Đấu giá tại Vinamilk ế ẩm: Bài học cho Sabeco, Habeco
(Dân trí) - “Đây là bài học cho các thương vụ thoái vốn lớn như Habeco, Sabeco để đạt được hiệu quả cao nhất”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Tại một buổi họp báo diễn ra gần 2 tháng trước phiên đấu giá 9% cổ phiếu Vinamilk, trả lời câu hỏi của PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khẳng định “hoa hậu thì không lo bị ế” và kỳ vọng bán được mức giá cao khi thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam này.
Ngày 12/12 vừa qua, SCIC đã chào bán 130,6 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 9% vốn điều lệ của Vinamilk. Tuy nhiên, kết thúc phiên bán đấu giá, dù đúng là bán được ở mức giá cao hơn thị giá tại thời điểm đó nhưng SCIC chỉ bán được tổng cộng 78,4 triệu, khoảng 60% số lượng cổ phiếu chào bán cho Tập đoàn F&N của Thái Lan.
Nói về nguyên nhân bị "ế" 52 triệu cổ phiếu trong đợt đấu giá thoái vốn ngày 12/12, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: “Thời điểm bán vốn vừa rồi của Vinamilk rơi đúng vào lúc các nhà đầu tư nước ngoài tất toán để nghỉ Tết nên chỉ bán 9% nếu bán nhiều là vỡ trận ngay. Mức giá đưa ra 144.000 đồng/cổ phiếu là hợp lý với giá trị doanh nghiệp, còn giá thị trường thấp hơn lên xuống như thời tiết, hơn nữa giá cổ phiếu VNM cũng dễ bị thao túng bởi các ông lớn.
Tuy đấu giá “ế” song ông Tiến vẫn khẳng định Vinamilk rất tiền năng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài không chỉ vì giá mà còn ở tiềm năng phát triển và nếu bán tiếp vốn ở Vinamilk họ sẽ mua ngay. Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh đợt bán vốn tới sẽ có nhiều hơn sự tham gia của nhà đầu tư do lần thứ nhất tổ chức khá gấp gáp khiến nhiều người đắn đo.
Theo ông Tiến, các đợt bán vốn tiếp theo của các doanh nghiệp lớn sẽ phải chuẩn bị trước, chú trọng khâu quảng bá lộ trình bởi nếu thông tin không đúng có thể gây biến động giá và “vỡ kế hoạch”. Trước đó, trong thời gian chào bán Vinamilk, ông Tiến cho rằng các tổ chức trong nước đã đưa ra các đánh giá tiêu cực về quá trình trên.
“Đây là bài học cho các thương vụ thoái vốn lớn như Habeco, Sabeco để đạt được hiệu quả cao nhất”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Trước đó, bình luận về đợt chào bán này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) từng cho biết, việc phiên đấu giá không đạt được mục tiêu ban đầu do giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu cao hơn giá thị trường khoảng 7%.
Bên cạnh đó, quy mô của nhà đầu tư tài chính trong nước và quốc tế còn nhỏ bé, việc huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn rất khiêm tốn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn một số nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đang dễ mua cổ phần Vinamilk trên sàn chứng khoán với số vốn giải ngân có thể đạt được ở mức hàng trăm triệu USD. Trong tương lai gần nguồn cung chứng khoán gia tăng khi Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình thoái vốn và thúc các doanh nghiệp đã cổ phần hoá lên sàn…
Sau một tuần kể từ ngày bán vốn hoàn tất, SCIC cũng đã nhận thấy rằng có nhiều điểm cần rút kinh nghiệm. SCIC cho biết, do mức giá khởi điểm được xác định cao hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán nên không thu hút được các nhà đầu tư tài chính tham gia.
SCIC cũng nhận thấy, qua đợt chào bán vừa qua đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với các thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần với giá trị bằng 10% giá trị đặt mua và cơ chế đấu giá.
Đối với việc đặt cọc, mặc dù SCIC đã rất tích cực trong việc làm việc với các bên liên quan để đưa ra thêm hình thức ký quỹ bằng đồng USD bên cạnh hình thức đặt cọc bằng VND, nhưng thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn là phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.
Về phương thức bán cổ phần, các giao dịch tương tự ở nước ngoài được thực hiện theo phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá, phương thức này ghi nhận tổng hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó xác định cơ cấu, khối lượng, giá bán một cách tối ưu ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi theo nhu cầu thực tế của thị trường. So với chào bán cạnh tranh thì phương thức dựng sổ phù hợp hơn với nhu cầu của các nhà đầu tư là tổ chức lớn về thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin đặt mua của nhà đầu tư và đảm bảo các nhà đầu tư đều được mua ở cùng một mức giá.
Trả lời báo chí sau cuộc đấu giá, ông Nguyễn Duy Hưng - đại diện đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho hay: "Đối với đợt bán cổ phần lần này, Chính phủ và SCIC đã xác định những tiêu chí khá “tham vọng” như giá khởi điểm chào bán cao hơn giá thị trường, việc thoái vốn phải công khai minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, vừa giúp phát triển thị trường vốn, đồng thời không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".
Theo ông Hưng, quá trình chuẩn bị bắt đầu từ giữa năm, bao gồm các công tác chọn đơn vị tư vấn, tổ chức roadshow, xây dựng quy chế chào bán, làm việc với các cơ quan liên quan để phối hợp, kiến nghị các giải pháp để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia (như ký quỹ bằng USD, tổ chức chào bán qua HOSE), các thành viên trong tổ công tác đã làm việc rất tập trung và nghiêm túc.
Bên tư vấn Morgan Stanley thì cho rằng quy trình bán vốn lần này đã phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác nhau của pháp luật và các quy định của Việt Nam. Đây cũng là rào cản lớn khiến đơn vị tư vấn chịu áp lực thời gian ngắn để thiết lập một quá trình xây dựng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, lượng thầu tối thiểu và tối đa đã được thiết lập để đáp ứng thông lệ trong nước và quốc tế. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã phải làm việc để các nhà đầu tư được ký quỹ bằng tiền USD chứ không chỉ là VND.
Phương Dung