Mỹ đưa người trở lại Mặt trăng như điểm dừng để đến Sao Hỏa
(Dân trí) - Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ sẽ ký một "Chỉ thị về Chính sách không gian 1" ra lệnh cho NASA "dẫn đầu một chương trình thăm dò không gian đột phá để đưa các phi hành gia Mỹ quay trở lại Mặt trăng, và cuối cùng là sao Hỏa".
Con người xa nhất đã di chuyển từ trái đất trong những thập kỷ gần đây là Trạm Không gian Quốc tế (ISS), và lần gần nhất các phi hành gia rời khỏi quỹ đạo tầm thấp của trái đất và đến Mặt Trăng là vào năm 1972 – lần cuối cùng trong 6 lần NASA đặt chân đến mặt trăng.
Giờ đây, Mỹ đang hướng tới việc đưa người trở lại Mặt trăng, và sau đó là Sao Hỏa. Sáng kiến này là chỉ thị không gian đầu tiên của chính quyền Trump.
Đầu năm nay, Phó Tổng thống Mike Pence dường như khẳng định Chính phủ hiện nay muốn đưa người trở lại mặt trăng, sử dụng nó như điểm dừng cho nhiệm vụ lên sao Hỏa. Ông nói tại Hội đồng Không gian Quốc gia hồi tháng 10 rằng: "Chúng tôi sẽ đưa các phi hành gia Mỹ trở lại mặt trăng, không chỉ để lại dấu chân và lá cờ, mà còn xây dựng nền móng cần thiết giúp đưa người Mỹ tới sao Hỏa và xa hơn nữa."
Theo thông tin từ telegraph, Tổng thống Donald Trump chia sẻ "Mỹ luôn luôn được xác định là đơn vị tiên phong. Đây là một bước tiến khổng lồ đối với tương lai đầy cảm hứng và lấy lại vị thế tự hào của Mỹ trong không gian. Không gian cũng có nhiều liên quan đến các ứng dụng khác, kể cả các ứng dụng quân sự”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay “Ông ấy (Trump) sẽ thay đổi chính sách vũ trụ con người của quốc gia để giúp Mỹ trở thành động lực cho ngành công nghiệp không gian, thu được kiến thức mới từ vũ trụ và thúc đẩy công nghệ đáng kinh ngạc”.
Buzz Aldrin trên mặt trăng năm 1969.
Sáng kiến này có vẻ bao gồm các kế hoạch cho "Cổng vào Không gian sâu” (Deep Space Gateway) – chương trình hợp tác giữa Mỹ và Nga để tạo ra trạm không gian mặt trăng, hoạt động như một "cửa ngõ vào không gian sâu".
Dự án Cổng vào Không gian sâu.
Chương trình dẫn đầu bởi NASA cho thấy hai cơ quan không gian này sẽ xây dựng một vệ tinh mặt trăng giống như ISS.
Trạm này sẽ cho phép các phi hành gia nghiên cứu mặt trăng một cách chi tiết và cũng sẽ được sử dụng làm điểm dừng cho các phi hành gia đi xa hơn vào hệ mặt trời, đặc biệt là sao Hỏa.
Thỏa thuận giữa NASA và cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã được ký kết tại đại hội không gian ở Adelaide vào tháng 9.
Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2022, với các mô đun đầu tiên của “Cổng vào Không gian sâu” dự kiến hoàn thành sau hai năm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu chỉ trích ông Trump về việc cắt giảm kinh phí để tài trợ cho Chương trình Khoa học trái đất của Nasa nhằm trả tiền cho việc thăm dò.
Đào Hiền (Tổng hợp)