao cho ngành điện, công ty cấp nước như quản lý tăng tài sản cố định hoặc như nguồn thu khác từ nguồn vốn xã hội hóa.

Công Quang