Bị thanh tra điểm mặt một loạt sai phạm, Petrolimex đã xử lý thế nào?
(Dân trí) - Trong 12 nội dung bị Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm liên quan đến kinh tế và yêu cầu xử lý năm 2016, đến nay, Petrolimex đã khắc phục về mặt cơ bản. Những điểm thực hiện còn dở dang như thu hồi vốn, công nợ, Tập đoàn này đã cam kết có phương án cũng như lộ trình thực hiện sớm.
Sau khi công bố kết luận thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cách đây 2 năm, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản. Đồng thời, cơ quan này đã kiến nghị xử lý kinh tế đối với một loạt vấn đề liên quan đề liên quan đến việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ngoài ngành không đúng quy định, quản lý không chặt chẽ trong kinh doanh và điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đề nghị: “Trích bổ sung Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 4.896 triệu đồng; xác định lại số tiền đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính chưa đúng quy định 53.747 triệu đồng, thực hiện nghĩa vụ về thuế thu nhập doanh nghiệp; phân bổ chi phí sử dụng vốn vào giá trị công trình 23.275 triệu đồng; thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó đầu tư chưa đúng quy định 622.360 triệu đồng”.
Sau những ồn ào tranh cãi về kết quả thanh tra, câu hỏi đến nay dư luận quan tâm là: Petrolimex đã xử lý thế nào với những kiến nghị kể trên.
Theo báo cáo của Petrolimex, đối với kiến nghị “Trích bổ sung Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 4.896 triệu đồng”, từ năm 2010 đến ngày 30/6/2013, cách tính của sản lượng xuất bán để xác định trích quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo các quy định trong từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2010 đến ngày 30/9/2011, căn cứ vào thông tư 234 của Bộ Tài chính năm 2009 về hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn có quy định được tính trên sản lượng xăng dầu thực tế đã tiêu thụ ở thị trường nội địa. Do đó, giai đoạn này, số liệu thống kê sản lượng làm cơ sở trích quỹ chưa đồng nhất về điều kiện nhiệt độ.
Giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 6/2013, Liên bộ có điều chỉnh tại Văn bản số 225 ngày 26/8/2011 và văn bản số 327 ngày 28/11/2011 của Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, cho phép các doanh nghiệp thực hiện trích/chỉ sử dụng quỹ bình ổn ở nhiệt độ thực tế.
Theo Petrolimex, nội dung tại kết luận thanh tra về trích thiếu quỹ bình ổn chủ yếu liên quan đến sản lượng giai đoạn từ năm 2010 đến hết tháng 9 năm 2011, trên cơ sở ấn định số liệu tiêu thụ nội địa của xăng dầu (không bao gồm FO) ở nhiệt độ thực tế để xác định mức trích quỹ.
Hiện, Petrolimex đã thực hiện trích bổ sung vào Quỹ bình ổn 4.896 triệu đồng theo đúng kết luận của thanh tra Chính phủ cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty con của Petrolimex cũng hoàn tất việc thực hiện hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính chưa đúng quy định 53.747 triệu đồng và nghĩa vụ tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vẫn loay hoay… thoái vốn
Liên quan đến vấn đề thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng, Petrolimex cho hay Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý để PGBank sáp nhập vào Ngân hàng Công Thương VN (Vietinbank). Theo đó, hai ngân hàng phải tiếp tục phối hợp với tư cách độc lập để rà soát và sẽ báo lại Ngân hàng Nhà nước để có phương án phê duyệt chính thức.
Theo Petrolimex, thời gian qua, PGBank và Vietinbank đã trao đổi, làm việc để thống nhất các nội dung về sáp nhập. Tuy nhiên, do phía Vietinbank không giữ nguyên các điều khoản trong hợp đồng cũng như không đáp ứng được những kỳ vọng nên Petrolimex đã thông qua chủ trương dừng thực hiện sáp nhập giữa hai ngân hàng này. Hiện, tập đoàn này đang đàm phán việc sáp nhập với một ngân hàng đối tác khác.
Đối với nội dung thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Petrolimex cho biết tập đoàn đã thoái 51 tỷ đồng vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng Petrolimex (PLAND). Theo đó, công ty này sẽ được tái cấu trúc trở thành công ty con Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex theo đề án thành lập mới. Sau khi sáp nhập Tổng công ty sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính là xây lắp hạ tầng xăng dầu.
Hiện tại, tiến độ thành lập Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex dự kiến diễn ra trong năm 2018. Bên cạnh đó, việc thoái vốn của Tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản sẽ được thực hiện theo 2 bước. Bước 1, chào bán 30% vốn của tập đoàn trong tháng 5/2018 và hoàn thành trong tháng 8/2018. Bước 2, chào bán 35% phần vốn của Tập đoàn cho các nhà đầu tư chiến lược trong tháng 9/2018 và hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn xuống còn 35% trong tháng 12/2018.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, Petrolimex đã giảm vốn từ 51% xuống còn 40,9% tương đương với 88.717 triệu đồngtại Công ty bảo hiểm PJICO thông qua việc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo kế hoạch, trong năm 2018 và 2019, PJICO tiếp tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 887,17 tỷ đồng lên 1.050 tỷ đồng, tương ứng với tiến trình giảm vốn của Petrolimex tại PJICO xuống còn 35%.
Liên quan đến câu chuyện thoái vốn, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đã bước đầu triển khai thực hiện theo kiến nghị, tuy nhiên, việc thực hiện còn dở dang chưa hoàn thành việc thoái vốn tại PLAND, PJICO. Petrolimex còn vướng mắc trong việc thoái vốn tại Ngân hàng PGBank.
Cụ thể, trong tổng số 622.360 triệu đồng cần thoái vốn đầu tư theo kết luận thanh tra, Petrolimex mới thu hồi được 51 tỷ đồng đầu tư vào PLAND, giảm 10% vốn đầu tư tại PJICO tương ứng với giá trị 88.715 triệu đồng; còn việc sáp nhập GPBank và thoái vốn tại ngân hàng này vẫn dừng ở chỗ đàm phán với đối tác.
M.Q