Đại diện World Bank: "Diễn biến tại Lọc dầu Dung Quất hơi khó hiểu"
(Dân trí) - "Nếu chỉ nhìn vào các con số có thể thấy diễn biến hơi khó hiểu bởi nhìn vào quy mô, nhà máy này đủ quy mô để cạnh tranh tốt và có hiệu quả trong sản xuất. Nhưng dù có ưu đãi về vị trí thuận lợi, ưu đãi thuế, tài chính nhưng BSR vẫn có hiệu quả hoạt động rất thấp”, đại diện World Bank cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo minh bạch về giá năng lượng tại Việt Nam, bà Masami Kojima - đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, theo đánh giá sơ bộ của tổ chức này, mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau chính là một trong số những vấn đề với các nhà máy lọc dầu.
"Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, ASEAN rất thấp làm cho ngành lọc dầu không còn hấp dẫn nữa. Vấn đề này hiện đang rất phức tạp với các nhà máy lọc dầu", bà Kojima cho biết.
Nói riêng về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) vận hành, bà Kojima cho rằng: "Nếu chỉ nhìn vào các con số có thể thấy diễn biến hơi khó hiểu bởi nhìn vào quy mô, nhà máy này đủ quy mô để cạnh tranh tốt và có hiệu quả trong sản xuất. Nhưng dù có ưu đãi về vị trí thuận lợi, ưu đãi thuế, tài chính nhưng BSR vẫn có hiệu quả hoạt động rất thấp".
Theo đại diện World Bank: "Lọc dầu Bình Sơn dùng nguồn dầu thô ngay trong nước thì đáng lẽ ra chi phí để sản xuất và phân phối phải thấp hơn các nước khác. Nếu so sánh với sản phẩm lọc dầu của Singapore, họ phải mất chi phí vận chuyển 2 lần để nhập dầu thô đến nhà máy của họ và sau đấy phải xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, BSR đang hưởng 2 ưu đãi về thuế quan trọng bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và có thể giữ lại số tiền thuế tương đương với ưu đãi".
"Lọc dầu Bình Sơn đặt ra một số câu hỏi là tại sao cái gì cũng có lợi thế mà không hiệu quả như vậy. Đặc biệt, khi đang có kế hoạch đưa nhà máy lọc dầu thứ 2 vào hoạt động thì cần phải đánh giá lại, đừng để phức tạp hơn khả năng tài chính của BSR", bà nói.
Trao đổi về đánh giá sơ bộ này của World Bank, bà Phạm Kim Quyên - Ban Quy hoạch thị trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: "Nhà máy Bình Sơn có nhiều ưu đãi và lợi thế về vận chuyển nhưng nếu nghiên cứu sâu BSR vẫn có khó khăn vì giá vận chuyển không phải giá họ tự quyết được. Bên cạnh đó, về công nghệ khi thiết kế thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiêu thụ dầu thô ngọt từ mỏ Bạch Hổ. Do đó, khi bán ra thị trường giá rất cao bởi ngay cả khi giá dầu xuống, họ buộc phải mua giá dầu ngọt của Bạch Hổ có mức chênh nhiều với giá dầu chua".
"Nhìn chung, thị trường Việt Nam rất phức tạp, các chính sách trợ cấp cần phải đặt trong tổng thể lớn dựa trên các tiêu chí về kinh tế, an ninh năng lượng, phát triển về môi trường….", bà Quyên nói.
Liên quan tới Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mới đây, sau nhiều lần kêu cứu, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1725 sửa đổi một số điều Quyết định số 925 ngày 26/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Trong đó, sửa đổi quan trọng nhất chính là quy định thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước thành thu điều tiết đối với sản phẩm xăng tiêu thụ trong nước. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ còn thu điều tiết với mặt hàng xăng của Dung Quất với tỷ lệ thu điều tiết sẽ là 10%. Thời gian áp dụng thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của Công ty Bình Sơn thực hiện từ ngày 3/9/2016 đến hết ngày 31/12/2016.
với tỷ lệ thu điều tiết 10% tại Quyết định 1725, Lọc dầu Dung Quất sẽ chỉ phải nộp cho ngân sách một khoản tương đương 10% thay vì 13% như trước kia. Mức nộp này bằng với mức thuế nhập khẩu áp dụng với sản phẩm nhập khẩu ưu đãi từ Hàn Quốc. Đối với các sản phẩm khác là dầu, nhiên liệu bay và dầu mazut, cơ chế thu điều tiết đã loại bỏ thì sản phẩm của Dung Quất thậm chí còn có phần "cạnh tranh" hơn.
Trao đổi với Dân trí về quyết định này, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, đây là quyết định đúng của Chính phủ nhằm giúp sản phẩm của Dung Quất sản xuất ra có giá bán cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.
“Hiện trên thị trường, thuế đánh vào các sản phẩm dầu diesel nhập khẩu ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản hay ASEAN đều là 0% và Lọc dầu Dung Quất cũng chỉ chịu mức 0% nên chúng tôi không kêu ca gì. Tuy nhiên, riêng mặt hàng xăng nhập khẩu từ các nước ASEAN và Dung Quất là 20% trong khi từ Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ 10% thôi. Rõ ràng như vậy sẽ khiến xăng từ Dung Quất đắt hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và khiến doanh nghiệp đầu mối họ từ chối các sản phẩm của Dung Quất", ông Giang lý giải.
Theo ông Giang: "Quyết định 1725 của Thủ tướng đã đảm bảo xăng dầu Dung Quất được công bằng với xăng từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Với quyết định này, chúng tôi sẽ theo đúng thị trường, sống và hành xử theo đúng thị trường, khó hay không khó thì không kêu ai nữa và cũng không thể kêu ca nữa".
Phương Dung