Đánh thuế nhà thứ 2: Cần chống việc "Luật chưa ra đời, kế lách Luật đã hoàn thành"

(Dân trí) - Hiện dư luận đang khá xôn xao trước ý tưởng mới đây của Bộ Tài chính về việc đánh thuế đối với người mua nhà thứ 2 trở lên. Nhiều ý kiến ủng hộ, tán thành vì nó tạo ra tính công bằng, ngăn chặn nạn đầu cơ nhà ở. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, tỏ rõ sự mơ hồ, thiếu thực tế của quy định.

Theo một chuyên gia kinh tế, thực tế sở hữu căn hộ thứ 2 tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều người, quan chức có, người có tiền có, đặc biệt là giới đầu cơ. Ở nước ngoài, đánh thuế căn nhà thứ 2 dễ dàng là bởi họ có chính sách về pháp luật thuế khá chặt chẽ, mọi giao dịch trao tay bị cấm, phạm pháp. Họ có cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở, đất ở, tính liên kết giữa các bang, các vùng của họ rất cao.

Ở Việt Nam hiện nay, thực tế hoạt động mua bán bất động sản (BĐS) vẫn còn tỷ lệ trao tay khá lớn. Việc chứng minh tài sản, thu nhập để mua nhà chưa được thực thi, dẫn đến tình trạng, người thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu trên giấy tờ, danh nghĩa những căn hộ hàng tỷ, chục tỷ đồng trở lên. Việc chuyển nhượng cho thân nhân, người khác đứng tên căn hộ đang là vấn nạn của thị trường BĐS.

Đánh thuế nhà ở thứ 2 tại Việt Nam, đang là ý tưởng nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia và người dân
Đánh thuế nhà ở thứ 2 tại Việt Nam, đang là ý tưởng nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia và người dân

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, về mặt chủ trương chúng tôi rất đồng tình với ý tưởng của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, lo ngại nhất là khi luật chưa ban hành đã có những kẽ hở; luật chưa ban hành, giới thạo tin đã nghĩ đến cách lách luật. Thậm chí, ý tưởng đưa ra tốt, nhưng không có khảo sát thực tế, đánh giá đúng thực tế nên không giải quyết được vấn đề.

"Chúng ta cần xây dựng trung tâm dữ liệu về đất đai, dữ liệu sở hữu nhà đất từ cấp địa phương, quốc gia và công nghệ để quản lý hiện đại mới nghĩ đến chuyện thu thuế căn nhà thứ 2 đúng đối tượng được. Đây là thách thức lớn nhất cho chính sách này ở Việt Nam bởi hiện nay chúng ta chưa có dữ liệu trên cũng chưa có liên kết dữ liệu giữa các địa phương... Do đó, nói ý tưởng thì hay nhưng hiện tại khá mơ hồ về cách đi, hướng làm", ông Châu phân tích.

Ông Châu cho rằng, muốn kiểm soát được ngôi nhà thứ 2 trở lên để thu thuế, ngoài sự tham gia của con người cần có công nghệ quản lý tốt để liên thông dữ liệu nhà ở giữa các địa phương, từ đó mới ngăn chặn được việc cá nhân nơi này, mua nhà ở địa phương khác.

Dưới cái nhìn khắt khe hơn, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn áp dụng quy định này, cần làm rõ cơ sở khoa học, cách thức thực hiện và áp dụng cơ chế hiện đại, làm cơ sở cho quản lý thị trường tốt hơn.

"Nếu chúng ta không có chính sách phù hợp, sát thực, sẽ gây tâm lý Nhà nước tận thu thuế, cào bằng để thu cho đủ ngân sách. Như vậy, dư luận sẽ không đồng tình, sẽ phát sinh những mánh khóe để lách luật, không coi trọng luật pháp", ông Hiển nói.

Trên thực tế, theo các chuyên gia, đánh thuế căn nhà thứ 2 trở lên chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người mua. Nếu thấy mức thuế có thể chấp nhận được, người ta sẽ tiếp tục, còn không họ sẽ chuyển kênh đầu tư khác. Điều cần thiết lúc này là làm sao để đưa ra những lập luận chính sách cho những đối tượng chịu thuế hài lòng, chấp nhận cơ chế thị trường, cơ chế "cần phải có", "bắt buộc" như các nước phát triển. Bên cạnh đó, tạo ra sự công bằng, minh bạch nhằm tố giác những phát sinh từ cơ sở, đấu tranh để chống việc chuyển nhượng nhà thứ 2 cho nhân thân, thuê người đứng tên.

Ông Hiển nêu ví dụ: "Nếu một người dân nông thôn, có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, đứng tên căn hộ vài tỷ, căn biệt thự chục tỷ đồng tại Hà Nội là dấu hiệu cần rà soát và truy xuất để xác định rõ, chủ thực sự căn hộ đó là ai. Thêm nữa, một người gần 80 tuổi, có thu nhập vài triệu đồng/tháng, đứng tên hợp đồng mua nhà thì cũng là diện nghi vấn để cơ quan chức năng xây dựng dữ liệu, xác minh truy thu thuế...", ông Hiển nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành: Hiện nay Việt Nam chưa đánh thuế nhà, ai có bao nhiêu nhà cũng được, không bị đánh thuế, còn đất thì đánh thuế rất thấp. Quan niệm dân mình còn nghèo, nên không thu thuế là một cách biện minh không đúng bởi hiện nhiều người có địa vị, quyền thế hay giàu sang có nhiều nhà, nhiều đất khá phổ biến, họ kinh doanh có lãi, thu lợi nhưng không chịu nộp mức thuế nào cả.

"Thị trường bất động sản đã và đang nảy sinh tình trạng buôn nhà, buôn đất chứ không phải kinh doanh bất động sản. Tiền chảy vào túi một số người trong khi xã hội phải chi trả giá hàng hóa cao. Đây là yếu tố tạo nên sự bất bình đẳng trong thị trường nhà đất và cung cầu", ông Đực nói.

Nguyễn Tuyền