Các tỉnh về Hà Nội chúc Tết đã giảm 70%

(Dân trí) - Thông tin này được đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra hôm nay (3/2) tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, con số này thể hiện sự thay đổi rất lớn về tư duy trong việc thực hiện chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng ghi nhận sự thay đổi lớn về tư duy khi số lượng địa phương về Hà Nội chúc Tết giảm mạnh (Ảnh: VGP)
Thủ tướng ghi nhận sự thay đổi lớn về tư duy khi số lượng địa phương về Hà Nội chúc Tết giảm mạnh (Ảnh: VGP)

Thông tin từ Cổng thông tin của Chính phủ cho biết, trong sáng 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017.

Theo báo cáo tại cuộc họp, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, hàng hóa đầy đủ phục vụ Tết, giá cả ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 chỉ tăng 0,46% (so với tháng 12/2016). Chế độ trực Tết của các cơ quan hành chính được bảo đảm.

“Thông tin báo cáo của các cơ quan chức năng với Thủ tướng kịp thời, nghiêm túc”, Thủ tướng nói và bày tỏ vui mừng khi nghe thông tin các tỉnh về Hà Nội chúc Tết đã giảm, mà theo đánh giá là giảm 70%. Thủ tướng cho rằng con số này thể hiện sự thay đổi rất lớn về tư duy trong việc thực hiện chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: “Điều đặc biệt là chúng ta phải tiếp tục trong năm nay việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mạnh mẽ, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, và đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý hoàn thiện những nội dung quan trọng như tiếp tục phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35.

Nội dung nữa là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt 250 loại công việc khác nhau của Nghị quyết 19 vừa ban hành tháng 1/2017. Đây là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở bởi “như có đại biểu nói, nếu làm tốt ở phía trên mà ở dưới không làm tốt thì sẽ mất uy tín của Chính phủ”.


Thủ tướng yêu cầu bắt tay ngay vào công việc từ đầu năm, không để tình trạng quý I đủng đỉnh (ảnh: VGP)

Thủ tướng yêu cầu bắt tay ngay vào công việc từ đầu năm, không để tình trạng quý I đủng đỉnh (ảnh: VGP)

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu đã nêu tại Công điện ngày 2/2, trong đó có việc khắc phục một số biểu hiện không lành mạnh trong lễ hội. Nhấn mạnh, bất cứ cán bộ, công chức nào đi lễ hội trong giờ hành chính, trừ cán bộ được phân công, hay dùng xe công đi lễ hội, thì phải xử lý nghiêm, Thủ tướng đề nghị báo chí kiểm tra, giám sát mạnh mẽ việc thực hiện chủ trương này.

Một số việc ngay từ đầu năm phải triển khai, Thủ tướng chỉ rõ, đó là: Kế hoạch sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là một số mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tái cơ cấu ngành. Đẩy mạnh việc thoái vốn cổ phần hóa, khắc phục tình trạng tỷ lệ vốn hóa trong cổ phần hóa đạt mức thấp. Các dự án liên quan đến hạ tầng cần triển khai mạnh mẽ, kịp thời hơn. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ Đông Xuân, bảo đảm thành công.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phải được quán triệt, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Ngay đầu năm, phải triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 một cách chủ động nhất, kịp thời nhất, để tạo chuyển biến rõ nét ngay trong quý I này.

Dẫn báo cáo mới đây của Nikkei Market về "Chỉ số nhà quản trị mua hàng" (PMI) của Việt Nam trong tháng 1/2017 đạt 51,9 điểm, cao hơn mức bình quân của các nước ASEAN nhưng lại giảm so với tháng 12/2016, Thủ tướng cho rằng điều này có liên quan đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, phải bắt tay ngay vào việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tình trạng quý I đủng đỉnh, không để tồn tại tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề số lượng địa phương về Hà Nội chúc Tết năm nay giảm mạnh, tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra cuối ngày hôm nay (3/2), ông Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện chủ trương của Ban Bí Thư và Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ quan đã tuyên bố khẩu hiệu không tiếp khách đến chúc Tết. Riêng tại Văn phòng Chính phủ, bản thân ông Dũng đã ký công văn với nội dung không được chúc Tết tặng quà lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ.

“Nếu người đứng đầu không ký công văn ấy thì anh em khó ứng xử”, ông Dũng nhìn nhận. Bởi theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, chúc Tết vốn là một truyền thống diễn ra nhiều năm. Và chủ trương không đi chúc Tết không phải mới được đề ra mà đã đề cập từ nhiều năm trước, nhưng đến năm nay mới thể hiện rõ nét, quyết liệt.

Ông Dũng kể lại câu chuyện vui của người lái xe taxi rằng, năm nay nhân dân đón Tết rất tốt nhưng người lái xe taxi lại thất thu vì số người lên Hà Nội giảm hẳn. Con số 70% là con số ước lượng, có thể hơn, có thể dưới mức này, song theo ông Mai Tiến Dũng, đã phản ánh đúng tình hình thực tế về sự chuyển biến trong nhận thức và hành động. Riêng tại Chính phủ và Văn phòng Chính phủ không có địa phương nào đến chúc Tết - ông Dũng khẳng định: “Nếu có thì các đồng chí phản ánh, chúng tôi sẽ nhận khuyết điểm ngay”.

Để dẫn chứng cho điều này, ông Dũng nói, ngay cả một địa phương đang rất sốt sắng về vấn đề đầu tư trên địa bàn, muốn lên Hà Nội để xin ý kiến ngay trước Tết. Nhưng trao đổi qua điện thoại, phía Văn phòng Chính phủ yêu cầu không ra Hà Nội để tránh hiểu nhầm là địa phương này ra chúc Tết. Công việc sau đó giải quyết qua điện thoại trong 1 ngày.

Theo ông Mai Tiến Dũng, những sự việc cụ thể đó cho thấy nỗ lực xây dựng một Chính phủ nói đi đối với làm, “nói thật, làm thật” chứ không phải là tuyên bố chung chung. Về phần 30% còn lại, ông Dũng cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo một cách quyết liệt hơn nữa để để đạt được kết quả tốt hơn, đảm bảo không có địa phương nào còn đến Hà Nội chúc Tết.

Bích Diệp (ghi)