“Dẫm lên nhau chạy”, VN-Index bị “đánh bay” hơn 41 điểm!
(Dân trí) - Phiên giao dịch ngày hôm nay (3/7) trở thành nỗi bàng hoàng của bất cứ ai đang quan tâm đến thị trường chứng khoán khi chứng kiến các chỉ số lao mạnh, hàng trăm cổ phiếu bị bán tháo không kể tốt – xấu.
VN-Index, chỉ số đại diện cho thị trường kết phiên mất 41,14 điểm tương ứng giảm 4,34% về còn 906,01 điểm. HNX-Index mất 3,97 điểm tương ứng 3,86% còn 98,8 điểm.
Một sắc đỏ cùng tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường. 248 mã giảm trên sàn HSX, trong đó có tới 45 mã giảm sàn, gấp 4 lần số mã tăng giá. Còn HNX cũng ghi nhận 126 mã giảm giá, 29 mã giảm sàn, gấp 3 lần số mã tăng.
Cổ phiếu ngân hàng vốn được kỳ vọng là nhóm dẫn dắt thị trường trong năm nay, thế nhưng trong đợt điều chỉnh vừa qua lại diễn biến tiêu cực nhất. Phiên hôm nay, không một mã ngân hàng nào có thể trụ lại được, tất cả đều giảm giá.
Có những mã như CTG, VPB mới chỉ vài tháng trước được giới đầu tư săn đón thì hôm nay đều bị bán tháo, giảm kịch sàn. Ngoài ra, BID, TCB và STB cũng giảm sàn, ACB mất 2.300 đồng, VCB giảm 2.100 đồng, MBB giảm 1.400 đồng, SHB giảm 500 đồng. Riêng EIB thoát sàn, chỉ còn mất 200 đồng/cổ phiếu.
Đáng nói là trong phiên, các trụ cột thị trường đều “gãy”. VIC giảm sàn mất 7.500 đồng, VHM giảm sàn mất 7.700 đồng; GAS mất 5.400 đồng; PLX mất 3.400 đồng, HPG mất 2.100 đồng.
Trong sự sụt giảm mạnh của chỉ số phiên này, VHM góp vào tới 6,76 điểm, VIC góp 6,48 điểm; GAS góp 3,39 điểm; VCB góp tới 2,47 điểm và TCB góp 2,33 điểm.
Những mã đi ngược chiều thị trường phiên này có BHN, LGC, SBT, SII, DBD, CLL… trên HSX và TTB, VGC, IVS, VCS, OCH, V21 trên HNX. Tuy nhiên, “tiếng nói” của những mã này quá yếu để có thể “cứu” được thị trường chung.
Một nhà đầu tư chiêm nghiệm rằng: “Thị trường tốt và bão hòa thì không thể làm giàu, nhưng sẽ có thể làm giàu bằng chứng khoán khi xảy ra khủng hoảng”. Có nghĩa là, trong bối cảnh thị trường sụt mạnh, nếu chọn được những mã cổ phiếu có nền tảng tốt thì nhà đầu tư có thể giàu lên trong vài năm tới.
Tuy nhiên, theo một số đánh giá của giới quan sát, với việc giao dịch trên thị trường cơ sở vẫn dựa vào T+3 (sau 3 ngày cổ phiếu mua mới về tới tài khoản nhà đầu tư) như hiện nay thì dòng tiền của nhà đầu tư sẽ hướng vào thị trường phái sinh để kiếm lời trong ngắn hạn nhờ giao dịch T+0.
Trước đó, trong quý II/2018, Việt Nam đã là thị trường diễn biến tệ hại nhất thế giới với mức giảm 17,67%, theo số liệu từ IndexQ. Sau Việt Nam, các thị trường chứng khoán của Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Trung Quốc, Philipines, Thái Lan… cũng suy giảm mạnh.
Trong một động thái liên quan, Uỷ ban Chứng khoán đã trấn an nhà đầu tư khi cho biết, tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng mạnh với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tính chung 6 tháng đầu năm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra theo cơ quan này, có nhiều thông tin tích cực khác như GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% cao nhất kể từ năm 2011 (trong đó quý I tăng 7,45% và quý II tăng 6,79%).
Bích Diệp