Bị tố khuất tất trong thí điểm Grab-Uber, Bộ Giao thông Vận tải nói gì?

(Dân trí) - Như báo Dân trí đưa tin, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) có đơn “tố” việc thí điểm ứng dụng taxi công nghệ Grab – Uber có nhiều khuất tất, đặc biệt là khâu phê duyệt thẩm định. Là đơn vị chủ trì đề án thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải lý giải việc này thế nào?


Việc thí điểm mô hình taxi dùng công nghệ kết nối với khách hàng gây tranh cãi gay gắt

Việc thí điểm mô hình taxi dùng công nghệ kết nối với khách hàng gây tranh cãi gay gắt

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trong xu thế đẩy mạnh tiếp cận và làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh thông tin vào quản lý, khai thác vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng…, việc ứng dụng thí điểm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng là một tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Loại hình này thực hiện theo hợp đồng vận tải là sự thoả thuận giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải được đón trả khách tại các điểm đã được ghi trong hợp đồng. Khi vận chuyển hành khách, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy. Mục đích của việc thí điểm theo Quyết định số 24, Bộ Giao thông Vận tải nói đó chỉ là sự thay thế hợp đồng bằng giấy theo quy định bằng hợp đồng điện tử.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, loại hình vận chuyển công nghệ này có cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Ưu điểm ai cũng có thể nhận thấy đó là việc quản lý được các phương tiện kinh doanh vận tải một cách dễ dàng, đáp ứng được xu thế tất yếu của khoa học, tạo cơ hội cho người dân được lựa chọn dịch vụ chất lượng, giá cả phù hợp, nâng cao tính cạnh tranh…

Tuy nhiên, những tồn tại khó khăn cũng không thể không nhắc đến, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận đó là sự chấp hành quy định, hướng dẫn của một số đơn vị tham gia thí điểm, cụ thể ở đây là Grab và Uber còn chưa nghiêm; không có phù hiệu hợp đồng; ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước…

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận quá trình thí điểm, do tính chất hữu ích của phần mềm, ưa thích của người tiêu dùng, dẫn đến số lượng phương tiện vận tải tăng mạnh. Đây là điều tất yếu song cũng đặt ra khó khăn trong công tác quản lý. Sự cạnh tranh giữa hai loại hình truyền thống và ứng dụng công nghệ cũng chưa thực sự phù hợp nên đã phát sinh nhiều kiến nghị từ Hiệp hội, từ các doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác kiểm tra xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải của Grab – Uber của Thanh tra Sở cũng gặp nhiều khó khăn.

Loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ cao bắt đầu có mặt trên thế giới từ năm 2016 và nhanh chóng trở thành lựa chọn của người tiêu dùng. Trên thế giới Mỹ có Uber, Malaysia có Grab; Indonesia có Go-Jeck; Didi của Trung Quốc, Nga có Yandex. Một số quốc gia đã có chủ trương cấm, hạn chế cung cấp dịch vụ vận chuyển này, chủ yếu tập trung ở một số nước phát triển tại châu Âu, Nhật Bản và một số bang của Mỹ.

Liên quan đến ý kiến cho rằng có khuất tất trong việc lấy ý kiến thẩm định phê duyệt ban hành nghị định thay thế của Chính phủ mà Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam phản ánh, Bộ Giao thông Vận tải lý giải: Quy trình xây dựng Nghị định thay thế đến nay đã được 2 năm.

Trong thời gian này Bộ đã tổ chức nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức cá nhân. Bản thân Hiệp hội taxi TP HCM cũng nhiều lần đóng góp ý kến và đều được làm rõ trong các cuộc họp và thể hiện tại các văn bản tiếp thu. Các cuộc họp này cũng có đại diện của Vinasun tham dự và từng khẳng định dự thảo cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, đã tiếp thu ý kiến đóng góp. Các nội dung đại diện Vinasun thắc mắc sau đó cũng được các đơn vị chức năng lần lượt giải đáp…

H.Anh

Bị tố khuất tất trong thí điểm Grab-Uber, Bộ Giao thông Vận tải nói gì? - 2