“Bom tấn” Vinhomes lên sàn lần đầu: Giá tăng kịch trần
(Dân trí) - Với mức giá đang được giao dịch hiện nay trên thị trường, vốn hóa của Vinhomes lên tới gần 275.000 tỷ đồng (hơn 12 tỷ USD), trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa tỷ đô trên sàn HSX.
Hụt hơi cuộc đua giá trần
Sáng nay 17/5/2018, sau thời gian chờ đợi đầy hồi hộp của giới đầu tư chứng khoán, 2,68 tỷ cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes cũng đã chính thức được giao dịch trên sàn TPHCM (HSX).
Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên của VHM là 92.100 đồng/cổ phiếu. Mức giá này được Hội đồng quản trị Vinhomes lựa chọn nhằm gia tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như dựa trên quan điểm thận trọng.
Trước đó, vào hồi tháng 4 vừa qua, một số cổ đông Vinhomes đã hoàn tất việc chuyển nhượng thứ cấp 7,08% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại mức giá 102.500 đồng/cổ phiếu. Mức giá hợp lý được đơn vị tư vấn niêm yết là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra dựa trên 3 phương pháp định giá cũng cho ra khoảng giá cao hơn với VHM, từ 102.500 đồng đến 145.210 đồng/cổ phiếu.
Chính vì vậy, không bất ngờ khi cổ phiếu VHM đã đắt hàng ngay từ thời điểm khai phiên giao dịch. Nhà đầu tư đã liên tục chất lệnh mua giá trần và lệnh ATO. Chỉ vài phút, mã này đã tăng kịch trần. Đại đa số cổ đông đang sở hữu cổ phiếu này vẫn quyết “găm” hàng.
Như vậy, với mức giá đang được giao dịch hiện nay trên thị trường, vốn hóa của Vinhomes lên tới gần 275.000 tỷ đồng (hơn 12 tỷ USD), trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa tỷ đô trên sàn HSX.
Là một thành viên của Vingroup (VIC), Vinhomes đóng vai trò là hệ thống kinh doanh bất động sản nhà ở thuộc phân khúc cao cấp của tập đoàn này. Tính tới 8/2/2018, Vingroup sở hữu 69,67% vốn Vinhomes.
Vinhomes, tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Nam Hà Nội, thành lập năm 2008, là nhà khai thác và vận hành dự án Times City của Vingroup. Vốn điều lệ của Nam Hà Nội tăng mạnh từ mức 2.000 tỷ đồng lên 28.365 tỷ đồng thông qua việc nhận sáp nhập hai công ty khác của Vingroup, đồng thời đổi tên thành Vinhomes từ đầu tháng 2/2018.
Sau khi đổi tên thành Vinhomes, công ty tiếp tục tách ra một công ty con mới và giảm vốn điều lệ xuống mức 26.796 tỷ đồng như hiện tại. Tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại Nam Hà Nội ban đầu là 98,9% cũng đã giảm xuống còn còn gần 70% tại Vinhomes sau sáp nhập và chia tách.
“Việc Vinhomes chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM hôm nay sẽ tăng tính minh bạch và chất lượng quản trị, cũng như tăng khả năng huy động vốn trong tương lai cho các dự án mới”, bà Nguyễn Diệu Linh, Tổng giám đốc Vinhomes nói.
Năm 2018, Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu thuần với hoạt động kinh doanh bất động sản là 24.614 tỷ đồng vào năm 2018 (tăng trưởng 61% so với năm 2017). Lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.461 tỷ đồng. Năm nay, Vinhomes có kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu lên 49.117 tỷ đồng (tăng 385%), năm 2019 là 75.982 tỷ đồng (tăng 55%).
Trong quý I/2018, Vinhomes đạt tổng doanh thu 10.534 tỷ đồng (chủ yếu từ chuyển nhượng bất động sản, gấp 3 lần so với quý I/2017. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 3.900 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước.
Giá tham chiếu của VHM 92.100 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 246.800 tỷ đồng. (Ảnh: Công Quang)
Báo cáo thường niên năm 2017 của Vingroup cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, Vinhomes đang vận hành 12 dự án bất động sản cao cấp với hơn 31.000 căn hộ, phần lớn tại Hà Nội và TPHCM.
Trong thời gian tới, Vinhomes sẽ triển khai chiến lược “đô thị vệ tinh” cách trung tâm Hà Nội và TPHCM khoảng 20km - 30 km; hoặc các tỉnh thành có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc Vinhomes chính thức niêm yết đã góp phần nâng cao mức vốn hóa của toàn thị trường, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Điểm sáng trong bối cảnh thị trường èo uột?
Hồi năm ngoái, một thành viên khác của Vingroup là Vincom Retail cũng đã đưa cổ phiếu lên sàn với mã VRE. Bộ ba VIC – VRE – VHM sẽ là những mã cổ phiếu có tính dẫn dắt đối với thị trường.
Sáng nay với số lượng mã tăng giá nhỉnh hơn số mã giảm cùng với “hiệu ứng VHM”, chỉ số VN-Index đầu phiên tăng nhẹ song ngay sau đó đã quay đầu đi xuống.
Hôm qua, với việc cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh vào phiên chiều, đặc biệt là nhóm ngân hàng, hàng tiêu dùng và bất động sản, VN-Index đã giảm sâu gần 19 điểm. Thanh khoản toàn thị trường èo uột gần 4.000 tỷ đồng.
“Có thể thấy, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giao dịch giằng co để tìm kiếm điểm cân bằng mới khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn với một giai đoạn tăng nóng trước đó vẫn đang trong quá trình điều chỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh có thiếu vắng các thông tin hỗ trợ trong nước và thị trường tài chính quốc tế chứng kiến một số biến động bất thường”, khối phân tích của Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) nhận xét.
Trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang ổn định và các chỉ báo vẫn duy trì trạng thái tích cực, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giữ tâm lý ổn định và tránh phản ứng một cách hoảng loạn.
Theo đó, ưu tiên trong giai đoạn này nên là cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận với những nhà đầu tư “lướt sóng” ngắn hạn, trong khi nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng giai đoạn này để tìm kiếm những cơ hội đầu tư tiềm năng để giải ngân nhằm đón chờ kết quả kinh doanh trong những quý còn lại của năm.
Bích Diệp - Công Quang