“Cả cộng đồng khởi nghiệp đang chờ đợi sự ra đời của các quỹ đầu tư”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng xung quanh câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Ông cũng cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đó chính là kỹ năng khởi nghiệp.

Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp, sự kết nối là rất quan trọng. Trong Đề án 844 của Chính phủ có một nội dung đó là phải xây dựng cổng thông tin kết nối.

Để triển khai việc này, việc đầu tiên là thành lập được Ban chỉ đạo cho thực hiện Đề án 844. Ban chỉ đạo đó có thành phần đại diện của các Bộ, Ngành, các Ban kinh tế, đại diện các địa phương Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và một số Liên hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội, hội phụ nữ, nông dân, thanh niên.

Ban chỉ đạo này có đầy đủ các thành phần như vậy nhằm giúp cho việc chỉ đạo, điều hành, triển khai ở các lĩnh vực khác nhau và các đồng chí trong ban chỉ đạo với trách nhiệm được phân công đã chủ động triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các ngành, lĩnh vực của mình.

Qua theo dõi thấy rằng, như Liên hiệp hội Thanh niên Việt Nam đã có đề án khởi nghiệp ở trong thanh niên; Bộ GD-DT cũng trình một đề án về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên trong trường đại học; Các bộ ngành và địa phương thông qua kế hoạch, chương trình để làm sao thực hiện phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương mình.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Công thông tin kết nối sẽ làm cho khởi nghiệp phát triển bền vững

Như chia sẻ của Thứ trưởng, việc ra đời cổng thông tin kết nối để phát triển khởi nghiệp bền vững là rất cần thiết. Vậy cổng thông tin này sẽ có tác dụng như thế nào?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Cổng thông tin kết nối là một hệ thống có thể kết nối giữa những người làm khởi nghiệp với các nhà đầu tư, với cơ sở ươm tạo khởi nghiệp. Như vậy nếu một người muốn làm khởi nghiệp có thể biết ở đâu để đến tham gia vào và nhận được sự hỗ trợ từ trung tâm ươm tạo đó. Và Trung tâm ươm tạo đó cũng biết được và thông qua các cơ quan quản lý để nhận được hỗ trợ.

Trong cổng thông tin này chúng tôi đưa đầy đủ thông tin về kết quả nghiên cứu, các công nghệ đang được chuyển giao vào Việt Nam, kho sáng chế có hàng vạn các sáng chế trong và ngoài nước để các nhà khởi nghiệp có thể học hỏi, tham khảo.

Sở dĩ tôi nói cổng tin này vô cùng cần thiết là vì thông tin đã được kết nối và nó tạo điều kiện cho những người làm khởi nghiệp và những người đã nhận được hỗ trợ khởi nghiệp rất gần nhau. Bên cạnh đó, trong mục chính sách của cổng thông tin sẽ tập hợp đầy đủ các văn bản chính sách của nhà nước, các thủ tục để thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào, các bước khi tiến hành làm khởi nghiệp có thể tìm ở đây, danh sách các chuyên gia hỗ trợ tư vấn, người giúp đỡ cho những người làm khởi nghiệp cũng được đưa vào cổng thông tin kết nối. Đây là giải pháp quan trọng giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp có thể kết nối được với nhau ở cả trong nước và nước ngoài. Điều đó sẽ giúp phát triển bền vững.

Phong trào khởi nghiệp không phải là làm tự do

Hiện nay phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ nhưng dường như đang thiếu sự kết dính cũng như thiếu một tổng chỉ huy, Thứ trưởng nghĩ sao về điều đó?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Chúng ta đã có Ban chỉ đạo, điều đó có nghĩa chúng ta có nhạc trưởng. Đầu mối đã được chính phủ giao cho Bộ KH&CN làm cơ quan đầu mối để chủ trì việc này, chúng tôi đã kết hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, các địa phương.

Không phải chúng ta làm tự do tự phát mà ở đây trong quá trình khởi nghiệp, chúng ta phải có kiến thức khởi nghiệp, kĩ năng khởi nghiệp và những việc đó đã được rèn luyện, phổ biến ở trong các trung tâm hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp.

“Cả cộng đồng khởi nghiệp đang chờ đợi sự ra đời của các quỹ đầu tư” - 2

Ví dụ như ở VSV, toàn bộ giáo trình để làm khởi nghiệp là hấp thụ toàn bộ ở các trường đại học của Mỹ để đưa về đây, chúng ta đã mua và đã chuyển giao và đào tạo những người làm khởi nghiệp, theo những mô hình của Mỹ, Israel, Phần Lan,.. Chúng ta đã làm khởi nghiệp theo tình hình của nhiều nước trên thế giới, và chúng ta phát động làm sao để người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần dám chấp nhận rủi ro, dám chấp nhận với thất bại, để lần sau thành công trong quá trình khởi nghiệp của mình.

Kỹ năng khởi nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng

Vậy quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của chúng ta hiện nay đang yếu về kiến thức hay là kỹ năng?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Chúng tôi đề cập đến kỹ năng khởi nghiệp nhiều hơn, mà những điều đó phải được đào tạo, bồi dưỡng, và hướng dẫn. Quan trọng là được những người thành công, doanh nghiệp thành công, các chuyên gia giỏi hướng dẫn, đào tạo và giúp cho quá trình ươm tạo khởi nghiệp. Điều này là quan trọng nhất nên trong hỗ trợ của Đề án 844 chúng tôi tập trung rất nhiều vào đào tạo và nâng cao kỹ năng, người làm đầu tư cũng phải có kỹ năng để đầu tư. Chẳng hạn như nhà đầu tư thiên thần ở trong xã hội có tiền nhưng họ cần phải biết cách làm như thế nào để đầu tư cho khởi nghiệp và tất nhiên họ cần phải được huấn luyện, hướng dẫn.

Hay những người làm khởi nghiệp có kinh nghiệm như thế nào trong việc xây dựng doanh nghiệp của mình, điều hành doanh nghiệp phát triển thị trường thì cái này cũng cần phải được hướng dẫn, huấn luyện … Một khâu rất quan trọng, khi doanh nghiệp thành công phải có sản phẩm đưa ra ngoài thị trường, phải nắm được thị trường để làm sao thành công thu được tiền từ thị trường và kêu được đầu tư của các quỹ đầu tư cho chính bản thân mình. Nếu chúng ta làm được điều này thì mới gọi là thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nếu không làm được điều đó thì chúng ta không có được nguồn lực để tăng thêm và cũng không có sự tăng trưởng phát triển.

Sớm có pháp lý cho các quỹ đầu tư

Kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới là có quỹ đầu tư mạo hiểm. Vậy việc thành lập các quỹ này hiện nay của chúng ta như thế nào?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đây là vấn đề mà cả cộng động khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất quan tâm, bởi vì rất cần hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Điều này đã được đưa vào Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay chúng tôi đang đưa vào nội dung để hướng dẫn, thành lập, hoạt động quỹ và quản lý quỹ đó, để làm sao quỹ đó có thể hỗ trợ cho người làm khởi nghiệp.

Tôi xin chia sẻ câu chuyện trước đây, nếu như chúng ta không có quy định của Luật như vậy thì nhà nước bỏ ra dù là rất ít tiền để hỗ trợ cho các đối tượng khởi nghiệp, trong đó 100 dự án mà chỉ có 5-6 dự án thành công, nghĩa là 94-95 dự án thất bại, thì khi đó người ta sẽ nói rằng tiền ngân sách nhà nước được quản lý và sử dụng không có hiệu quả. Người ta không biết rằng, 5 dự án đó khi mà thành công sẽ mang lại hiệu quả cao bù lại hơn nhiều so với 95 dự án thất bại kia. Nhưng Luật của chúng ta sẽ dẫn đến chuyện nếu ai quản lý nguồn ngân sách đó thì sẽ bị vi phạm pháp luật.

Hiện nay quỹ đầu tư đang được đưa ra trong các quy chế hướng dẫn Luật, tôi tin rằng Nghị định đó sớm ra đời thì khuôn khổ pháp lý sẽ thuận lợi.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hùng (Thực hiện)