"Di sản đen" của ông Võ Kim Cự và nghi án giấy phép 20.000 USD
(Dân trí) - Ngoài những thông tin liên quan đến các chính khách như Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, ông Võ Kim Cự, trong tuần qua, tin tức cũng "nóng" lên với thông tin mua giấy phép xuất khẩu gạo tốn kém 20.000 USD, việc chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của cha con ông Trầm Bê tại Sacombank...
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ thông tin về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Ngày 20/2, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tới tham dự cả ngày phiên họp thứ 7 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, số tài sản của bà được kê khai hằng năm.
Tuy nhiên, bà Thoa từ chối một số câu hỏi được phóng viên đặt ra do “liên quan đến quy chế phát ngôn, nên chưa thể nói được gì lúc này”.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Dân Trí, từ một doanh nghiệp Nhà nước, sau khi cổ phần hóa và cổ phần được mua đi bán lại nhiều lần, hiện Nhà nước đã không còn nắm giữ cổ phần nào tại Bóng đèn Điện Quang. Trong khi đó, các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã gom tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ, trị giá trên 680 tỷ đồng.
Bộ Công Thương hạ bậc lương, cảnh cáo cán bộ bỏ việc đi lễ chùa
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương được Hội đồng đưa ra đối với ông Bùi Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại do đi lễ đầu năm trong giờ làm việc.
Đồng thời, kỷ luật cảnh cáo đối với 7 cán bộ cấp Phòng của Trung tâm và khiển trách đối với 2 viên chức khác.
Xuất khẩu gạo: Tốn 20.000 USD để có giấy phép con, đúng hay sai?
Ngay sau khi một số báo chí phản ánh thông tin "xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD", ngày 23/2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thành lập Đoàn xác minh nhằm làm rõ sự việc trên.
Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc ADC là người đã đưa ra thông tin trên tại một hội thảo. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ lại thì phía công ty ADC đã từ chối trả lời với lý do sẽ phản hồi khi có kết luận của Bộ Công Thương. Nhiều khả năng ông Nam không thể chứng minh được điều ông nói là đúng.
Theo nhận định của một số chuyên gia, xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn”, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân. Trong khi đó, những "ông nhỏ" đang khốn khó vì... giấy phép con.
Những “di sản” tai tiếng của ông Võ Kim Cự
Rời Hà Tĩnh ra Trung ương công tác, ông Võ Kim Cự để lại phía sau nhiều dự án với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang ngắc ngoải.
Có thể điểm qua một số dự án như: Dự án xây dựng Cơ sở đào tạo Cao đẳng nghề Vũng Áng - Hà Tĩnh, do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng; Dự án nước đội vốn 2.500 tỷ đồng; Dự án sản xuất thép Vạn Lợi tại Khu Kinh tế Vũng Áng được ngân hàng giải ngân gần ngàn tỷ đồng bị bỏ hoang...
Giá giảm mạnh, "xế hộp" về Việt Nam tăng gấp 7 lần năm ngoái
Tổng lượng nhập các loại xe ô tô trong nửa đầu tháng 2/2017 chỉ tăng 2 lần, nhưng lượng xe con (loại dưới 9 chỗ ngồi trở xuống) đã tăng gần 7 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mức giá xe nhập về đang giảm mạnh, dấu hiệu cho thấy thị trường ô tô của Việt Nam hiện tập trung phần lớn vào phân khúc giá rẻ và mức giá được dự đoán sẽ còn có nhiều đợt điều chỉnh trong năm nay.
Xe Ấn Độ nhập 84 triệu đồng, bán 500 triệu đồng: Sự thật giá đắt ô tô Việt
Xe Ấn Độ nhập khẩu có giá bình quân rất rẻ, 84 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, nếu các loại phí tăng lên, cho dù xe nhập từ Ấn Độ hay ASEAN về, có bán giá rẻ thì tổng số tiền chi để mua hay "lên đời xế hộp" cuối cùng vẫn cao, có thể lên tới cả 500 triệu đồng/chiếc.
Cụ thể, xe nhập từ Ấn Độ hiện phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt 40% và thuế giá trị gia tăng 10%. Nếu cộng tất cả các chi phí, lợi nhuận, một chiếc xe về đến Việt Nam sẽ đội giá lên cao gấp từ 2,6 đến 3,6 lần so với giá nhập.
Uber đã chịu nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế
Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính cho biết, cho đến nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Đồng thời, ông Tiến cũng bình luận: "Uber quá thông minh, họ thông minh nên họ phải được lợi. Chúng ta nên ủng hộ, khuyến khích nhưng miễn là chúng ta phải quản được, phải nghĩ ra cách quản lý một cách công bằng!".
Nhiều tập đoàn, tổng công ty "chống lệnh" Thủ tướng, bán vốn trước khi về SCIC
Hơn 173 doanh nghiệp (DN) trong tổng số 234 DN thuộc diện được Thủ tướng Chính phủ chỉ định chuyển giao vốn Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhưng không thực hiện.
Đáng nói, nhiều Bộ, ngành và địa phương đang cố tình "trì hoãn" để giữ vốn, đặc biệt, nhiều đơn vị lách luật, chống lệnh của Thủ tướng.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát, xem xét việc thu phí tại cảng Hải Phòng
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các cơ quan sẽ phải rà soát, xem xét cụ thể quy định về mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí, tình trạng chồng lấn, trùng lắp (nếu có) tại cảng Hải Phòng, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017.
Về phía chính quyền TP Hải Phòng, sau khi bị hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội có ý kiến phản đối về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển, thậm chí có những kiến nghị còn trình lên Thủ tướng, UBND Hải Phòng khẳng định, mọi vấn đề từ tính pháp lý, quy trình thủ tục ban hành văn bản cho đến mức thu phí đều hợp lý và đúng luật.
Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng để mất vốn chủ sở hữu
Trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng vẫn chưa hoàn thành thoái vốn đầu tư, chưa giảm tỷ lệ đầu tư theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt thì không ít công ty khác lại xảy ra tình trạng mất vốn chủ sở hữu, hoặc để xảy ra tình trạng nợ phải thu tồn đọng, nợ phải thu khó đòi…
Cụ thể, một số công ty xảy ra tình trạng mất vốn chủ sở hữu, DN được đầu tư đã ngừng hoạt động, đang làm thủ tục phá sản dẫn đến nguy cơ mất vốn. Đó là trường hợp Tổng công ty FICO đầu tư vào Công ty Havalifico; trường hợp Tổng công ty DIC đầu tư vào Công ty CP Cầu Kiên Bê Tông DIC – Miền Đồng, Công ty CP Vật liệu xây dựng DIC, Công ty CP Gạch men Anh EM DIC; và trường hợp Tổng công ty IDICO đầu tư vào Tổng công ty Xây dựng Miền Trung và IDICO 10.
Kinh doanh sa sút, Lọc hóa dầu Bình Sơn xin cơ chế nâng thu nhập cho các “sếp”
Trong bối cảnh giá dầu thế giới bất lợi, hai năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn sụt giảm mạnh, kéo theo thu nhập các “sếp” doanh nghiệp giảm theo.
Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý tại BSR còn 38,8 triệu đồng/người/tháng (đã sụt giảm gần 14% so với năm 2015). Công ty đang kiến nghị bổ sung một số chế độ đặc thù lương, thưởng cho người quản lý công ty.
Rót 32.000 tỷ vào bauxit, alumin Tây Nguyên, kết quả giờ ra sao?
Dự án Tổ hợp Bauxit - nhôm Lâm Đồng được Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV phê duyệt năm 2006 với tổng mức đầu tư là 7.787,5 tỷ đồng. Qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án lên tới 15.414 tỷ đồng, công suất lên 650.000 tấn/năm, hoàn thành vào năm 2013.
Dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân cơ có vốn đầu tư 3.285 tỷ đồng được phê duyệt năm 2007. Dự án này cũng 3 lần điều chỉnh, năm 2014, HĐQT TKV đã nâng tổng mức đầu tư lên 16.821 tỷ đồng, thực hiện từ 2007 -2014.
Đầu tư lượng lớn tài sản vào các dự án trên, song báo cáo năm 2016 TKV chỉ ghi nhận sản lượng đạt 600.000 tấn alumina.
Không chỉ thua lỗ nghìn tỷ, PVTex còn liên tục dính vào kiện cáo
Mặc dù PVTex đã tạm ngừng hoạt động, song 6 tháng đầu năm 2016, PVN vẫn phải ghi nhận khoản chi phí cho dự án này lên tới 228,3 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2015.
Chưa kể, PVTex còn tiềm tàng nhiều khoản công nợ và nghĩa vụ cam kết khác do bị khởi kiện nhưng chưa thể hiện hết trong số liệu tài chính của PVN. Các bên khởi kiện PVTex là Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vĩnh và Công ty TNHH Huyndai Engineering (HEC).
Dự án 6.000 tỷ đồng liên doanh Trung Quốc: Lỗ 1.000 tỷ đồng, lọt "danh sách đen"
Ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), không giấu diếm việc nhà máy đang lỗ sau 2 năm vận hành.
Tổng đầu tư dự án 6.000 tỷ nhưng đang gánh lỗ 1.000 tỷ đồng vì thế đã được xếp vào 'danh sách đen' 12 đại dự án ngàn tỷ thua lỗ nặng của ngành công thương.
Chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của cha con ông Trầm Bê tại Sacombank
Cuối giờ chiều nay 24/2, Ngân hàng Nhà nước và Sacombank đã phát đi thông cáo báo chí về việc ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa không tham gia quản trị, điều hành tại ngân hàng này.
Trong phiên giao dịch cùng ngày, hàng loạt cổ phiếu bị chốt lời và quay đầu giảm giá, gây áp lực lên chỉ số chung khiến VN - Index đánh mất 2,4 điểm. Riêng STB của Sacombank giảm kịch sàn sau diễn biến tăng giá khá ấn tượng trong suốt 3 tháng vừa qua.
Rời Sacombank song gia đình ông Trầm Bê vẫn sở hữu 9,523% vốn điều lệ ngân hàng Sacombank, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng. So với thời điểm 30/6/2015, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bê đã tăng thêm 2,75%.
Công ty thua lỗ nghìn tỷ, bầu Đức vẫn có nhiều lý do để "ăn mừng"
Năm 2016, các công ty của bầu Đức mặc dù thua lỗ nghìn tỷ nhưng tình hình tài chính đã lành mạnh hơn rất nhiều nhờ các khoản nợ trái phiếu liên tục được gia hạn, nợ ngắn hạn thu hẹp. Mới đây, cả hai doanh nghiệp là Hoàng Anh Gia Lai và HAGL Agrico đều được trái chủ cho phép hoán đổi trái phiếu sang cổ phiếu, giảm áp lực nợ.
Cổ phiếu HNG đã tăng giá 51% còn HAG tăng 56%, đưa bầu Đức trở lại danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Vốn điều lệ 100 triệu đồng, Platinum vẫn tham vọng mở 10 cụm rạp?
Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim M.V.P, đơn vị đang quản lý hệ thống rạp chiếu phim Platinum có vốn điều lệ 100 triệu đồng. Trước đó, đơn vị này đặt mục tiêu năm 2016 có 10 cụm rạp trên toàn quốc.
Hôm 20/2 vừa qua, sau vài tháng đàm phán bất thành, Multivision (chủ đầu tư của Platium) đã nhận được thông báo mới nhất của Tập đoàn Vingroup gia hạn thêm 3 ngày để hệ thống Platinum di chuyển mọi thiết bị khỏi 3 trung tâm chiếu phim đóng tại Vincom.
Đại diện phía Vincom Retail xác nhận, giữa hai bên đã không đạt được thỏa thuận. Hiện phía chủ đầu tư Platinum vẫn còn nợ đọng và sau nhiều năm hoạt động, chất lượng dịch vụ hiện tại không còn phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống TTTM do Vincom Retail là chủ sở hữu.
Cá tra Việt Nam bị phản ánh sai lệch trên sóng truyền hình Tây Ban Nha
Đầu năm 2017, Đài truyền hình Cuatro TV, Tây Ban Nha đã phát sóng chương trình “El Punto de Mira” với nội dung chứa đựng thông tin không chính xác và có ý bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong.
Sau phóng sự này, chuỗi siêu thị bán lẻ châu Âu Carrefour đã tuyên bố sẽ ngừng bán cá tra tại các cửa hàng của Tây Ban Nha và Bỉ, cũng như trên các quầy tươi ở Pháp mặc dù EU đảm bảo không có vấn đề về sức khỏe với việc ăn cá.
Ăn 80 ngàn tấn gà Trung Quốc thải loại: Ám ảnh dịch bệnh
Ước tính mỗi năm Việt Nam nhập 70 - 80 ngàn tấn gà thải loại từ nước này.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố (Vân Nam, Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Giang Tô,... ) với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), gấp 4 lần so với cùng kỳ những năm trước.
Nhiều người lo lắng gà cúm từ Trung Quốc sẽ tuồn vào Việt Nam qua con đường nhập lậu nếu không được kiểm soát chặt.
Bích Diệp