Tự chủ đại học: Vừa “mở” đã “thít” ngay lập tức

(Dân trí) - Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước tại phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực mới đây.


Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Tự chủ chỉ trông vào học phí là không ổn

Theo đánh giá của bà Doan, sự nghiệp giáo dục đào tạo nhìn chung có nhiều tiến bộ và chuyển biến tích cực, nhà nhà đi học, người người học tập, ai cũng quan tâm đến học tập, ngay quá trình đổi mới giáo dục đào tạo, ai cũng trăn trở xem đổi mới như thế nào. Không khí chung từ mầm non đến đại học là đổi mới, sáng tạo.

Trao đổi về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đang được Bộ GDĐT triển khai, bà Doan nhất trí về quan điểm là chương trình mới phải tinh giảm, gọn nhẹ nhưng phải phù hợp với đất nước, văn hóa Việt Nam và hội nhập quốc tế, phù hợp với từng lứa tuổi, bậc học.

“Tôi đồng ý phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 nhưng tôi băn khoăn các môn tích hợp. Tích hợp là đúng nhưng chưa rõ tích hợp là một thầy giảng 3 môn hay 3 thầy giảng 3 môn. Nếu một thầy giảng 3 môn thì với cách đào tạo của chúng ta hiện nay khó dạy được tích hợp. Ngoài ra cơ sở vật chất có đáp ứng dạy tích hợp không. Tôi băn khoăn điểu đó” - Bà Doan cho hay.

Thể hiện sự tâm huyết với vấn đề tự chủ đại học, bà Doan nhấn mạnh: Tôi hoan nghênh tự chủ đại học, tự chủ giúp phát huy năng lực, tính sáng kiến của các trường đại học. Khi đã tự chủ có nghĩa là các trường phải đứng trên hai chân của mình với điều kiện đảm bảo đủ đội ngũ, đủ trình độ, năng lực, đủ uy tín để thu hút học sinh.

Nếu tự chủ đại học chỉ hiểu là tự chủ tài chính, thu chi để tận thu của học sinh và nguồn chính của cơ sở giáo dục là học phí thì không ổn. Đặt ra giả định nếu nhà trường không còn uy tín nữa, học sinh không lựa chọn nữa thì sẽ thế nào, lấy đâu ra nguồn để trường hoạt động và tồn tại.

“Tự chủ thế nào để trường đừng chết khi không tuyển sinh được” - Bà Doan khẳng định.

Từ đó bà Doan cho rằng, tự chủ phải gắn với thúc đẩy nghiên cứu trong các trường đại học. Vì trên thực tế khi thực hiện tự chủ, một số trường mới nặng về quy định nguồn thu chủ yếu từ học phí, còn triển khai nghiên cứu dù các trường rất có khả năng làm lại không thấy.

Giải quyết thừa thiếu giáo viên thuộc về trách nhiệm địa phương

Trao đổi về những vướng mắc trong thực hiện tự chủ đại học, bà Nguyễn Thị Doan cho hay, mặc dù cho các trường tự thu chi và tự chủ tài chính, nhưng vẫn phải tuân thủ theo Luật đấu thầu và Luật đầu tư công nên có tiền rồi mà không xây dựng dược, có trường có hàng trăm tỷ nhưng khi cần xây dựng cơ sở vật chất thì không làm được vì vướng 2 luật này.

Bà Doan nhấn mạnh: “Ngay trong quy định về tự chủ tôi đã thấy vướng, thể hiện ở 2 câu: câu thứ nhất, cho tự chủ những vẫn phải đảm bảo pháp luật của nhà nước - chứng tỏ vẫn phải tuân thủ đúng Luật đầu tư công và Luật đấu thầu. Câu thứ 2, cho phép hoạt động như doanh nghiệp nhưng khi mua sắm xây dựng phải làm tờ trình cho bộ chủ quản - thế thì làm làm sao được, vừa mở xong thít ngay lập tức. Tôi đã từng làm hiệu trưởng một trường đại học nên hiểu. Vẫn phải nghiên cứu lại chỗ này”.

Về vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên, bà Doan cho rằng, hệ thống đào tạo sư phạm, chất lượng đầu vào ngày càng kém, cơ sở vật chất kĩ thuật dành cho các trường khối sư phạm rất nghèo nàn và lạc hậu, ít có phòng thí nghiệm hiện đại. Chất lượng đào tạo đội ngũ kém nên dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo bà Doan, cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó chất lượng các trường sư phạm địa phương còn nhiều bất cập, việc cần làm lúc này là sớm quy hoạch lại mạng lưới đào tạo sư phạm, giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên.

“Chính phủ cần sớm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, trách nhiệm thuộc về các địa phương” - Bà Doan nêu rõ.

Thu Minh