Quảng Trị:
Điêu đứng vì hồ tiêu sắp thu hoạch thì đột nhiên "đổ bệnh"
(Dân trí) - Thời gian gần đây, thời tiết mưa kéo dài nên hàng trăm ha cây hồ tiêu tại Quảng Trị bị nhiễm bệnh, một số diện tích bị chết trụi, khiến nông dân lo lắng thất thu khi chỉ còn vài tháng nữa là thu hoạch.
Theo khảo sát tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, diện tích cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh chiếm khoảng 80%. Riêng tại xã Gio An, nơi có diện tích trồng tiêu lớn tại huyện này cũng rơi vào tình trạng bị bệnh, ước tính hơn 85 ha. Hầu hết cây tiêu đang xanh lá thì đột nhiên bị thối rễ và chết dần. Hiện tượng chết nhanh trên cây hồ tiêu chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn từ 3 ngày đến 1 tuần.
Ông Trần Văn Lanh, xã Gio An cho biết, ông trồng tiêu mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy bệnh trên tiêu phức tạp như hiện nay. Phần lớn diện tích cây hồ tiêu hơn chục năm tuổi đột nhiên bị thối rễ và chết khô. Mặc dù ông đã bón phân, phun thuốc phòng trừ nhưng tiêu vẫn bị chết.
Đưa chúng tôi đi khảo sát vườn tiêu bị chết, ông Lanh lắc đầu ngao ngán: “Bệnh trên tiêu xảy ra rất nhanh, thời gian từ lúc lá bị héo úa đến khi chết chỉ diễn ra trong vài ngày nên người dân không kịp trở tay. Với số lượng cây tiêu trong vườn này này nếu khi thu hoạch cũng đạt từ 30-40 triệu đồng/vụ, nhưng nay đã bị chết trụi hết. Nếu khôi phục cũng phải đợi từ 1-2 năm sau mới trồng lại được”.
Không chỉ hộ ông Lanh mà hàng chục hộ dân tại xã Gio An cũng đang khốn đốn trước tình trạng tiêu bị nhiễm bệnh. Ông Trần Đức Bình, thôn Hảo Sơn nói: Bệnh trên cây hồ tiêu diễn ra rất phức tạp nên người dân cũng đã được các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh, bón phân cho tiêu. Tuy nhiên, phương pháp bón phân, phun thuốc chỉ mang tính chất phòng bệnh là chính, còn khi bệnh đã xảy ra thì không còn cách nào chữa được. Chỉ trong thời gian ngắn tiêu cũng sẽ bị chết.
Theo kết luận của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chết nhanh trên tiêu là do ẩm độ đất trong các vườn hồ tiêu quá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh và gây hại. Trong đó, 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại với đặc điểm lây lan rất nhanh qua đường nước.
Triệu chứng ban đầu là các chóp rễ hồ tiêu bị biến màu nâu nhạt, sau chuyển sang nâu đen, mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng, mạch dẫn dây thân tiêu bị thâm đen. Cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ sau 1 - 2 tuần, các thân dây chính vẫn bám trên trụ (có trường hợp khi cây chết lá bị héo khô nhưng không rụng). Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không được thoát nước tốt, không làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, bón phân không cân đối…
Hồ tiêu là cây công nghiệp quan trọng tại Quảng Trị, cũng là cây xóa đói giảm nghèo và hướng đến làm giàu cho nhiều hộ nông dân, được trồng chủ yếu tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa... Diện tích hồ tiêu hiện nay toàn tỉnh đạt 2.448 ha trong đó diện tích trồng mới 143 ha, diện tích cho thu hoạch 1.825 ha, năng suất 10,5 tạ/ha, sản lượng 1917 tấn.
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu phát sinh và gây hại nhiều diện tích, đặc biệt gây hại nặng trên các vườn hồ tiêu thoát nước kém. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 350 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, trong đó diện tích nhiễm (DTN) từ trung bình đến nặng 40 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (Vĩnh Linh: DTN 200 ha, trong đó DTN ở mức từ trung bình đến nặng 30 ha, tỷ lệ bệnh từ 8-10%; Gio Linh: DTN 143 ha, nặng 24 ha, hại nặng ở các xã Gio An, Gio Bình, Gio Hòa, Trung Sơn, có vườn bị chết lên đến 30- 40%..).
Theo ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, mấy tháng qua do mưa kéo dài nên bệnh chết nhanh trên cây tiêu diễn biến phức tạp và lan rộng trên địa bàn. Có khoảng 80% diện tích cây tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, trong đó có 3 ha bị chết trụi hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã mời các cán bộ, kỹ sư có chuyên môn về tập huấn, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh. Bà con cũng đã chủ động bón phân phun thuốc phòng trừ bệnh. Đến nay cơ bản bệnh đã được khống chế, nhưng với tình hình mưa lạnh như hiện nay thì bệnh có nguy cơ phát sinh và lây lan thêm.
Hiện cây tiêu chỉ còn 3 tháng nữa là bước vào thu hoạch. Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con tích cực phun thuốc, bón phân để hạn chế bệnh lây lan. Cây nào chết thì vứt bỏ, đào gốc để trồng lại.
Đăng Đức