Dệt may Việt vẫn phải nhập hơn 40% nguyên liệu từ Trung Quốc
(Dân trí) - Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc về Việt Nam vẫn rất lớn đạt gần 9 tỷ USD (khoảng 204.800 tỷ đồng), chiếm hơn 42,7% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo sơ bộ, hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc tập trung phần lớn ở các liên doanh, doanh nghiệp dệt may nước ngoài.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu dệt may năm 2017 là 21 tỷ USD, chiếm 10% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, giá trị nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc gấp gần 4 lần so với giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc và gấp gần 5 lần so với nhập khẩu hàng vùng lãnh thổ Đài Loan - hai thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu dệt may nhiều trong thời gian qua.
Trên thực tế, hiện kim ngạch nhập khẩu hàng nguyên liệu dệt may về Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Riêng nguyên phụ liệu dệt may, da giày đã đạt là 3,9 tỷ USD, ngoài ra còn một số mặt hàng khác như: vải các loại 6,9 tỷ USD, xơ, sợi dệt các loại là 1,2 tỷ USD.
Hiện phần nhập nguyên phụ liệu cho ngành dệt may từ Trung Quốc, nhiều nhất vẫn là nhập vải các loại với kim ngạch hơn 6 tỷ USD, sau đó đến các nguyên liệu dệt, may, da giày chiếm 2 tỷ USD, cuối cùng là xơ sợi dệt các loại chiếm hơn 800 triệu USD.
Về hướng xuất khẩu dệt may, năm 2017 cả nước xuất khẩu hàng dệt may đạt 26 tỷ USD, trong khi xuất khẩu các loại phụ liệu như xơ sợi dệt, vải các loại chỉ đạt gần 4 tỷ USD.
Như vậy, nếu xuất khẩu dệt may khiến Việt Nam thu về hơn 26 tỷ USD thì chúng ta cũng phải bỏ ra 21 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng còn lại cho nền kinh tế chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD, con số này tương đối thấp bởi dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhiều năm qua.
Về phân loại doanh nghiệp xuất khẩu, khu vực doanh nghiệp FDI xuất khẩu dệt may đạt hơn 15 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may các loại để chế biến, gia công tại Việt Nam của các doanh nghiệp này cũng chiếm trên 50%.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc gia tăng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc là do nhiều mặt hàng Việt Nam không tự chủ được sản xuất nên buộc phải nhập khẩu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp dệt may 100% vốn của Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc gần đây đã chuyển cơ sở, chi nhánh sản xuất sang Việt Nam để tận dụng xuất xứ hàng hoá "made in Vietnam", ưu đãi thuế 0% để hưởng lợi xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ, EU.
Điều đáng lo về lâu dài là các DN FDI "sản xuất nhờ, xuất khẩu hộ" này không xây dựng chuỗi dệt, nhuộm và thiết kế mẫu thời trang. 100% nguyên phụ liệu của họ nhập từ công ty mẹ, công ty liên kết hoặc đối tác từ Trung Quốc với giá thành rẻ để về Việt Nam may gia công vài công đoạn đơn giản để xuất khẩu.
Nguyễn Tuyền