1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

BT đổi đất lấy hạ tầng: Từ sáng kiến đến án kỷ luật vì tham nhũng

(Dân trí) - Những dự án đổi đất lấy hạ tầng vốn được coi là "sáng kiến" của Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng sau đó mang lại hệ quả là tham nhũng, khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị thi hành kỷ luật...

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tham luận tại hội thảo Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện do Kiểm toán Nhà nước sáng nay (19/10), ​GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, những dự án BT với cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi như sáng kiến của Bà Rịa - Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990.

"Thời điểm đó, ngân sách nhà nước tại địa phương không đủ để phát triển hạ tầng mà Nhà nước lại chỉ có đất đai là quý. Do vậy, Nhà nước hợp đồng với nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng và Nhà nước sẽ trả bằng đất đai", ông Võ cho biết.

Theo ông Võ, trên thực tế, hạ tầng thường là một con đường nào đó và đất đem đổi lại là đất hai bên đường. Gần đây, đã có nhiều dự án đổi một khu đất khác phát triển một dự án riêng để lấy hạ tầng là các công trình về xử lý ô nhiễm môi trường hay phòng chống thiên tai. Theo đó, đất đem đổi thường là đất để xây dựng nhà ở hay để phát triển khu dân cư, khu đô thị.

"Vấn đề trung tâm ở đây là giá trị đem ra đánh đổi như thế nào? Giá trị con đường hay công trình hạ tầng nói chung được xây dựng do ai định giá? Quyết toán, kiểm toán ra sao, kể cả kiểm toán kỹ thuật để xác định chất lượng hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án? Đất đai hai bên đường đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, đất ở đã có con đường hay chưa có con đường? Đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cũng được định giá ra sao?", ông đặt hàng loạt câu hỏi.

Theo vị chuyên gia, tất cả phần giá trị của hạ tầng và giá trị đất đai đem ra đổi chác hiện "hoàn toàn mù mờ, chưa hề có quy định của pháp luật nào bảo đảm tính mạch lạc tới mức tạo được tính nhất quán trong thực thi...”.

"Từ kinh nghiệm đổi đất lấy hạ tầng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều địa phương khác đã đua nhau áp dụng như Quảng Ninh, Hà Tây (cũ)... Tuy nhiên, độ mù mờ về giá trị quy định trong Luật này cũng không khá hơn những gì đã xảy ra trên thực tế", ông nhấn mạnh.

Ông Võ cho biết, hệ quả tham nhũng đã làm cho nhiều lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị thi hành kỷ luật sau khi thanh tra việc thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”. Đến năm 2004, Nghị định số 181 đã chính thức khai tử cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” bằng quy định thực hiện đấu giá đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng hạ tầng hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

"Đến năm 2007, một số nhà đầu tư đã đề xuất dự án BT (xây dựng - chuyển giao) mà Nhà nước trả bằng đất đã được UBND một số tỉnh chấp thuận và phê duyệt. Tuy nhiên, dự án BT chỉ là hình thức mới phủ lên nội dung cũ “đổi đất lấy hạ tầng”, chẳng qua là “bình mới rượu cũ””, ông Võ nói.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhược điểm của phương thức BT nhiều hơn ưu điểm mang lại. Trong đó, thay vì trả nhà đầu tư công trình hạ tầng bằng tiền thì Nhà nước trả bằng tài sản công, tức là thay giao dịch tài sản thông qua tiền tệ bằng giao dịch dưới dạng “hàng đổi hàng”.

“Ai thạo về thương mại thì cũng biết rằng hình thức giao dịch “hàng đổi hàng” chỉ được áp dụng trong giai đoạn thương mại kém phát triển. Chính vì thế, cần giới hạn lại phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT. Theo đó chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư", ông đề xuất.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. Tại các địa phương này, không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo các hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng.

Phương Dung