1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cung ứng 70% nhu cầu cả nước, PV Gas vẫn không độc quyền?

(Dân trí) - Đại diện Bộ Công thương khẳng định, PV Gas thuộc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường song hoạt động bị điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 107 nên không ngại về việc doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (ảnh: BCT).
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (ảnh: BCT).

Năm 2012, cả nước tiêu thụ hơn 1,2 tỷ tấn gas!

Theo thông tin được ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (thuộc Bộ Công thương) đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến “Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn”, trong năm 2012, tổng sản lượng tiêu thu gas của Việt Nam đạt trên 1,24 tỷ tấn.

Tiêu thụ của các cơ sở công nghiệp và giao thông vận tải chiếm khoảng 35%; các cơ sở thương mại, dịch vụ và hộ tiêu thụ dân dụng chiếm khoảng 65%. Thị trường miền Nam có nhu cầu tiêu thụ cao nhất, chiếm khoảng 66% nhu cầu của cả nước.

Ông An cũng cho biết, năm 2012, gas sản xuất trong nước được cung cấp từ Nhà máy GPP Dinh Cố (với nguồn đầu vào từ mỏ Bạch Hổ), sản lượng khoảng 250.000 tấn/năm và Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung cấp sản lượng  khoảng 367.000 tấn/năm. 

Khối lượng gas nhập khẩu năm ngoái khoảng 626.000 tấn (trên 580 triệu USD) chủ yếu từ Trung Quốc, Quata, Ảrập Xêút và Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất.

PV Gas thuộc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

Trên cả nước, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đang là doanh nghiệp cung cấp gas lớn nhất. Theo số liệu báo cáo, trong năm 2012, PV Gas cung cấp cho thị trường khoảng 610.000 tấn, trong đó từ nguồn Dinh Cố khoảng 255.000 tấn, từ nguồn nhập khẩu khoảng 360.000 tấn, đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu cả nước. 

Nếu tính bao gồm cả lượng khí hóa lỏng Dung Quất được phân phối qua các đơn vị thành viên của PV Gas (PVGas Trading, PVGas North, PVGas South) thì PV Gas cung cấp được khoảng trên 70% nhu cầu cả nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lộc An khẳng định, kinh doanh gas hiện không thuộc lĩnh vực độc quyền. Mặt hàng này được điều chỉnh bởi Nghị định 107. PV Gas thuộc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, hoạt động của doanh nghiệp bị điều chỉnh theo quy định nên không ngại về việc họ chiếm thị phần lớn nhất.

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp trên thị trường này đã giảm so với 10 năm trước. Trước năm 2003, cả nước có khoảng 30 doanh nghiệp đầu mối gồm 7 doanh nghiệp nhà nước, 16 doanh nghiệp quốc doanh và 7 doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện tại, số doanh nghiệp còn 23 đơn vị tham gia vào thị trường đầu mối nhập khẩu và cung cấp gas. Các doanh nghiệp này đảm bảo dự trữ và cung ứng cho thị trường. 

Người tiêu dùng có bị ảnh hưởng?

Cùng tham gia tại Tọa đàm, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, trường hợp doanh nghiệp chiếm thị phần chiếm khoảng 30% trở lên thì người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Áp vào trường hợp PV Gas, người tiêu dùng không thể không bị ảnh hưởng.

Đáp lại, ông Trần Trọng Hữu- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, “Tôi xin nói rõ, PVGas không tham gia vào vấn đề giá cho người tiêu dùng vì PVGas chỉ là đơn vị cung cấp nguồn, có nhà máy sản xuất khí ở trong Vũng Tàu. PVGas chỉ cung cấp cho các nhà phân phối, thương nhân cấp 1 (có thương hiệu bình gas trên thị trường), chứ không tham gia bán hàng trực tiếp trên thị trường”.

Ông Hữu cũng cho rằng, hiện tại, PVGas đứng ra là đơn vị nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam có lợi. Bởi ký kết với đối tác nước ngoài hết sức phức tạp, giá đầu vào chi phí vận chuyển chỉ chiếm 7-8% trong tổng giá thành, nếu giảm đi thì giảm được một ít. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng nhập khẩu. 

Hơn nữa, phương thức thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) yêu cầu phải thanh toán trong vòng 30 ngày. Nếu tỷ giá trong nước điều chỉnh trượt giá thì doanh nghiệp sẽ lỗ hoàn toàn. Trong khi đó nhập khẩu về Việt Nam, ngày hôm sau lấy về kho luôn, “trong đoạn vênh 30 ngày đó, tỷ giá trượt giá đi thì doanh nghiệp bị lỗ chứ không phải lãi, chưa kể thu xếp để có ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ không thể chịu được – ông Hữu phân tích.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm