1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Gia Lai:

Đổ nợ, bỏ xứ mà đi vì tiêu chết hàng loạt

(Dân trí) - Cây tiêu đã từng là loại cây khiến nhiều gia đình ở huyện Chư Pứ và Chư Sê (tỉnh Gia Lai) làm ăn phất lên giàu có. Thấy lợi nhuận trước mắt nhiều bà con nông dân không ngại đầu tư trồng tiêu trên diện rộng để đến khi cây tiêu mắc bệnh chết đồng loạt thì bà con cũng điêu đứng theo.

Khốn đốn vì tiêu chết

Theo thống kê tại huyện Chư Sê có diện tích trồng tiêu khoảng 3.700 ha, huyện Chư Pưh có 2.900 ha. Đây cũng là hai huyện có diện tích trồng tiêu lớn nhất ở Gia Lai. Trong những năm gần đây vì đổ xô đi trồng tiêu nên đây cũng là hai huyện có thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh trên cây tiêu. Tại huyện Chư Pưh, cao điểm năm 2015 có 300 ha tiêu chết. Huyện Chư Sê năm 2016 có 350 ha bị chết.


Tiêu chết trắng vườn nhà ông Trần Xuân Thịnh

Tiêu chết trắng vườn nhà ông Trần Xuân Thịnh

Chạy dọc con đường đến thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh là cảnh tiêu chết la liệt, trắng cả vườn, gương mặt ai cũng đượm nét buồn lo lắng cho kế sinh nhai của gia đình mình. Đến nhà ông Trần Xuân Thịnh một trong những hộ dân chịu nhiều thiệt hại từ việc tiêu chết. Ông cho biết: “Nhà tôi trông tiêu đã lâu với hai mảnh đất. Mảnh thứ nhất cũng trồng được 10 năm với 4.500 trụ tiêu. Mảnh thứ hai cũng đã trồng được 3 năm nay với 2.200 trụ tiêu. Những năm trước tiêu được giá nên nhà tôi đầu tư vốn với vài trăm triệu đồng để trồng tiêu đến nay tiêu bị dịch bệnh chết đồng loạt thì không chỉ nhà tôi mà còn rất nhiều hộ dân trông tiêu tại huyện cũng khốn đốn theo”. Với 4.500 trụ tiêu ở mảnh rẫy thứ nhất đã chết trắng chỉ còn lại khoảng được 80 trụ. Đối với mảnh 2.200 trụ thì nay còn được 800 trụ còn sống. Những cây còn sống lá cũng quăn queo thiếu sức sống.

Nhìn vườn tiêu chết trắng mà ông Thịnh không cầm được nước mắt khi nghĩ đến cảnh bỏ công sức đầu tư cả vài trăm triệu đồng mà giờ tiêu chết trắng. Số nợ của ngân hàng cũng lên tới con số 500 triệu đồng, mỗi tháng đóng lãi 7 triệu đồng cũng làm gia đình ông điêu đứng.

Cũng hoàn cảnh với gia đình ông Thịnh là bà Nguyễn Thị Năm thôn Phú Vinh xã Ia Blứ trồng 400 trụ tiêu những năm trước còn cho thu hoạch 600 kg, đến năm ngoái vẫn cho thu hoạch 200 kg. Nhưng năm nay chỉ vườn tiêu chỉ cho thu 20 kg. Bà đang lo lắng không biết lấy tiền đâu để trả nợ cho những khoản đầu tư như: đào giếng, thuê nhân công, đúc trụ bê tông.

Hệ lụy từ việc tiêu chết đồng loạt

Việc tiêu chết đồng loạt đã khiến bà con nhân hai huyện Chư Pứ và Chư Sê gặp rất nhiều khó khăn. Lại thêm khoản đầu tư về phân bón, giếng nước, trụ tiêu đã khiến nhiều gia đình đổ nợ.


Một số hộ phải treo biển bán nhà để trả nợ cho vườn tiêu

Một số hộ phải treo biển bán nhà để trả nợ cho vườn tiêu

Theo Ông Đặng Thanh Long, Chi hội trưởng Hội nông dân thôn Thủy Phú cho biết, những hộ dân tại thôn nhiều năm về trước tiêu được giá nên mạnh dạn đầu tư với hy vọng đổi đời từ cây tiêu. Cũng đã có nhiều gia đình xây được nhà cao cửa rộng nhưng hiện nay tiêu chết đa số người dân tại xã đều đổ nợ.

Trồng tiêu đến nay đã không còn là phương pháp làm giàu hiệu quả tại địa phương. Theo ông Trần Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phang huyện Chư Pưh, những năm trước khoảng tháng 12 thì người dân tứ xứ đổ xô về địa phương để xin hái tiêu thì năm nay chỉ mới đầu tháng 12/2016 đã có hàng trăm thanh niên trong xã đến xin chữ ký để làm đơn xin việc ở các tỉnh phía nam. Việc tiêu chết đã khiến nhiều gia đình phải bỏ xứ mà đi vì không biết làm gì ngoài cây tiêu tại quê nhà. Cũng có nhiều gia đình chỉ mong bán được nhà, bán đất để trả nợ vì trót đầu tư vào cây tiêu như nhà chị Nguyễn Thị Hằng. Với số nợ 350 triệu đồng, chị Hằng chẳng còn trông đợi gì vào vườn tiêu chết trắng, chỉ còn hy vọng bán được nhà mới may ra trả hết số nợ và lãi cho ngân hàng.

Giải pháp nào cho bà con trồng tiêu

Lý giải về việc cây tiêu chết hàng loạt ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu, Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: nguyên nhân tiêu chết là do bệnh, già cỗi, thời tiết biến động, nhiễm bệnh nấm và khâu lựa chọn giống không đảm bảo… Bên cạnh đó việc lựa chọn những diện tích trồng không phù hợp cũng là một trong những lý do khiến mầm bệnh lây lan nhanh chóng.

Trước tình hình tiêu chết hàng loạt, ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh khuyến cáo bà con nên chọn những cây giống đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm bệnh. Đối với những vùng đất có tiêu chết do nhiễm bệnh gây ra thì bà con nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nếu muốn tiếp tục canh tác cây tiêu thì phải đợi khoảng 3 năm sau đó trồng thì cây tiêu mới được đảm bảo. Bên cạnh đó, phòng NN-PTNT cũng tham mưu cho huyện các buổi tập huấn cấp cơ sở để bà con có hướng đi đúng đắn và lựa chọn được vùng đất nào phù hợp cho việc phát triển cây tiêu bền vững.

Tú Anh – Thúy Diễm