Bạn đọc viết:
“Trẻ em phải được đối xử như trẻ em”
(Dân trí) - Người lớn nghĩ rằng con trẻ phải hiểu được, làm được những điều người lớn mong muốn thì mới là con ngoan. Thực sự chúng hấp thụ, cảm nhận những điều người lớn dạy bảo theo kiểu của chúng. Tôi đã điều chỉnh cách định hướng giáo dục con là hãy để cho trẻ phát triển theo khả năng, sở trường của nó...
Chuyện dạy trẻ bằng phương pháp “đòn roi” đã được các nhà giáo dục nổi tiếng thế giới phê phán là phản sư phạm. Tuy nhiên trong truyền thống giáo dục Việt Nam, hình ảnh thầy đồ chắp tay sau lưng cầm theo chiếc roi mây đi kiểm tra học trò đang ngồi viết chữ đã khá quen thuộc. Thời nay vẫn thấy một số thầy cô cũng cầm thước đánh trò. Cô giáo mầm non thì lấy đũa, muỗng, tay, thậm chí cả dép đánh trẻ.
Hồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ cá biệt, ở nhà thường bị bố đánh vì lười học và nghịch ngợm. Khi học cấp 1, tôi thường xuyên bị thầy phạt bằng cách lấy thước gỗ đánh vào mu bàn tay. Những lần bị đánh, đau lắm, nước mắt chảy ra nhưng môi mím chặt, mồm thì hứa con xin lỗi, xin chừa nhưng đầu thì nghĩ cách truy tìm đứa nào đó đã mang cái thước đi học để thầy có cái đánh mình. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không oán trách những đòn roi của bố, của thầy giáo. Nhưng tôi không cho rằng đòn roi của bố, của thầy đã tạo nên con người tôi. Tôi là tôi, tôi lớn lên và phát triển riêng biệt theo kiểu của tôi, tôi bị đòn roi không phải vì tôi không “lớn lên” mà chẳng qua tôi “lớn lên” không theo cách nghĩ của người lớn. Người lớn đánh tôi là vì họ nghĩ rằng tôi phải suy nghĩ được như người lớn lúc đó, trong khi đó kỳ thực tôi vẫn là trẻ con.
Khi tôi làm bố, tôi cũng mắc sai lầm như thế. Cậu con trai lớn của tôi lúc học tiểu học, cháu học khá nhưng có cá tính, vẻ bề ngoài cháu rất hiền, da trắng, người mảnh khảnh. Cháu rất nhiều bạn và bộc lộ khả năng điều khiển người khác, đồng thời cháu có năng khiếu về kỹ thuật. Lúc học tiểu học, thỉnh thoảng cháu bị tôi đánh vì tội nghịch ngợm và lỳ lợm, tuy nhiên suy xét lại những lần đánh con thường là những lúc tôi bị stress vì công việc, vì đồng nghiệp, vì cơm áo gạo tiền, vì các mối quan hệ xã hội của mình. Tôi xin kế câu chuyện về đánh con của mình như thế này:
Một buổi chiều, mẹ cháu và cháu vui vẻ trồng luống hoa cúc ở đầu nhà, luống hoa còn thiếu một hai cây nữa mới đầy luống, cháu chạy đi đâu đó một lúc đem theo về 2 cây cúc nữa và tự trồng vào chỗ thiếu. Sau đó hai mẹ con tưới cho luống hoa mới trồng. Tôi đi làm vừa về thì người bạn hàng xóm sang nhà nói với tôi rằng “cu Th. nhổ trộm hoa đem về trồng, anh xem mà giáo dục cháu”. Tôi giận con thì ít mà tôi giận ông bạn hàng xóm thi nhiều vì cùng với lời nói là thái độ của ông bạn cho rằng người lớn xui cháu làm việc đó. Tôi lôi con ra đánh, con tôi không khóc, nó xin lỗi con đã sai, tôi vẫn đánh và đánh đau. Thật bất ngờ, con tôi không xin lỗi nữa mà thét lên “Bố đánh chết con đi, tội con không đến mức bố đánh con đau như vậy”.
Tay tôi cầm chiếc roi đang giơ lên định đánh nữa run bần bật, tôi khựng người lặng đi trong giây lát và vứt bỏ roi ôm chầm lấy con “bố xin lỗi con, bố xin lỗi con, bố sai rồi”. Tôi bế thốc nó vào nhà. Cứ ôm chặt lấy con và hỏi “có đau không con”. “Dạ có, con xin lỗi bố lần sau con không dám nhổ trộm hoa nữa”. Tối hôm đó, tôi ngủ với con, tay tôi sờ vào mông nó vẫn hằn những vết roi, tôi lấy dầu nóng xoa vào những chỗ đau.
Từ đó trở đi, không bao giờ tôi dùng đến roi để dạy con nữa. Đến khi thằng em nó ra đời, bài học trên đã thấm làm tôi thay đổi phương pháp giáo dục con.
Đến giờ, 2 con trai của tôi đã trưởng thành và đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Điều mà tôi rút ra là người lớn nghĩ rằng con trẻ phải hiểu được, làm được những điều người lớn mong muốn thì mới là con ngoan. Thực sự chúng hấp thụ, cảm nhận những điều người lớn dạy bảo theo kiểu của chúng. Tôi đã điều chỉnh cách định hướng giáo dục con là hãy để cho trẻ phát triển theo khả năng,sở trường của nó, người lớn không áp đặt ý chí của mình cho trẻ, chỉ tạo điều kiện để cho trẻ phát triển các khả năng của chúng. Tôi là tín đồ của nhà giáo dục học nổi tiếng người Pháp J.J. Rút xô (1712-1778) với quan điểm “Giáo dục tự nhiên và tự do” cùng những triết lý của ông “Trẻ em là trẻ em trước khi chúng trở thành người lớn”; “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại”.
Điều tôi viết góp phần theo cách nào đó giải thích hành vi dạy trẻ bằng roi vọt của người lớn cũng như góp đôi lời về việc định hướng phát triển con người cá nhân cho trẻ thay vì phát triển con người “tập thể” chung chung như hiện nay.
X.H.
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!