Đại gia tay không đi đòi nhà; tài sản CEO VietJet vẫn tăng vùn vụt
(Dân trí) - Tuần qua, sự kiện của các đại gia ít nhiều cũng liên quan tới bóng đá. Từ việc bầu Đức tâm huyết với bóng đá trẻ mặc cho khó khăn tài chính chồng chất, cho đến việc “hãng hàng không bikini” của bà Phương Thảo làm dậy sóng dư luận đều rất đáng chú ý.
Ông Phạm Nhật Vượng đã “bỏ xa” Chủ tịch Hyundai
Theo cập nhật của tạp chí Forbes, đến thời điểm 30/1/2018, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Vingroup đã có tổng tài sản lên tới 5,6 tỷ USD. Qua đó, vị trí của tỷ phú số 1 Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới đã tăng đáng kể. Ông trở thành người giàu thứ 364 thế giới.
Với khối tài sản hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng đã giàu hơn cả tỷ phú Richard Branson, ông trùm kinh doanh người Anh, sở hữu tập đoàn Virgin (hơn 400 hạng mục kinh doanh: hàng không, khách sạn, điện thoại, ngân hàng và thậm chí du lịch vũ trụ). Hiện tỷ phú Richard Branson có 5,3 tỷ USD tài sản ròng, xếp thứ 394 thế giới.
Ngoài ra, cũng trong đợt cập nhật này của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đã bỏ xa tỷ phú người Hàn Quốc Chung Mong-Koo, Chủ tịch hãng xe Hyundai. Hiện ông Chung Mong-Koo được ghi nhận có 5,1 tỷ USD tài sản, xếp thứ 414 thế giới. Năm ngoái, Chủ tịch Hyundai xếp thứ 4 Hàn Quốc và xếp thứ 334 trong danh sách người giàu thế giới.
Đại gia “tay không” đi đòi Maybach và Penthouse
Theo kết luận điều tra, từ năm 2013 đến nay, bà Hứa Thị Phấn (còn gọi Sáu Phấn - nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) đã có nhiều đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Luận, ông Phạm Đăng Quan và nhóm Phương Trang.
Sáu Phấn tố rằng, vào năm 2009, thông qua giới thiệu của ông Trịnh Thanh Cao, bà quen biết ông Luận, ông Quan. Bà Phấn tin tưởng vào quy mô, tầm cỡ hoạt động lớn của Công ty Phương Trang do công ty này có hệ thống xe du lịch và xe khách trải khắp các tỉnh, thành phố, có rất nhiều bất động sản. Đáng chú ý, trong nội dung tố cáo, bà Phấn còn cho rằng những “người bạn mới” này luôn tỏ ra có tình cảm tốt đẹp với bà.
Do đó, khi bà Phấn phải đi lại bằng xe lăn, ông Luận có đưa chiếc xe ôtô Maybach, BKS 51A-048.99 cho bà Phấn sử dụng để đi lại cho thuận tiện; đáp lại bà Phấn đã giao căn hộ penthouse tại Tòa tháp Topaz 1, Sài Gòn Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh (có giá trị cao hơn chiếc xe) và làm thủ tục sang tên cho ông Luận. Tuy nhiên đến nay ông Luận vẫn không sang tên chiếc xe ôtô cho bà Phấn.
Ngoài ra, sau khi lấy được tình cảm, lòng tin, nhóm Phương Trang thường xuyên đến trao đổi và mượn của bà Phấn rất nhiều khoản tiền từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ và hàng nghìn tỷ đồng, việc vay mượn được thực hiện theo hình thức vay - trả - xóa nợ trong một thời gian dài, giấy mượn nợ được hủy ngay sau khi thanh toán đầy đủ.
Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan chức năng, Sáu Phấn lại không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc đòi xe là có cơ sở.
Đối với căn hộ 3401, tại Tòa nhà Topaz 1, tầng 34, Khu đô thị Sài Gòn Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, Công ty Phương Trang hiện đứng tên sở hữu hợp pháp của căn hộ này.
Thực tế ông Luận đã trả 9.004.241.664 đồng tiền mua căn hộ 201m2 theo văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua bán nhà ở ngày 11/5/2011 có công chứng, không có chuyện bị can Phấn cho ông Luận căn nhà này.
CEO hãng hàng không Vietjet đã có 3,3 tỷ USD
Sự cố người mẫu hở hang trên máy bay đón U23 Việt Nam và quyết định phạt 40 triệu đồng trên thực tế cũng không ảnh hưởng tới cổ phiếu VJC sau khi hãng hàng không này công bố lợi nhuận khủng.
Và rất bất ngờ là VJC vẫn diễn biến rất tích cực, trong nửa đầu phiên sáng (ngày 29/1) hầu như không có biểu hiện gì là bị tác động bởi “scandal” đang diễn ra. Sau phiên sụt giá mạnh 9.500 đồng (4,8%) phiên 26/1, sáng 29/1, VJC đã có lúc tăng lên mức 198.000 đồng.
Điều này đã giúp khối tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo ngày càng được củng cố. Với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viet Jet, bà Thảo sở hữu trực tiếp 39,56 triệu cổ phiếu VJC và sở hữu gián tiếp 128,95 triệu cổ phiếu này thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Trên bảng xếp hạng người giàu thế giới của Forbes, bà Thảo thăng hạng chóng mặt với khối tài sản đến ngày 28/1 đã tăng lên mức 3,3 tỷ USD, xếp thứ 730 thế giới.
Đại gia phố núi Gia Lai lãi cao nhất 10 năm
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017.
Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 4 của QCG đạt 130,7 tỷ, giảm tới 82% so với cùng kỳ năm 2016.
Nguyên nhân sụt giảm là do các dự án mới của QCG còn đang trong quá trình góp vốn xây dựng chưa đến giai đoạn bàn giao khiến cho doanh thu bất động sản ghi nhận chỉ ở mức 3,7 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ là 652 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của QCG ghi nhận mức tăng khá tốt của doanh thu tài chính. Theo đó, khoản thu này tăng vọt lên 38 tỷ đồng, cao hơn hẳn con số hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Số tiền này chủ yếu có từ việc thanh lý các khoản đầu tư.
Cũng trong quý 4, chi phí tài chính lẫn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của QCG đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, năm 2017 QCG lên kế hoạch doanh thu thuần 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng. Do vậy, dù có được mức tăng nhảy vọt song doanh nghiệp này vẫn “lỡ hẹn” với kế hoạch lợi nhuận đề ra. Trước đó, Quốc Cường Gia Lai đã có 6 năm liên tiếp không hoàn thành mục tiêu.
Bầu Đức vẫn chi hàng chục tỷ đồng cho bóng đá năm qua
Dù hoàn cảnh có thế nào thì bầu Đức vẫn luôn tâm huyết với bóng đá, ngay cả khi phải tái cơ cấu toàn bộ Hoàng Anh Gia Lai, phải tháo chạy khỏi bất động sản trong nước, phải bán các công ty thuỷ điện,... thì bầu Đức vẫn giữ lại bóng đá - một mảng không sinh lời cho doanh nghiệp, không thể giúp các chỉ số tài chính trở nên tốt hơn.
“Đổ tiền đào tạo trẻ, tôi chấp nhận thực tế rằng đầu tư bóng đá mất rất nhiều thời gian. Phải mất ít nhất 7 năm mới có một lứa cầu thủ đủ độ chín như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... ”, bầu Đức chia sẻ.
9 tháng đầu năm 2017, khi áp lực nợ nần đã giảm bớt nên bầu Đức tăng chi phí cho Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên 49 tỷ đồng.
Võ Trường Thành biến mất, sản nghiệp hồi sinh trong tay Shark Vương
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vừa bất ngờ hồi sinh trong năm 2017 với khoản lãi ròng 26 tỷ đồng. Đây là một thông tin khá bất ngờ đối với giới đầu tư bởi doanh nghiệp vốn một thời của ông Võ Trường Thành ngập chìm trong khó khăn và mới chỉ được một loạt các doanh nhân bỏ ngàn tỷ cứu nguy 1 bi kịch hồi cuối năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu quý 4/2017 của TTF cao gấp 2,3 lần cùng lên vượt lên gần 610 tỷ đồng. Tổng doanh thu cả năm cũng tăng 112% so với năm liền trước lên gần 1,4 ngàn tỷ đồng.
So với khoản lỗ ròng gần 1,3 ngàn tỷ trong năm 2016, con số lợi nhuận trong năm nay là nhỏ bé.
Trước đó, trong tháng 12/2017, TTF đã phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp thu về 1.000 tỷ đồng, đủ để bù đắp thua lỗ để tránh tình trạng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và bị bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Trong năm 2017, TTF cũng gây chú ý với sự xuất hiện của cổ đông lớn SAM Holdings do Shark Vương (ông Trần Anh Vương) làm CEO với cú gom 14 triệu cổ phiếu TTF, nâng sở hữu của SAM tại doanh nghiệp này lên 14%, tương đương 20,8 triệu cổ phiếu.
Thế Hưng