Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng:

"Vụ cấp phép khống ở Tổng cục Thủy sản: Dấu hiệu bán quyền ăn tiền là rõ"

(Dân trí) - Vụ việc phát hiện trên 800 sản phẩm của 72 doanh nghiệp dù không hề được kiểm định chất lượng nhưng vẫn có mặt trong danh sách chính thức các sản phẩm được phép lưu hành hợp pháp của Tổng cục Thủy sản cũng khiến nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học-công nghệ của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn của báo chí sáng nay (26/7) trong giờ giải lao của Quốc hội.


Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng:Vụ việc có yếu tố sai phạm có tổ chức

Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng:"Vụ việc có yếu tố sai phạm có tổ chức"

Về việc một nhóm cán bộ, công chức ở Tổng cục Thủy sản bán giấy phép khống, để nhiều tổ chức, cá nhân lưu hành 800 sản phẩm thuỷ sản mới đây, ông đánh giá mức độ hậu quả của nó nghiêm trọng thế nào?

-Nhiều bà con nông dân, khi nghe sự việc này họ rất bức xúc. Nhiều bà con có gọi điện cho tôi phàn nàn về chuyện này. Khi tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã nghe nhiều ý kiến than phiền về chất lượng vật tư nông nghiệp trong đó có vật tư nuôi trồng thuỷ sản. Thực tế, hàng trôi nổi, kém chất lượng rất nhiều nhưng việc kiểm soát các mặt hàng này là lỏng lẻo. Nên nhiều đại biểu Quốc hội vừa qua cũng đã có ý kiến.

Vụ việc xảy ra như vậy, quá trình thực hiện mình cảm thấy nó gây nhiều ý kiến trong dư luận, hậu quả rất nặng nề. Sai phạm này là có tổ chức. Theo tôi biết, hiện nay tuy vụ việc đã chuyển qua cơ quan an ninh điều tra làm rõ. Nhưng việc xử lý như vậy vẫn còn chậm quá vì vụ việc này khi phát hiện ra và theo như kết quả kiểm tra của bên Tổng cục Thuỷ sản thì cũng cách đây hơn một năm rồi từ tháng 6/2015.

Nhưng mức xử lý hành chính như vậy không thể chấp nhận được. Làm thế gây mất lòng tin kinh khủng. Cái này sẽ gây những tổn thất rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, cho nông, ngư dân, cho nuôi trồng thuỷ sản. Với người nuôi tôm chẳng hạn, người ta rất cần những vật tư xử lý ao đầm, nguồn nước, nuôi và phát triển giống. Khi vật tư, thức ăn là giả khiến tôm, cá chết thì việc xử lý, nuôi lại tốn kém rất lớn.

Cho nên, bây giờ phải xử lý mạnh tay để lấy lại lòng tin cho người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổ chức lại, không để cho một cơ quan vừa cấp phép vừa đi kiểm soát. Thứ hai, trong quá trình đó, cũng phải công khai, minh bạch ra. Công khai danh mục, đóng dấu từng trang để không có cơ hội cho đối tượng nào cắt ghép danh mục như trong vụ việc bê bối vừa rồi.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, Tổng cục Thủy sản vẫn chưa công bố 800 sản phẩm thuỷ sản đã lưu hành bằng giấy phép cấp khống như yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ông thấy kỷ luật công vụ ở đây thế nào ?

-Như vậy là không chấp nhận được. Theo tôi, bây giờ Tổng cục phải công bố rõ ràng để người dân còn biết sản phẩm nào được phép, sản phẩm nào không chứ không biết đâu mà lần, không biết sản phẩm nào đảm bảo chất lượng. Những việc làm như ở Tổng cục Thủy sản vừa rồi cũng gây thiệt hại cho cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính như làm thuốc trừ sâu hay thức ăn cho chăn nuôi thuỷ sản, nếu họ làm đảm bảo chất lượng phải qua quy trình kiểm tra chặt chẽ, giá thành cao. Nếu không công khai thì sản phẩm chất lượng kém thì được bán giá rẻ, người dân mua nhiều trong khi sản phẩm thực lại không bán được hàng. Nếu công bố rõ thì người dân còn biết sản phẩm nào chất lượng kém họ còn tẩy chay.

Khi Chính phủ đã yêu cầu như vậy thì chắc họ sẽ buộc phải làm thôi. Theo tôi, ông nào mà không chịu báo cáo thì phải buộc ông cấp trưởng ngồi nhà làm báo cáo, ông phó tạm làm thay một thời gian. Ông phó đó mà làm tốt hơn ông trưởng thì thay luôn. Mạnh tay như vậy thì kỷ luật mới nghiêm.

Đây bản chất là một hành vi "bán quyền ăn tiền" ?

-Rõ ràng như vậy mà. Ở đây sai phạm là có tổ chức. Có dấu hiệu cấu thành tội phạm rất rõ. Cơ quan điều tra nên sớm vào cuộc. Tôi nghĩ là khi mới phát hiện ra vụ việc, nếu cơ quan kiểm tra của ngành mà đã làm rõ, nếu có ý chậm chuyển cho cơ quan điều tra thì đó là một thái độ đáng trách, cũng cần phải kiểm điểm trách nhiệm.

Bên Tổng cục Thủy sản họ có nói là đã chuyển cơ quan an ninh. Tuy nhiên, bên ngành công an thì cũng có nhiều bộ phận. Nếu họ có ý chuyển không đúng cơ quan thì cũng là một cách tránh né ?

-Có thể họ cũng tính toán chuyển cho cơ quan nào. Đã đưa cho cơ quan điều tra thì cơ quan nào, nếu không đúng chức năng thì họ cũng phải có trách nhiệm chuyển trong nội bộ ngành. Quan trọng là thời điểm đưa lúc nào. Quá trình này kéo khá dài, trong khi thanh tra chỉ có 1 tháng. Lẽ ra phải chuyển ngay cơ quan điều tra, xử lý nhanh, giảm tổn thất cho bà con nông dân. Nhưng chậm chuyển như thế là cũng phải xem lại.

Theo ông thì với các vụ việc thế này, có nguy hại gì cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam?

-Thức ăn chăn nuôi thuỷ sản mà không đảm bảo tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và nhà nhập khẩu sẽ phải siết lại việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. Cái đó ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của quốc gia. Vì người ta cũng không biết sản phẩm thức ăn đó có chất cấm hay không. Nhất là các thị trường lớn, việc kiểm soát chất lượng nhập khẩu ngặt nghèo thì những việc thế này sẽ làm khó khăn lớn cho xuất khẩu của mình. Cho nên, cơ quan chức năng càng cần phải kiểm tra, làm rõ và công bố sản phẩm nào đạt chất lượng, sản phẩm nào vi phạm.

Mạnh Quân