Bộ Tài chính: Giá xăng dầu được điều hành rất “minh bạch, công khai”

(Dân trí) - Theo đại diện Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu như hiện nay là công khai, minh bạch và phản ánh được diễn biến giá xăng dầu thế giới. Người tiêu dùng giám sát được quyết định giá của doanh nghiệp cũng như giá cơ sở do cơ quan điều hành công bố.

Cách tính bình quân gia quyền đối với các mức thuế nhập khẩu xăng dầu trước mắt sẽ khắc phục được bất cập hiện nay trong bối cảnh tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau do các cam kết hội nhập quốc tế và sẽ hài hòa lợi ích hơn cho người tiêu dùng – ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) khẳng định khi trả lời phỏng vấn với Dân Trí về điều hành xăng dầu.


Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính)

Bộ Tài chính mới đây đã công bố giá cơ sở xăng dầu được áp dụng cách tính thuế bình quân gia quyền và cho biết, với cách tính này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về điều này?

Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cam kết quốc tế. Mặt hàng xăng dầu nhập khẩu chịu các mức thuế suất nhập khẩu và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khác nhau (MFN, ATIGA, VKFTA...) tùy vào điều kiện và khu vực.

Cụ thể, trong nội khối các nước ASEAN, từ năm 2016, thuế nhập khẩu đối với xăng là 20%, các mặt hàng dầu là 0%.

Trong hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc, từ 20/12/2015, thuế nhập khẩu đối với xăng là 10%, đối với dầu diesel, dầu hỏa, nhiên liệu bay là 5%, dầu madut là 0%. Trong khi đó hiệp định ASEAN – Trung Quốc lại quy định, thuế nhập khẩu đối với xăng là 20%, với dầu từ 5% - 8% - 10% tùy loại từ năm 2016.

Với nhiều mức thuế khác nhau như vậy, việc lấy một mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính giá cơ sở xăng dầu trong nước đã không còn phù hợp. Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ áp dụng mức thuế suất trong tính giá cơ sở xăng dầu là mức thuế bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi và ưu đãi đặc biệt, lấy số liệu Quý trước để tính cho Quý sau.

Như vậy, cách tính bình quân gia quyền trước mắt sẽ khắc phục được bất cập hiện nay trong bối cảnh tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau do các cam kết hội nhập quốc tế và sẽ hài hòa lợi ích hơn cho người tiêu dùng.

Việc lấy số liệu quý trước tính cho quý sau liệu có hợp lý và phản ánh đúng, sát diễn biến giá xăng dầu thế giới hay không, thưa ông?

Ở đây, tôi muốn làm rõ thông tin, đó là việc lấy số liệu về tỷ trọng sản lượng của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu của quý trước tính cho quý sau chỉ áp dụng đối với việc xác định mức thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở, nhằm đảm bảo tính ổn định của số liệu trong chu kỳ điều hành giá.

Còn việc theo dõi giá xăng dầu thế giới để tính giá trong giá cơ sở vẫn theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, dựa trên việc tính giá xăng dầu thế giới theo Platt’s Singapore bình quân 15 ngày.

Bộ Tài chính: Giá xăng dầu được điều hành rất “minh bạch, công khai” - 2

Vậy khoản lợi nhuận mà các doanh nghiệp xăng dầu thu được nhờ chênh lệch thuế hiện được xử lý ra sao? Liệu Bộ Tài chính có hướng đến việc đưa vào Quỹ Bình ổn như gợi ý của giới chuyên gia không?

Đối với các số liệu có liên quan đến vấn đề thuế nhập khẩu xăng dầu đang được dư luận quan tâm gần đây, cần phải được thanh tra, kiểm tra, rà soát thực tế tại các doanh nghiệp đầu mối. Việc xử lý các vấn đề liên quan phát sinh sẽ được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Với sự điều hành giá xăng dầu như hiện nay, liệu rằng tình trạng giá xăng "tăng nhanh giảm chậm", "tăng nhiều giảm ít" có được khắc phục trong thời gian tới hay không thưa ông?

Hiện nay, cơ quan điều hành đang công bố giá cơ sở theo chu kỳ tính giá bình quân 15 ngày theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Theo đó, nếu bình quân giá thế giới 15 ngày tăng thì giá cơ sở sẽ được công bố tăng, tương tự như vậy đối với trường hợp giảm.

Bên cạnh đó, cơ quan điều hành có thể sử dụng Quỹ BOG (nếu cần), tùy từng thời điểm, để bình ổn giá cả xăng dầu trong nước cho phù hợp.

Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí đồng thời đăng tải toàn văn công văn điều hành trong đó có chi tiết về giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở công bố, mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có) từng thời điểm cụ thể để giúp dư luận hiểu rõ hơn về định hướng điều hành của Liên Bộ.

Như vậy, tôi có thể khẳng định rằng, việc điều hành giá như vậy là công khai, minh bạch và phản ánh được diễn biến giá xăng dầu thế giới. Qua đó, người tiêu dùng giám sát được quyết định giá của doanh nghiệp cũng như giá cơ sở do cơ quan điều hành công bố.

Xăng dầu là hàng hóa có tính đại chúng rất lớn, và diễn biến giá xăng dầu luôn nhận được sự quan tâm cũng như phản ứng mạnh mẽ từ người dân. Cá nhân ông có cảm thấy áp lực trước dư luận hay không?

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng và là đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Dư luận quan tâm cũng như có phản ứng là điều hoàn toàn dễ hiểu và chính đáng.

Công tác điều hành xăng dầu, do vậy, đã, đang và luôn phải đảm bảo theo sát với diễn biến thị trường, đảm bảo sự công khai, minh bạch. Chúng tôi sẵn sàng giải thích mọi vướng mắc cũng như tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương điều hành giá của Chính phủ và Liên Bộ Công Thương – Tài chính.

Xin cảm ơn ông!

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thuế bình quân gia quyền là phương pháp khoa học tốt nhất, phản ánh chính xác mức thuế và lượng hàng nhập từ các thị trường. Tuy nhiên, thuế chỉ là một trong những yếu tố góp phần vào công thức tính giá. Cách tính thuế chính xác sẽ giúp phản ánh giá xăng sát với thực tế. Do vậy, để giá xăng trong nước phản ánh kịp thời diễn biến giá thế giới thì còn phải tính đến nhiều yếu tố cấu thành khác.

Tuy nhiên, theo ông Long, nhẽ ra phương án này đã phải được áp dụng sớm hơn, kịp thời hơn thì sẽ không để xảy ra những thất thoát, lỗ hổng đáng tiếng như thời gian vừa qua.

Bích Diệp (thực hiện)

Bộ Tài chính: Giá xăng dầu được điều hành rất “minh bạch, công khai” - 3