1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bầu Đức “bán con” trả nợ

(Dân trí) - Tại đại hội đồng cổ đông của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Hoàng Anh Gia Lai Agrico diễn ra ngày 15/9, nhiều vấn đề “nóng” của doanh nghiệp này đã được đặt ra, trong đó đáng chú ý là phương án tái cơ cấu nợ, kế hoạch thanh lý một số tài sản, mảng kinh doanh.

Bầu Đức “bán con” trả nợ - 1

Nợ phải trả 33.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tại đại hội, tính tới 30/6/2016, tổng nợ phải trả của HAGL đã lên tới 33.000 tỷ đồng, tương đương 65% tổng tài sản tập đoàn. Theo đó, công ty đã tiếp tục làm việc với các chủ nợ để đạt được các mục đích cơ cấu nợ, đưa lãi suất về mức hợp lý, giãn thời hạn trả nợ gốc và lãi vay, vay bổ sung vốn chăm sóc vườn cây.

HAGL đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2016 đạt 5.838 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 737 tỷ đồng, mục tiêu chỉ lỗ 1.191 tỷ đồng trong cả năm 2016, bằng với kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm. Như vậy, trong nửa cuối 2016, HAGL dự kiến sẽ không lỗ thêm đồng nào.

Bò thịt đang là mảng mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho HAGL với doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 346 tỷ đồng, HAGL dự kiến nâng tổng số đàn bò hiện có từ 130.000 con lên 140.000 con.

Với ngành trồng trọt, công ty tiêu thụ được 31.477 tấn đường, góp phần mang lại doanh thu 370 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 116 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng cao su dự kiến mang về doanh thu 127 tỷ đồng và lỗ 59 tỷ đồng. Mảng bắp dự kiến sẽ mang lại doanh thu 136 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 69 tỷ đồng.

Với mảng bất động sản, HAGL phấn đấu đạt tỷ lệ cho thuê của cao ốc văn phòng là 80%, trung tâm thương mại tăng lên gần 100% và công suất phòng khách sạn 5 sao đạt 70%, dự kiến góp phần mang lại doanh thu khoảng 950 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu dự kiến của Hoàng Anh Gia Lai năm 2016
Cơ cấu doanh thu dự kiến của Hoàng Anh Gia Lai năm 2016

Các ngành khác, bao gồm doanh thu cung cấp dịch vụ, xây dựng, doanh thu bán hàng hóa và doanh thu bán căn hộ khoảng 889 tỷ đồng.

Ngoài các ngành đã và đang hoạt động có hiệu quả như bệnh viện, khách sạn công ty dự kiến sẽ triển khai trồng các loại cây ăn trái tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm tận dụng hết quỹ đất còn dôi dư của công ty.

“Bán con” trả nợ

Tại đại hội, lãnh đạo của HAGL chia sẻ, bên cạnh các giải pháp tái cơ cấu nợ, HAGL cũng cân nhắc thanh lý một số tài sản trong bối cảnh nợ cao như hiện nay để mang lại dòng tiền trả nợ, phát hành cổ phần để tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu, tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi, hiệu quả.

Cụ thể, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL, HAGL đã lên kế hoạch bán đi mảng mía đường và một số dự án thuỷ điện tại Lào, phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược, ước tính sẽ thu về khoảng 6.000 tỷ đồng từ những phương án này.

Mảng mía đường theo tiết lộ của đại diện HAGL, tập đoàn này đang thương lượng bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công. Năm 2015, HAGL đã hoàn tất đầu tư cụm công nghiệp mía đường tại huyện Samakhixay và Phouvong tỉnh Attapeu với diện tích 6.000 ha. 6 tháng đầu năm mảng mía đường đã đóng góp 370 tỷ đồng vào doanh thu của toàn tập đoàn, tương đương 10%.

Về thuỷ điện, mặc dù đây là ngành kinh doanh tốt mang về dòng tiền ổn định nhưng do tập đoàn dùng tiền vay nợ để thực hiện dự án nên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh HAGL đang “nợ nần chồng chất” như thời điểm hiện tại.

Với mảng bò sữa, nhiều khả năng cũng không còn nằm trong kế hoạch dài hạn của HAGL bởi hiệu quả không cao.

HAGL cũng đã bán bớt vốn tại 3 công ty con là CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh, Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar và Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Bangkok. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại Nhà Hoàng Anh giảm từ 85,75% xuống còn 68,9%. Tỷ lệ sở hữu tại 2 doanh nghiệp còn lại lần lượt là 68,9% và 32,38%...

Đáng chú ý là phương án bầu Đức công bố trước đại hội, nếu Nhà nước hỗ trợ HAGL tái cấu trúc, cơ bản HAGL Agrico, công ty con của HAGL sẽ không phải bán đi 10.000-20.000 ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc để thu về số tiền ước tính ít nhất khoảng 8.000 tỷ đồng.

Bên lề đại hội, trước câu hỏi về vị trí chiến lược của rừng cao su có khiến việc chào bán cho đối tác trở nên khó khăn, ông Đức cho biết, công ty buộc phải thực hiện khi không nhận được sự trợ giúp.

“Đối tác Trung Quốc khi ngỏ lời mua rừng cao su tại vị trí này mục đích nhắm vào là đất, không phải là kinh doanh cao su. Vì vậy, giá cao su đang ở đáy thực tế không làm mất giá tài sản của công ty. Khi muốn bán rừng cao su, HAGL sẽ phải hỏi xin ý kiến Chính phủ 2 nước Lào và Việt Nam”, ông Đức chia sẻ thêm.

Anh Thư