Bộ Công Thương ra công văn "ép" Hội bảo vệ người tiêu dùng?
(Dân trí) - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã chính thức lên tiếng trước thông tin Bộ Công Thương bất ngờ ra công văn "ép" Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinatas) phải xem lại tính pháp lý, đổi tên hoặc tách đôi.
Trong một công văn gửi tới Vinatas từ cuối tháng 3/2016, Bộ Công Thương cho rằng, thay vì là hội tổ chức xã hội - nghề nghiệp như hiện nay, Vinastas nên "chuyển thành tổ chức xã hội để có thể tham gia (và giúp hội viên của mình tham gia) đầy đủ các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".
Theo hướng đó, Bộ Công Thương đề nghị Vinastas xây dựng và báo cáo đại hội cân nhắc 2 phương án. Một là, đổi tên thành Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và hoạt động với tư cách là tổ chức xã hội. Hai là, chia Vinastas thành Hội tiêu chuẩn Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam...
Chiều ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã chính thức trả lời về vấn đề này. Theo đó, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương tuyệt đối không yêu cầu hay ép buộc Vinastas phải đổi tên hoặc tách thành 2 hội riêng biệt như Vinastas phản ảnh với báo chí.
"Văn bản của Bộ Công Thương gửi Vinastas chỉ là khuyến nghị để Ban Chấp hành Vinastas cân nhắc trình Đại hội lần thứ 6 của Vinastas xem xét. Vinastas hoàn toàn có quyền không đồng ý với khuyến nghị của Bộ Công Thương và Bộ sẽ tôn trọng quyết định của Vinastas”, Thứ trưởng cho biết..
Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương sở dĩ khuyến nghị Vinastas xem xét lại tư cách pháp lý của mình là vì chính quyền lợi của Vinastas. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) không hạn chế các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia thực hiện các hoạt động BVQLNTD. Tuy nhiên, đối với một số hoạt động BVQLNTD quy định tại Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ thì chỉ các tổ chức xã hội mới thực hiện được.
Theo Điều lệ, Vinastas là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không phải tổ chức xã hội. Với tư cách pháp lý như vậy, Vinastas và các hội viên của mình có thể gặp vướng mắc không đáng có trong hoạt động. Chính vì lý do này mà 38/52 Hội cấp tỉnh đã chuyển đổi thành tổ chức xã hội và đổi tên gọi thành Hội BVQLNTD, chỉ còn 13 Hội giữ tên gọi là Hội Tiêu chuẩn và BVQLNTD hoặc Hội Đo lường, Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác BVQLNTD giai đoạn 2011-2015 do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 1/2016 tại Hà Nội, đại diện nhiều Hội BVQLNTD địa phương đã kiến nghị Bộ Công Thương thống nhất mô hình của các Hội BVQLNTD trên toàn quốc. Xuất phát từ đây, Bộ Công Thương mới đưa ra khuyến nghị để Vinastas xem xét.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Công Thương đề nghị Vinatas chuyển đổi mô hình để được cấp kinh phí hoạt động, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của các Hội BVQLNTD là hạn chế về kinh phí hoạt động do các Hội này không có nguồn thu phí từ hội viên. Họ hoạt động hoàn toàn trên cơ sở tình nguyện, vì lợi ích của người tiêu dùng và của toàn xã hội.
Trong khi đó, tới điểm này, Luật BVNTD quy định, khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Hiện nay, mới có 7 Hội BVQLNTD cấp tỉnh (Đắc Lắk, Cà Mau, Bến Tre, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa) được UBND tỉnh công nhận là hội đặc thù và được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động. Khoảng 40 Hội khác vẫn đang hoạt động tình nguyện, không có kinh phí.
"Có kinh phí thì các Hội sẽ có điều kiện hơn trong hoạt động. Tuy nhiên, có 2 việc mà chúng tôi muốn nhấn mạnh. Một là, ngay cả khi được tỉnh hỗ trợ kinh phí thì số tiền đó cũng quá nhỏ, có thể nói là không đáng kể so với hoạt động của các Hội. Hai là, dù có hay không có kinh phí, tất cả các Hội BVQLNTD địa phương đều xác định là sẽ làm hết mình để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng", ông nhấn mạnh.
Phương Dung