Đề nghị xuất khẩu 195.000 tấn quặng tồn kho
(Dân trí) - Việc xuất khẩu số lượng quặng trên được UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị cuối tuần qua, trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần khoáng sản An Khánh, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Công ty An Khánh được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ giữa năm 2011 với công suất khai thác là 110.000 tấn quặng ilmenite/năm. Trữ lượng được khai thác là 1,8 triệu tấn quặng. Thời hạn khai thác đến hết ngày 17/12/2020. Tính đến hết tháng 6/2017, An Khánh được xác định vẫn còn tồn kho 195.000 tấn.
Thời gian qua, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu mặt hàng tinh quặng ilmenite, dẫn đến việc không chỉ An Khánh mà một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị tồn một lượng quặng khá lớn. Chẳng hạn, công ty Ban Tích đang tồn khoảng 58.000 tấn; một doanh nghiệp khác cũng tồn tại hơn 18.000 tấn, tính đến hết thời điểm tháng 7/2017.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, nếu các đơn vị chức năng phê duyệt đề nghị xuất khẩu 195.000 tấn quặng tồn kể trên, Công ty CP Khoáng sản An Khánh sẽ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, trong văn bản gửi tới 8 tỉnh thành và các bộ ngành có liên quan mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về mặt nguyên tắc việc gia hạn thời gian xuất khẩu đến hết tháng 12/2018 đối với khối lượng quặng sắt đã được Thủ tướng đồng ý cho phép xuất khẩu và chưa xuất khẩu hết trong năm 2017.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành, địa phương kiểm tra kỹ, giải quyết việc xuất khẩu lượng quặng sắt tồn kho, chưa xuất khẩu hết trong năm 2017 và chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác đối với từng trường hợp cụ thể.
Theo tìm hiểu của Dân trí, thời gian qua, các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt gặp không ít khó khăn dẫn đến lượng hàng tồn kho nhiều, chưa thể xuất khẩu. Những khó khăn của doanh nghiệp xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như: Việc kết nối doanh nghiệp khai thác với đơn vị sử dụng trong nước nhằm kết nối và đánh giá cung cầu của thị trường mất nhiều thời gian. Thêm nữa, giá cả quặng sắt thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ không tìm được tiếng nói chung trong việc tiêu thụ.
Một điểm khó khăn nữa, các mỏ sắt hiện nay đều nằm ở miền núi phía Bắc và phương tiện vận chuyển duy nhất bằng đường bộ. Trong khi giao thông tại các khu vực này còn nhiều khó khăn nên việc vận chuyển, giao hàng theo hợp đồng đã ký kết không hoàn thành được trong năm 2017. Vì thế, việc cho phép gia hạn thời gian xuất khẩu đến hết năm 2018 sẽ phần nào tháo gỡ được các khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
H.Anh