Võ Trường Thành biến mất, sản nghiệp hồi sinh trong tay Shark Vương

Doanh nghiệp vốn một thời của ông Võ Trường Thành bất ngờ hồi sinh và báo lãi sau khoản lỗ ròng ngàn tỷ trong năm liền trước. Một loạt các đại gia trong đó có Shark Vương gặp thời sau khi ông Thành mất nghiệp và chấp nhận từ bỏ đứa con của mình. Ông Trường Thành cũng gần như biến mất khỏi thị trường, trong khi Shark Vương lại quá nổi với chương trình khởi nghiệp trên truyền hình.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vừa bất ngờ hồi sinh trong năm 2017 với khoản lãi ròng 26 tỷ đồng. Đây là một thông tin khá bất ngờ đối với giới đầu tư bởi doanh nghiệp vốn một thời của ông Võ Trường Thành ngập chìm trong khó khăn và mới chỉ được một loạt các doanh nhân bỏ ngàn tỷ cứu nguy 1 bi kịch hồi cuối năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính, doanh thu quý 4/2017 của TTF cao gấp 2,3 lần cùng lên vượt lên gần 610 tỷ đồng. Tổng doanh thu cả năm cũng tăng 112% so với năm liền trước lên gần 1,4 ngàn tỷ đồng.

So với khoản lỗ ròng gần 1,3 ngàn tỷ trong năm 2016, con số lợi nhuận trong năm nay là nhỏ bé. Tuy nhiên, nó đánh dấu một sự hồi sinh của doanh nghiệp đầu ngành gỗ Việt Nam với lượng khách hàng xuất khẩu khá lớn. Một thương hiệu Việt có thể tránh khỏi thảm cảnh lu mờ.

Trước đó, trong tháng 12/2017, TTF đã phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp thu về 1.000 tỷ đồng, đủ để bù đắp thua lỗ để tránh tình trạng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và bị bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Võ Trường Thành biến mất, sản nghiệp hồi sinh trong tay Shark Vương - 1

Trong năm 2017, TTF cũng gây chú ý với sự xuất hiện của cổ đông lớn SAM Holdings do Shark Vương (ông Trần Anh Vương) làm CEO với cú gom 14 triệu cổ phiếu TTF, nâng sở hữu của SAM tại doanh nghiệp này lên 14%, tương đương 20,8 triệu cổ p hiếu.

Ông Trần Anh Vương là người xuất hiện trong chương trình truyền hình "Thương vụ bạc tỷ" với tên được biết là Shark Vương, và là một trong những người đầu tư nhiều vụ nhất trong chương trình.

Trong thương vụ gom 14 triệu cổ phiếu TTF trong tuần cuối tháng 12/2017, SAM Holdings có thể đã phải chi ra hơn 100 tỷ đồng nếu tính theo giá giao dịch trên thị trường.

Việc TTF hồi sinh và có lãi trở lại là một thông tin vui đối với SAM của Shark Vương. Trong năm 2017, Sam Holdings của Shark Vương cũng ghi nhận lãi cao kỷ lục 4 năm. Cú chuyển hướng sang lĩnh vực đầu tư đã mang về cho CTCP SAM Holdings khoản doanh thu tài chính đột biến, đẩy lãi ròng tăng hơn gấp gần 5,5 lần lên khoảng 115 tỷ đồng.

SAM cho biết, lợi nhuận tăng trưởng nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, doanh thu tài chính tăng đồng thời ghi nhận hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh đã trích lập từ các quý trước.

Tại ĐHCĐ thường niên, SAM đã quyết định chuyển hướng trở thành công ty đầu tư với động thái đổi tên từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom thành CTCP SAM Holdings. SAM hiện đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu như DVN, DXG, PVD… và gặt hái được khá nhiều thành công trong bối cảnh thị trường chứng khoán thăng hoa.

Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu chịu áp lực chốt lời do liên tiếp tăng lên mức kỷ lục 10 năm trong cả năm 2017 và gần trọn tháng 1 năm 2018. Thị trường đã chứng kiến phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Nhiều cổ phiếu đã chứng kiến tình trạng “trắng bên mua” như một số mã cổ phiếu nóng, cổ phiếu dầu khí và bất động sản công nghiệp.

Một số công ty chứng khoán lo ngại sự rạn nứt lan rộng và không đánh giá cao khả năng vượt đỉnh lịch sử hơn 10 năm trước, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư muốn “nghỉ tết sớm”, chốt lời để chắc ăn đón một năm mới.

Tuy nhiên, nhiều CTCK khác vẫn đánh giá cao xu hướng tăng của thị trường nhờ dòng tiền ngoại vẫn đổ vào và triển vọng tươi sáng của nền kinh tế cũng như khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam.

CTCK BSC cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục mất vài phiên rung lắc để xác định nền giá và thu hút dòng tiền quay trở lại. BVSC cũng cho rằng, thị trường sẽ sớm hồi phục cho dù mức độ phân hóa sẽ khiến đà hồi phục không diễn ra đồng loạt ở tất cả các nhóm cổ phiếu.

Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/2, VN-index giảm 10,69 điểm xuống 1.099,67 điểm; HNX-Index giảm 2,75 điểm xuống 123,15 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 59,19 điểm. Thanh khoản đạt 380 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 9 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Theo V. Hà
VietnamNet

Võ Trường Thành biến mất, sản nghiệp hồi sinh trong tay Shark Vương - 2