1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Anh rời EU: Trước mắt sẽ không tác động lớn đến Việt Nam

(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) liên quan đến sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam tại Hội thảo Đối thoại Chính sách Đầu tư năm 2016 được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 28/6.

Ngay sau khi sự kiện Anh rời EU, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 24/6 đã giảm điểm nghiêm trọng. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam mất hơn 25.400 tỷ đồng. Điều dấy lên quan ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu, rộng từ sự kiện trên, đặc biệt về thu hút đầu tư và thương mại xuất khẩu.


Nước Anh chọn rời bỏ EU, đang là câu chuyện kinh tế thế giới gây chấn động không chỉ tức thời mà còn là vấn đê nghiên cứu kinh tế dài hạn

Nước Anh chọn rời bỏ EU, đang là câu chuyện kinh tế thế giới gây chấn động không chỉ tức thời mà còn là vấn đê nghiên cứu kinh tế dài hạn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc Anh rời EU là sự kiện lớn, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu, đánh giá các tác động của sự kiện này đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế, thương mại Việt Nam nói riêng.

“Hiện nay, qua đánh giá sơ lược thì Anh rời EU chưa có tác động lớn đối với Việt Nam cả về mặt thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và vấn đề thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Sở dĩ có kết luận như vậy là do Anh chưa phải đối tác quá lớn đối với Việt Nam, vì vậy, những tác động Brexit không trực tiếp, không lớn. Tuy nhiên trong dài hạn, Bộ KH&ĐT sẽ theo dõi, để phòng ngừa các rủi ro tác động gián tiếp, trong đó ảnh hưởng lớn là việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng đến một số đồng tiền của các nước khác, những đối tác của Việt Nam”

Phân tích về những tác động liên quan đến dòng vốn và thương mại hàng hóa sau việc Anh rời EU, G.S - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, vấn đề của Brexit (Anh rời EU) đang đặt ra là: Cần lượng hóa tác động của sự kiện đến kinh tế Việt Nam để đưa ra các giải pháp phòng ngừa; thứ hai đánh giá tác động cửa luồng vốn đầu tư, tâm lý đầu tư của EU vào Việt Nam...

Ông Mại nhấn mạnh: mấy ngày nay, sau khi Anh rời EU, kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn, thị trường chứng khoán Việt đã giảm điểm nghiêm trọng sau ít giờ. Đây chủ yếu là ảnh hưởng tâm lý bởi thị trường chứng khoán Việt Nam không hề có mối liên quan mật thiết nào đối với thị trường chứng khoán London của Anh.

"Điều này cho thấy, Việt Nam cần phải xây dựng các cơ chế phân tích, để đưa ra các cảnh báo thị trường trước những cú "sốc" như Brexit", ông Mại nói.

Theo G.S Mại, việc Anh rời EU, dù các phương tiện báo chí nước ngoài nói: Việt Nam là nước sẽ chịu nhiều tác động nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, theo quan sát về luồng vốn FDI và thương mại giữa Anh - Việt thời gian qua, có thể đây mới chỉ là đánh giá định tính và mang tính ngắn hạn.

"Hiện vốn FDI của Anh vào Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 1,5% tổng vốn đăng ký về FDI tại Việt Nam và 1/2 đầu tư FDI của Anh vào Việt Nam là bất động sản, con số đó nói lên không có tác động nhiều đến đầu tư. Còn về thương mại, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Anh chỉ hơn 1% tổng kim ngạch thương mại cả nước. Vì vậy, dù Anh rời EU, Anh không tham gia vào các cơ chế FTA giữa Việt Nam và EU thì thị trường Anh cũng không có nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam", G.S Mại nói.

Tuy nhiên, theo ông Mại có vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu vì sao Anh ra khỏi EU? Tại sao một trong ba nước sáng lập ra EU (cùng Đức - Pháp), nền kinh tế lớn thứ 5 (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức) lại tách khỏi liên minh kinh tế, một cộng đồng mà lâu nay chúng ta coi đó là hình mẫu của thế giới, của khu vực và của ASEAN.

"Đây là vấn đề đặt ra cho cộng đồng ASEAN, cái người ta quan tâm chính là làm sao tạo lập được sự đồng tình, nhất trí trong các chính sách liên quan đến kinh tế như: pháp luật, thuế và cơ chế hành chính giữa các nước ASEAN, để không xảy ra "Brexit ASEAN" như kiểu của Anh tại EU", ông Mại nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm