Tiêu chuẩn giáo sư: Cần đổi mới thực chất, loại bỏ tiêu chí lạc hậu, cứng nhắc!
(Dân trí) - Các tiêu chuẩn trong quy định 174 tiêu chuẩn xét GS,PGS hiện nay mặc dù đã bao quát và bước đầu hội nhập nhưng tiêu chuẩn còn thấp, chậm được cập nhật và đặc biệt là quá cứng nhắc... khiến một số ít nhà khoa học xuất sắc thiếu một số tiêu chuẩn... nên suốt đời không được công nhận. Do đó, cần giải quyết bất cập này.
Mùa xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2017 đang dần khép lại với nhiều sự cố ồn ào gây xôn xao xã hội và như vậy sứ mệnh của Quy định 174 về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư có thể sắp kết thúc.
Là người được công nhận chức danh GS năm 2004, lúc đó mới 46 tuổi, Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, gần 15 năm quan sát và tham gia vào các hoạt động này, được chứng kiến một kết cục như những ngày vừa qua thì các nhà khoa học có rất nhiều cảm xúc và cả sự tổn thương.
Nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến nhiều phía, nhưng về tổng thể thì có 2 vấn đề.
Thứ nhất, các tiêu chuẩn trong quy định 174 mặc dù đã bao quát và bước đầu hội nhập nhưng tiêu chuẩn còn thấp, chậm được cập nhật và đặc biệt là quá cứng nhắc. Xét tiêu chuẩn GS, PGS mà đếm đến từng giờ dạy. Thiếu mấy chục giờ cũng đã bị loại thì không thể tránh được các giải pháp hợp lý hóa. Viết sách là tiêu chí cần thiết, nhưng có phải lĩnh vực nào, nhà khoa học nào một đời nghiên cứu cũng để lại được vài cuốn có giá trị. Thế mà có một số ít nhà khoa học xuất sắc thiếu tiêu chuẩn này là suốt đời không được công nhận…
Thứ hai, việc bổ nhiệm không gắn với đánh giá hậu bổ nên đóng góp của các GS, PGS chưa đáp ứng được với kỳ vọng của cộng đồng. Quy chế mới, trước hết phải giải quyết được các bất cập đó.
Cần đặt trọng số lên các bài báo khoa học có chất lượng
Thưa GS, một trong các yêu cầu được cấp bách hiện nay là các tiêu chuẩn của chức danh GS, PGS phải hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ và triệt để, ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?
Đành là như vậy, nói là tiêu chuẩn quốc tế, nhưng làm gì có tiêu chuẩn chung và cách làm chung đâu. Mỗi nước đều có gia giảm theo mục đích và định hướng phát triển từng thời kỳ của họ cả. Ví dụ, về đào tạo thì ngoài định mức giờ giảng, có nước chỉ quan tâm đến khả năng sư phạm, đến phản hồi của sinh viên; có nước chỉ quan tâm đến xuất bản sách, đến đào tạo nghiên cứu sinh… Ngay cả tiêu chí về thành tích nghiên cứu có sự tương đồng cao nhất, nhưng các nước cũng có sự vận dụng khác nhau.
Tùy theo mức độ phát triển của từng quốc gia mà tiêu chí này có thể được áp dụng bằng cách chỉ tính số lượng các bài báo ISI, Scopus hoặc thêm cả chỉ số ảnh hưởng IF của tạp chí, số lần bài báo đó trích dẫn và thậm chí đến cả chỉ số trích dẫn H-index của nhà khoa học.
Trong một thế giới đa dạng như vậy, ai cũng nói về cái mình biết theo góc độ của mình thì cuộc tranh luận sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng ta cần hiểu quốc tế, nhưng cũng phải biết xác định được các bất cập và mục tiêu phát triển của nước ta để đặt ra bộ tiêu chí vừa đáp ứng được cả chuẩn mực về học thuật, vừa đáp ứng được sự ưu tiên.
Theo đó, tôi nghĩ ta cần tập trung việc đánh giá các ứng viên về khả năng sáng tạo và thành tích nghiên cứu. Tiêu chí về các bài báo khoa học uy tín nên được đặt trọng số cao nhất. Các tiêu chí khác cũng cần phải có đủ, nhưng đối với các ứng viên xuất sắc, nếu thiếu định mức có thể được bổ sung hoặc thay thế bằng tiêu chí lõi là các bài báo khoa học có chất lượng.
Tôi ủng hộ phương thức thay thế thành tích cho các tiêu chí này, vì ngay tại nhiều nước các tiêu chí đó cũng đang áp dụng khá khác nhau, thậm chí có nước họ còn không sử dụng. Một sự linh hoạt như vậy có thể sẽ đáp ứng được sự thống nhất của quy định và cả sự đa đạng của các lĩnh vực.
Vậy sự linh hoạt đó như thế nào thưa giáo sư?
Ví dụ như các tiêu chuẩn về định mức giờ giảng, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thậm chí cả chủ trì đề tài khoa học các cấp… yêu cầu thì phải có, nhưng nếu thiếu một phần, có thể được thay thế bằng các bài báo khoa học. Thực tế, nhiều trường đại học cũng đã áp dụng thay thế giờ giảng bằng bài báo rồi.
Với lại, đây là ta đang xét đạt chuẩn, nên cần cái thực chất. Chừng nào các ứng viên đạt chuẩn và được bổ nhiệm, thì mới cần đánh giá đầy đủ và chi tiết.
Còn tiêu chuẩn về viết sách và biên soạn giáo trình thì thế nào, thưa Giáo sư?
Như đã nói ở trên, đây là một nội dung mà ngay cả các nhà khoa học trong cuộc (nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ) đã phản ánh rất nhiều trong nhiều năm qua.
Theo tôi lần này có thể nâng chuẩn chung về tổng điểm quy đổi đối với chức danh GS, PGS, nhưng riêng tiêu chuẩn về sách thì nên giữ nguyên. Thậm chí cũng quy định cho thay thế bằng bài báo như đã nói ở trên đối với các ứng viên còn thiếu điểm sách.
Sự linh hoạt như vậy đảm bảo được tất cả các ứng viên đều phải kinh qua tất cả các hoạt động, nhưng vẫn hướng đến điều thực chất là tăng cường năng lực nghiên cứu và sáng tạo, gia tăng công bố quốc tế. Đặc biệt đó sẽ là cơ chế tốt để các nhà khoa học xuất sắc sớm được vinh danh.
Công bố quốc tế: Sản phẩm khoa học đặc thù và chủ lực của của nhóm khoa học tự nhiên và công nghệ là bài báo quốc tế và phát minh sáng chế. Còn đối với các lĩnh vực còn lại có thể là các sách chuyên khảo.
Xét tiêu chí công bố quốc tế theo tính chất đặc thù, linh hoạt
Về tiêu chí công bố quốc tế, giải pháp nào có thể đáp ứng được mục tiêu đổi mới lần này, thưa GS?
Ngoài các bài báo khoa học uy tín (thường là ISI, Scopus đối với nghiên cứu cơ bản), còn phải tính đến bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích (đối với lĩnh vực công nghệ kỹ thuật) và cả các tác phẩm nghệ thuật, chương trình biểu diễn, thành tích thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế (đối với các lĩnh vực liên quan).
Cả 3 nhóm sản phẩm này cần phải được xác định tương đương và đặc thù cho các lĩnh vực. Thêm vào đó, cũng cần xác định định mức tối thiểu về các sản phẩm này đối với từng chức danh.
Ví dụ đối với chức danh PGS, cũng nên mạnh dạn đặt ra mức đến từ 2-3 bài báo khoa học uy tín. Trong trường hợp thiếu, và theo lộ trình có thể thay thế một phần bằng điểm viết sách do các nhà xuất bản có uy tín xuất bản. Sự linh hoạt này có tính lịch sử và đặc thù lĩnh vực của nó.
Theo nhận thức của tôi, sản phẩm khoa học đặc thù và chủ lực của của nhóm khoa học tự nhiên và công nghệ là bài báo quốc tế và phát minh sáng chế. Còn đối với các lĩnh vực còn lại có thể là các sách chuyên khảo.
Cả hai nhóm này đều có một tiêu chuẩn về tổng điểm quy đổi như nhau, nhưng trọng số về bài báo và sách chuyên khảo nên bù trừ cho nhau: Nhóm tự nhiên và công nghệ nên có nhiều bài báo quốc tế, ít sách; nhóm còn lại thì nhiều sách, ít bài báo quốc tế. Vậy nên, việc quy định cho thay thế bài báo quốc tế bằng sách là giải pháp hợp lý, có thể chấp nhận trong những năm tới.
Thử tập hợp đội ngũ tinh hoa để thành lập một trường đại học?
Tiêu chí bài báo quốc tế như vậy có phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay chưa, thưa Giáo sư?
Tôi luôn nói là nên có lộ trình và dự lệnh. PGS có thể phải đạt mức 2-3 và GS có thể phải là 4-5 bài báo quốc tế. Nói đến số lượng này có thể có hai chiều ý kiến. Nhóm sẵn sàng đổi mới và hội nhập có thể nhận xét tiêu chuẩn này là thấp.
Xin nhớ rằng, đấy không phải là định mức cho cả quá trình mà là tiêu chuẩn cho giai đoạn tính từ sau khi bảo vệ tiến sĩ hoặc đã được bổ nhiệm chức danh PGS đến khi đăng ký hồ sơ. Từ khi được bổ nhiệm PGS đến khi đăng ký GS có được thêm 4-5 bài báo quốc tế cũng quá xứng đáng rồi.
Nhóm có nhiều khó khăn trong hội nhập sẽ cho tiêu chuẩn đó là cao và khó khả thi. Tôi có làm một phép tính thử, mỗi năm có thêm 400-500 GS, PGS và giả sử chúng ta tập hợp tất cả số GS, PGS có năng suất nghiên cứu như vậy (tức là đội ngũ tinh hoa nhất) để thành lập một trường đại học mới thì chúng ta vẫn chưa thể có một trường đại học vào nhóm 200 châu Á (xét về chỉ số nghiên cứu) được. Có chia sẻ như vậy chúng ta mới có sự đồng thuận để nỗ lực hơn. Với lại, một khi mà chuẩn đầu ra của đào tạo tiến sĩ đã được nâng lên, chẳng nhẽ chuẩn của GS, PGS lại không được bằng.
Giai đoạn đầu mới hình thành, Quỹ Nafosted cũng có khó khăn tương tự như vậy, nhưng chúng ta đã vượt qua.
Thành viên Hội đồng ngành, liên ngành phải có sự tín nhiệm cao
Tiêu chuẩn của các ứng viên vừa qua cho thấy quá lạc hậu, quá thấp so với tiêu chuẩn các nước khác cần thay đổi. Vậy còn việc tổ chức các Hội đồng xét chọn có cần thay đổi không?
Để xảy ra một vài sự cố như thời gian gần đây cũng có phần liên quan đến cách tổ chức các Hội đồng xét chọn quá “đa zi năng”. Khi các tiêu chuẩn GS và PGS có đặc thù chuyên môn rất cao thì các hội đồng cấp cơ sở có tính đa ngành, đa thành phần như hiện nay không giải quyết được.
Nên chăng chỉ nên giới hạn nhiệm vụ cho hội đồng này ở việc thẩm tra và chịu trách nhiệm xác nhận các tiêu chuẩn về nhiệm vụ giảng viên, các định mức và các thủ tục có tính chất hành chính.
Đặc biệt là vấn đề công khai và lấy ý kiến rộng rãi ở cơ sở. Việc đánh giá chuyên môn nên tập trung ở Hội đồng ngành, liên ngành. Ngay cả Hội đồng cấp Nhà nước cũng vậy, chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức triển khai nhiệm vụ, xem xét, thông qua kết quả cuối cùng và xét những trường hợp đặc biệt.
Các Hội đồng ngành, liên ngành có vai trò quan trọng trong việc xác định năng lực chuyên môn của các ứng viên. Các thành viên trong các hội đồng này cũng phải đáp ứng hoặc tiếp cận một phần các tiêu chí của chức danh GS mới. Đặc biệt, phải được tín nhiệm của cả các nhà quản lý và của cả cộng đồng khoa học.
Theo đó, có thể tham khảo cách làm của Quỹ Nafosted và đặc biệt nên áp dụng tính linh hoạt trong việc tổ chức các hội đồng xét chọn đề tài nghiên cứu của Bộ KH&CN hiện nay. Nhiệm vụ nào, thời gian đó, thành phần đó.
Không nhất thiết phải duy trì Hội đồng nhiệm kỳ đến 5 năm mà có thể chỉ cần duy trì ở mỗi hội đồng ngành, liên ngành một bộ phận thường trực có trình độ chuyên môn và uy tín đã được khẳng định. Số còn lại nên được lựa chọn hàng năm, hoặc sau vài năm.
Ngoài các vấn đề về chuyên môn, cộng đồng cũng đang quan tâm đến đối tượng áp dụng của quy định mới. Theo GS, các nhà quản lý có nên được xét công nhận các chức danh này không?
Thực tế thì các trường đại học rất cần sự tham gia, đóng góp vào các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các nhà quản lý và đặc biệt của cả các doanh nhân. Điều này, sẽ hỗ trợ nhà trường phát triển tầm nhìn và tiếp cận thực tiễn.
Thông lệ quốc tế thường áp dụng hình thức trao danh hiệu tiến sĩ danh dự hoặc giáo sư danh dự. Làm như vậy các nhà quản lý và doanh nhân không cần tham gia để được xét đạt chuẩn mà chính các trường đại học dựa trên tiêu chí chung của Nhà nước và theo nhu cầu của mình có thể mời một số nhà khoa học và doanh nhân làm Giáo sư danh dự của nhà trường.
Đây là một hình thức vinh danh dựa trên uy tín và danh tiếng thực sự, không bắt buộc các nhà quản lý phải bận tâm đến việc làm hồ sơ, xin xác nhận… vất vả và nhạy cảm.
Cần phải có chính sách thích hợp để các GS, PGS tiếp tục giữ vững phong độ nghiên cứu, đóng góp đúng với năng lực của mình sau khi đã được bổ nhiệm.
Việc đánh giá giáo sư, phó giáo sư nên tiến hành hàng năm
Hậu bổ cũng là vấn đề mà cộng đồng hết sức quan tâm, xin GS cho biết cần phải có chính sách nào để phát huy hết trách nhiệm của các GS, PGS sau khi được bổ nhiệm?
Đây là vấn đề bất cập chung của công tác đánh giá cán bộ trong nhiều ngành, lĩnh vực, chứ không phải riêng lĩnh vực giáo duc đào tạo. Các quy định đánh giá cán bộ đều đang quan tâm nhiều đến các tiêu chí hình thức, định tính. Ít định lượng, ít quan tâm đến sản phẩm đầu ra, mà nếu có thì chuẩn mực rất thấp.
Cần phải có chính sách thích hợp để các GS, PGS tiếp tục giữ vững phong độ nghiên cứu, đóng góp đúng với năng lực của mình sau khi đã được bổ nhiệm. Việc đánh giá nên được tiến hành hàng năm, việc bổ nhiệm cũng có thể áp dụng theo nhiệm kỳ, nếu đạt mới được bổ nhiệm tiếp.
Bản thân tôi cũng muốn chia sẻ thêm một sự thật rằng với nền văn hoá có truyền thống khoa bảng của người Việt ta, việc bổ nhiệm các chức danh GS, PGS chưa thể tách rời vị trí việc làm riêng với sự vinh danh được đâu. Điều này còn nặng nề lắm. Đó cũng là động lực của sự cống hiến đấy. Vậy nên các GS, PGS nào đến lúc rời nhiệm sở mà vẫn hoàn thành chức trách của mình thì cũng xứng đáng được mang danh đến suốt đời.
Cảm ơn GS rất nhiều về sự chia sẻ, nhưng thật lòng cũng muốn hỏi, GS tự tin đến mức nào với các quan điểm trên cho quy định mới?
Dạo này, trên nhiều diễn đàn, các ý kiến tâm huyết đóng góp về vấn đề này rất nhiều. Tôi rất chia sẻ với các trao đổi của GS Vũ Hà Văn ở ĐH Yale (Hoa Kỳ) trên báo Vietnamnet vừa qua. Đó là những ý kiến chia sẻ rất khách quan, chừng mực. Thử nhìn lại xem, có phải các nhà quản lý bảo thủ, không ban hành kịp thời quy định không?
Chính phủ cũng muốn đổi mới nhanh lắm chứ, nhưng chính cộng đồng các nhà khoa học chúng ta không thống nhất được bộ tiêu chuẩn mới để tư vấn cho Bộ GD&ĐT. Mỗi người chúng ta đóng góp một góc độ, khó có một văn bản nào đáp ứng được sự đa dạng như vậy.
Các trao đổi theo cách như vậy còn dễ làm cho những người ngoài cuộc có sự hoài nghi và cho rằng các nhà khoa học chưa hiểu hết nội hàm và các chuẩn mực của hoạt động đào tạo và nghiên cứu, chưa hiểu hết quản trị đại học hoặc xa rời với thực trạng của đất nước nên chưa đồng thuận với nhau. Chúng ta nên có cách nhìn hội nhập, nhưng cũng phải quan tâm đến đặc điểm của các lĩnh vực khác nhau để có một chuẩn chung, cân đối hài hòa.
ĐHQGHN có những lúc cũng đã trải qua tình trạng ấy, nhưng chúng tôi đã xử lý được bài toán mục tiêu thống nhất trong sự đa dạng của các ngành, các lĩnh vực từ tự nhiên, đến công nghệ, y dược và khoa học xã hội nhân văn. Hiện nay, văn hóa công bố quốc tế đã được thiết lập trong tất cả các lĩnh vực; số lượng các đăng ký độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và các sản phẩm KHCN có khả năng khởi nghiệp ngày càng tăng.
Cuối cùng, tôi cũng muốn nói thêm rằng, đề xuất của tôi sẽ có tính khả thi cao nếu cùng với việc nâng chuẩn, Nhà nước cũng nâng suất đầu tư nghiên cứu cho các trường đại học.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Hồng Hạnh