Cùng làm cho Nhật, người Singapore được trả lương cao gấp 4 lần người Việt

(Dân trí) - Với hơn 16.000 USD/năm (khoảng 363 triệu đồng) cho một lao động là quản lý người Việt tại công ty Nhật tại Việt Nam, đây là mức lương cao nhất trong khối ngành của các doanh nghiệp (DN) Nhật tại Việt Nam. Tuy nhiên, so sánh với các nước trong ASEAN có DN Nhật đầu tư, mức lương cao nhất họ trả cho người Việt vẫn rất thấp.

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố báo cáo về hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2016. Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) của Nhật đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam khi 60% trong tổng số hơn 1.200 DN cho biết họ làm ăn có lãi.

Về mức lương các DN Nhật chi trả cho lao động Việt, năm 2016 của các công ty Nhật trả cho người Việt đã tăng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. Số tiền thực chi cho công nhân trong khối chế tạo của Việt Nam đạt hơn 4.000 USD.

Bảng chi phí nhân công của các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực (nguồn JETRO)
Bảng chi phí nhân công của các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực (nguồn JETRO)

Tuy nhiên, theo nhận định của JETRO, mặc dù có đánh giá khả quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam và những lợi thế cạnh tranh động và tĩnh: như chính sách của Chính phủ mới, lao động giá rẻ và hội nhập, giảm thuế nhiều thị trường xuất khẩu. Các DN Nhật vẫn cho hay, mức chi phí nhân công của Việt Nam năm 2017 sẽ rẻ đi, điều này đồng nghĩa năng suất giảm.

Cụ thể, năm 2015 - 2016, chi phí nhân công của Việt Nam tăng 9,6% so với năm trước, nhưng dự đoán năm 2016 - 2017, chi phí nhân công của Việt Nam sẽ chỉ tăng 8,1%. Chi phí lao động ngày càng thấp đi, đồng nghĩa với năng suất và cải thiện chất lượng lao động ở Việt Nam chậm.

Trong nhóm ngành các DN Nhật đầu tư làm ăn tại Việt Nam, hiện lao động cấp cao khối phi chế tạo (dịch vụ)- quản lý và khối chế tạo - quản lý có mức lương cao nhất, lần lượt là 16.028 USD/người/năm và 14.629 USD/người/năm (tương đương 363 - 332 triệu đồng, tương ứng khoảng từ 30 - 27 triệu đồng/người/tháng).

Nhóm lao động là nhân viên khối dịch vụ, chỉ có mức lương khoảng 7.000 USD/người/năm (tương đương 13 triệu đồng/tháng). Lao động kỹ sư, làm việc liên quan chế tạo chỉ khoảng từ 6.600 USD/người/năm (tương đương 12 triệu đồng). Thấp nhất là nhóm công nhân làm việc trong khối chế tạo, chế xuất chỉ đạt 4.000 USD, tức khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.

So với các nước Châu Á Thái Bình Dương và ASEAN, nơi có nhiều DN Nhật đầu tư, mức lương của lao động Việt Nam chỉ cao hơn chút ít so với Lào, Campuchia và Myanmar nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với lao động ở các nước ASEAN +6. Cụ thể, mức lương cao nhất của khối quản lý cho DN Nhật của người Singapore là 69.500 USD/người/năm (1,5 tỷ đồng, tương đương 131 triệu đồng/người/tháng. Gấp hơn 4 lần so với mức lương cao nhất tại Việt Nam.

Hay so với các nước trong khu vực ASEAN khác, mức thu nhập cao nhất của người Việt cũng chỉ bằng một nửa họ. Mức lương quản lý mà DN Nhật trả cho người Thái cao nhất là 23.900 USD/người/năm (hơn 540 triệu đồng), người Malaysia là hơn 25.700 USD/người/năm (gần 600 triệu đồng)...

Đáng nói, mức lương DN Nhật trả cho lao động Trung Quốc - nước được coi là có giá lao động rẻ trên thế giới lại cao hơn rất nhiều nước ASEAN. Năm 2016, nhiều khối ngành, lao động Trung Quốc được các công ty Nhật trả lương cao thứ hai, chỉ sau Singapore.

Cụ thể, đối với lao động quản lý bậc cao, lương của người Trung Quốc là 36.500 USD/người/năm (gần 830 triệu đồng). Lao động là công nhân, nhân viên cũng cao hơn nhiều nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philippines chứ chưa nói đến Việt Nam.

Theo đại diện của JETRO, chi phí nhân công phản ánh năng suất lao động và hiệu quả làm việc. Mức chi phí lao động tại Việt Nam, Lào và Campuchia thấp do hầu hết các DN Nhật đầu tư vào đây là lắp ráp, gia công đơn giảm. Do vậy, để cải thiện mức lương cần đi liền với nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của người lao động.

Nguyễn Tuyền