441 triệu USD thất thoát mỗi năm vì rượu lậu, tự nấu – phòng chống tác hại như thế nào?

(Dân trí) - Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến, đưa ra đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khoẻ, hợp nhất với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Tại Hội thảo gần đây do VCCI tổ chức kết hợp với Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát, nhiều ý kiến băn khoăn về mục tiêu cũng như hiệu quả của đề xuất này.


Cơ quan chức năng thu giữ rượu giả

Cơ quan chức năng thu giữ rượu giả

Báo động kiểm soát rượu giả, rượu lậu

Cơ sở đề xuất Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia cho rằng cần thiết phải có luật Phòng chống tác hại rượu bia do rượu, bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người uống, và có nguy cơ gây ra các vấn đề kinh tế - xã hội khác như tai nạn giao thông, ngộ độc, phí tổn chữa bệnh, gánh nặng kinh tế….

Tuy nhiên, tìm hiểu cụ thể thị trường bia rượu, các số liệu thống kê đã cho thấy nguyên nhân cụ thể của tình trạng này. Báo cáo khảo sát của Euromonitor năm 2015 ước lượng khoảng 28% đồ uống có cồn ở Việt Nam là sản xuất trái phép, không đóng thuế và không được kiểm soát chặt chẽ, trong đó chiếm 97% sản lượng và giá trị của đồ uống có cồn trái phép là rượu gạo, rượu lậu.

Euromonitor cho thấy Việt Nam thất thoát khoảng 441 triệu USD mỗi năm vì thiếu kiểm soát thị trường đồ uống có cồn trái phép, mà chủ yếu là rượu lậu, rượu tự nấu. Thống kê của Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát năm 2017 cho thấy 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế. Điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng.

Thực tế, cứ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tình trạng rượu lậu, rượu giả lại “nóng” lên, kèm theo số các vụ ngộ độc rượu tăng cao. Tại Hội thảo do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 1/2018, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả… do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng. Thống kê cho thấy trong số các vụ ngộ độc rượu, ngộ độc rượu do hàm lượng methanol cao chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3%...

Rõ ràng, nguyên nhân chính dẫn đến những tác hại của bia rượu như Bộ Y tế quan ngại xuất phát từ hạn chế trong công tác quản lý chất lượng bia rượu lưu hành trên thị trường, ý thức kém của các đối tượng sản xuất phi pháp – sẵn sàng vi phạm pháp luật vì lợi nhuận cao, và còn bởi thói quen mua hàng dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn,...

Ông Nguyễn Tiến Vị, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam (VBA), cho biết, hiện nay một số nước trên thế giới ban hành luật về rượu bia, như Luật “kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”, nhưng không quốc gia nào có luật về phòng chống tác hại rượu bia như Dự thảo Luật này.

Theo ông Vị, hiện Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ điều chỉnh mặt hàng rượu, bia. Bởi vậy cần xem xét kỹ sự cần thiết lập ra Luật mới, và Dự thảo Luật nếu được thông qua nên tập trung vào việc cấm đồ uống có cồn trái phép (rượu lậu, rượu tự nấu…), vì những loại đồ uống này không an toàn cho sức khoẻ, chủ cơ sở sản xuất trốn thuế, gây ra nhiều hệ lụy như đã nói ở trên.

Có thêm quỹ, sẽ giảm tác hại rượu, bia?

Lật giở 2 trang đặt vấn đề việc lập Quỹ nâng cao sức khoẻ, bà Nguyễn Thị Kim Thuý – Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: “Nếu gọi là Quỹ nâng cao sức khoẻ cộng đồng như dự thảo bằng cách hợp nhất Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá thì chưa thuyết phục. Liệu có đánh giá được kết quả thực hiện mục tiêu về cải thiện sức khoẻ hay không khi lập quỹ này?”.

Trong khi đó Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam, ông Matt Wilson lo ngại, rượu, bia có thể sẽ tăng giá nếu các hãng phải đóng thêm một khoản vào Quỹ nâng cao sức khoẻ. “Ngoài phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp thêm gánh nặng thì sẽ tăng giá bán sản phẩm, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều hơn. Hậu quả lớn nhất ở đây là khi giá sản phẩm tăng lên thì sẽ có nhiều người tiêu dùng chuyển từ các sản phẩm an toàn, hợp pháp sang các sản phẩm đồ uống có cồn trái phép với giá thành thấp hơn, không an toàn cho sức khỏe", ông này nói.

'Các sản phẩm trái phép này hoàn toàn không đóng thuế và không đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Như vậy là việc thành lập Quỹ sẽ dẫn đến tác động tiêu cực về kinh tế - giảm nguồn thu thuế - cũng như về sức khỏe – khiến người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm đồ uống có cồn trái phép, có hại cho sức khỏe.”, ông Matt nêu quan điểm.

Theo khảo sát của Hiệp Hội Bia Rượu và Nước Giải Khát, hiện rất ít quốc gia trên thế giới sử dụng các quỹ tương tự và hầu hết tỷ lệ chi thực tế cho phân bổ hoạt động phòng, chống tác hại đồ uống có cồn là rất thấp trên tổng nguồn thu của quỹ. Mặt khác, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã và đang hoạt động chưa hiệu quả, không nên rập khuôn. Hiện các doanh nghiệp trong ngành đang tích cực thực hiện các chương trình truyền thông về uống có trách nhiệm một cách sáng tạo và hiệu quả. Chẳng hạn, mỗi năm nhãn hàng Heineken dành tới 10% ngân sách truyền thông hàng năm cho chương trình uống có trách nhiệm.

Năm ngoái, hưởng ứng Năm An toàn Giao thông 2017, nhãn hàng này đã thực hiện chương trình “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, được đánh giá là rất có hiệu quả trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời mang đến giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề này.

Với nội hàm dự luật hiện tại, nhất là đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khoẻ để phòng, chống tác hại của cả rượu bia và thuốc lá, ông Trần Quang Chiểu – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, không có tính thuyết phục. Theo ông, nguồn lực Nhà nước hiện đang bị phân tán nhiều qua các quỹ được lập để ngoài ngân sách. Ngay với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đang hoạt động, hiệu quả quỹ này ra sao cũng cần giám sát, thẩm tra.

Khi hiệu quả của các quỹ đang có chưa được đánh giá đầy đủ, đề xuất lập quỹ này cần phải cân nhắc. “Đừng để nguồn lực nhà nước bị phân tán, không được kiểm soát chặt chẽ”, ông Chiểu nhấn mạnh.

Hà Anh

441 triệu USD thất thoát mỗi năm vì rượu lậu, tự nấu – phòng chống tác hại như thế nào? - 2