1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bi hài dân độ “bể kèo”; thị trường chao đảo vì chiến tranh thương mại

(Dân trí) - Cuộc chiến tranh thương mại quy mô toàn cầu do Mỹ - Trung Quốc khai hoả đã diễn ra, thị trường chứng khoán và tiền tệ đều biến động mạnh mẽ. Trong khi đó, trong nửa tháng diễn ra World Cup, nạn cá độ bùng phát đã khiến tài sản nhiều gia đình “đội nón ra đi”, đến cả chó cũng phải bán!

Mỹ - Trung “khai hoả" chiến tranh thương mại

Ngày 6/7, Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế" khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ đôla hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.

Cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra
Cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra

Danh sách các sản phẩm mới nhất của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bao gồm 1.102 sản phẩm với giá trị nhập khẩu 50 tỷ USD. Nhìn chung các mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện, tạp phẩm và xe cộ, máy bay.

Về phía Trung Quốc, bắt đầu áp đặt mức thuế 25% cho 545 loại sản phẩm của Mỹ trị giá 34 tỷ USD bao gồm đậu tương, thịt bò, rượu whisky và xe off-road kể từ ngày 6/7. Trung Quốc cũng đe dọa áp thuế cao hơn đối với 16 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ, nhắm vào các hàng hóa năng lượng như than đá và dầu thô…

Đồng thời với động thái với Trung Quốc, Mỹ cũng tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm đối với một số đồng minh là Canada, Mexico và EU từ ngày 1/6/2018.Các quốc gia này cũng có động thái đáp trả.

Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam được cho là sẽ bị tác động từ cả hai phía.

"Sau 30 năm đổi mới, không thể mãi nói kinh tế Việt Nam "đang chuyển đổi"

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh thị trường cạnh tranh, giảm độc quyền Nhà nước, độc quyền tự nhiên trong các ngành và lĩnh vực có tác động lớn đối với nền kinh tế như điện, cấp nước và đặc biệt là giao thông.

Tuy nhiên, ông Cung nói dù đã có nhiều chính sách, quyết định song đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn tất được chính sách cạnh tranh, loại bỏ độc quyền ở nhiều ngành then chốt. Điều này khiến cho thị trường méo mó, tính tự do cạnh tranh bị xâm hại khiến cho các động lực thay đổi không đạt được.

Ông Cung khẳng định: "30 năm đổi mới đã qua đi, chúng ta vẫn mãi nói đến nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi cho rằng, cách nói "đang chuyển đổi" này chỉ biện minh cho sự yếu kém của mình, cho việc trì hoãn thực hiện hoặc cố tình không muốn thực hiện".

Khi tư duy lạc hậu thì thể chế kinh tế còn lạc hậu nữa, thể chế quyết định phát triển của đất nước. Nó có thể xuất phát từ độc quyền, do độc quyền. Đây là khái niệm độc quyền lợi ích nhà nước, từ công chức Nhà nước, từ khi có quyền thì không có áp lực nào thay đổi, để thay đổi từ tư duy đến hành động.

Tỷ giá USD/VND "tăng nóng" và công cụ can thiệp của Ngân hàng Nhà nước

Từ ngày 18/6 đến nay tỷ giá có diễn biến tăng, đến ngày 02/7 cao hơn khoảng trên 1,2% so với cuối năm 2017.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, lưu tâm đến lộ trình và tác động của việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tác động của việc này, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, động thái của Ngân hàng trung ương Châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng như tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước để điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp.

NHNN tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“Dẫm lên nhau chạy”, VN-Index bị “đánh bay” hơn 41 điểm!

Phiên giao dịch ngày 3/7 trở thành nỗi bàng hoàng của bất cứ ai đang quan tâm đến thị trường chứng khoán khi chứng kiến các chỉ số lao mạnh, hàng trăm cổ phiếu bị bán tháo không kể tốt – xấu.

Chứng khoán Việt Nam rực lửa trong phiên 3/7
Chứng khoán Việt Nam rực lửa trong phiên 3/7

VN-Index, chỉ số đại diện cho thị trường kết phiên mất 41,14 điểm tương ứng giảm 4,34% về còn 906,01 điểm. HNX-Index mất 3,97 điểm tương ứng 3,86% còn 98,8 điểm.

Một sắc đỏ cùng tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường. 248 mã giảm trên sàn HSX, trong đó có tới 45 mã giảm sàn, gấp 4 lần số mã tăng giá. Còn HNX cũng ghi nhận 126 mã giảm giá, 29 mã giảm sàn, gấp 3 lần số mã tăng.

“Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn vì biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua, nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá”, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.

Tăng thuế môi trường xăng dầu kịch trần: Nỗi lo trở lại

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị trình biểu thuế mới đánh thuế bảo vệ môi trường ra Quốc hội. Nếu được thông qua, biểu thuế có thể được áp dụng từ tháng 10 tới, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra trước đó.

Hiện Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng đã hoàn tất báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường, được Chính phủ trình đầu tháng 5 vừa qua.

Cùng với giá xăng dầu trong nước có xu hướng tăng liên tục, việc áp thuế môi trường kịch trần với các mặt hàng xăng dầu sẽ góp phần tạo thêm áp lực cho lạm phát.

Mới đây, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần như đề xuất của Chính phủ sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả, CPI sẽ bị tác động tăng thêm 0,27%-0,29%.

"Cùng với các yếu tố khó lường khác, tăng giá xăng tạo áp lực rất lớn với lạm phát. Chính phủ và các bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI", bà Ngọc lưu ý.

Dự án thép nghìn tỷ thua lỗ: Kiểm điểm cả cán bộ Trung Quốc đã nghỉ hưu

Theo Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), thực hiện kiến nghị của thanh tra tỉnh Lào Cai, doanh nghiệp đã thực hiện kiểm điểm một loạt cán bộ, trong đó có cán bộ đã nghỉ hưu, chuyển công tác và là đối tác phíaTrung Quốc.

Dự án VTM quy mô 6.000 tỷ đồng liên tục thua lỗ
Dự án VTM quy mô 6.000 tỷ đồng liên tục thua lỗ

Cụ thể, công ty đã gửi giấy mời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định đối với cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu, chuyển công tác và là đối tác phía Trung Quốc. Việc kiểm điểm này được thực hiện vào cuối tháng 6 vừa qua.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM) với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng là 1 trong số 12 đại dự án nghìn tỷ thua lỗ, chậm tiến độ thuộc Bộ Công Thương.

Sau khi đi vào hoạt động tháng 12/2014 VTM đã lỗ 91 tỷ đồng, tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài trong 2 năm tiếp theo khiến khoản lỗ lũy kế đến hết năm 2016 vừa qua lên đến 1.077 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo của VTM mới đây cho thấy, 5 tháng đầu năm 2018, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty đã có bước tiến vượt bậc so với cùng kỳ năm 2017 và so với kế hoạch của chính năm 2018.

Nhà máy Bột giấy Phương Nam nợ như chúa Chổm

Rao không người hỏi, bán chẳng ai mua, thế nhưng việc trả nợ của Nhà máy Bột giấy Phương Nam lại chỉ có thể được thực hiện khi việc đấu giá, bán toàn bộ dự án hoàn thành. Tổng số nợ của dự án này tại thời điểm rao bán vào khoảng 2.700 tỷ đồng.

Trên thực tế, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Vinapaco) đã không trả được nợ ngay từ kỳ đầu tiên và quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng cho dự án vay từ năm 2008 đến nay.

Tính đến cuối tháng 3/2017, Quỹ đã ứng cho Vinapaco vay để trả nợ khoản vay nước ngoài có bảo lãnh chính phủ vào khoảng hơn 75 triệu EUR, gồm cả tiền gốc, lãi và các khoản chi phí khác.

Các bộ ngành nhìn nhận, nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ và nằm đắp chiếu 15 năm nay, Phương Nam cần phải bán đấu giá để trả các khoản nợ ngập đầu. Thế nhưng, trả nợ khó, việc bán mình để trả nợ cũng khó khăn không kém. Cụ thể Phương Nam đã tổ chức bán đấu giá 3 lần nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào muốn mua... Chính vì thế, để thanh lý được dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá.

Grab bị tố đẩy taxi truyền thống lâm vào tình trạng “khó khăn nhất trong lịch sử”

Hiệp hội taxi 3 miền Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị chấm dứt việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH Grabtaxi với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi.

Cuộc chiến dai dẳng giữa taxi truyền thống và Grab vẫn tiếp diễn
Cuộc chiến dai dẳng giữa taxi truyền thống và Grab vẫn tiếp diễn

Cụ thể trong văn bản này, Hiệp hội taxi 3 miền tiếp tục tố cáo Grab hoạt động thiếu kiểm soát, liên tiếp vi phạm pháp luật và có biểu hiện coi thường pháp luật Việt Nam.

Chẳng hạn như GrabShare hoạt động tràn lan ở những nơi chưa được phép, có dấu hiệu vi phạm tập trung kinh tế trong phi vụ sáp nhập giữa Grab và Uber, gây rối loạn thị trường, phá vỡ quy hoạch tại các thành phố lớn và bóp nghẹt các hãng taxi truyền thống.

“Hoạt động như taxi nhưng lại tự nhận mình là đơn vị cung cấp phần mềm, việc khái niệm Grab là đơn vị kinh doanh vận tải dưới hình thức hợp đồng điện tử khiến Grab có nhiều thuận lợi hơn đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng khá lớn khiến các hãng taxi truyền thống lâm vào tình trạng khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động taxi của mình”, văn bản Hiệp hội taxi 3 miền Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nêu.

Đêm khủng khiếp: Khách đập cửa cầu cứu, xin nộp tiền gấp đôi

Anh Trần Văn Tuân - chủ một cửa hàng lắp đặt và sửa chữa điều hòa ở Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mùa hè bao giờ cũng là mùa cao điểm của thợ sửa điều hòa vì nhu cầu lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng điều hòa thường tăng gấp 10-20 lần các mùa khác. Theo đó, thu nhập của thợ điều hòa cũng tăng gấp cả chục lần.

Riêng những ngày nắng nóng cực điểm như hiện nay, khách gọi điện thoại cả ngày lẫn đêm như muốn “khủng bố” thợ điều hòa. Khách nào gọi cũng muốn thợ đến sửa chữa ngay, nhưng giờ thì khách phải chờ cả tuần, thậm chí còn lâu hơn thế. Bởi, thợ điều hòa đã phải làm việc hết công suất, ngày nào cũng làm quần quật từ 4 giờ sáng đến 8-9 giờ tối mới được nghỉ ngơi.

“Như hôm qua, lắp cố điều hòa cho khách nên 10 giờ đêm thợ mới được nghỉ, vừa đặt lưng được 2 tiếng lại phải dậy nghe vì điện thoại chuông đổ liên hồi. Khách gọi đúng 15 cuộc. Lúc tôi nghe máy thì khách báo điều hòa hỏng, để 18 độ C mà không mát nên gọi thợ đến sửa. Tôi chưa kịp trả lời thì khách mặc cả, nếu đến sửa ngay thì sẽ trả tiền gấp đôi giá thị trường”, anh nói.

"Lão Hạc" mùa World Cup: Hết tiền đến chó cũng bán!

Nhà cửa, ô tô, xe máy hay bất kì tài sản có giá trị gì cũng bị dân cá độ đổ vào các cuộc chơi suốt nửa tháng diễn ra World Cup. Nhiều người còn phải rao bán cả chó cưng trong các hội nhóm yêu chó trên mạng xã hội để xoay tiền gấp. Truyện xưa, lão Hạc bán cậu Vàng vì nghèo thì nay dân độ bán chó để theo đuổi “đam mê”.

Hoạt động mạnh nhất có lẽ phải kể đến các hội yêu chó GSD. Giống chó GSD hay còn có tên đầy đủ là German Shepherd Dog, đây là dòng chó săn gia súc của Đức, về Việt Nam thường gọi là chó becgie Đức.

Việc mua bán chó vẫn diễn ra đều quanh năm, nhưng vào mùa bóng đá, xuất hiện khá nhiều người sẵn sàng đứng ra thu mua chó nhanh, gọn cho các dân chơi thiếu tiền.

Bích Diệp (tổng hợp)

Bi hài dân độ “bể kèo”; thị trường chao đảo vì chiến tranh thương mại - 5