Tiền tỷ "phơi sương", cô trò mầm non nơm nớp lo trường sập

(Dân trí) - Hơn 2 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng trường mới, nhưng chưa hoàn thành, trong khi hàng trăm học sinh vẫn phải học trong ngôi trường cũ xuống cấp trầm trọng, phụ huynh nơm nớp lo trường sập.

Trường mới bỏ hoang, học sinh học trong trường sắp sập

Thực trạng nêu trên là nỗi lo lắng của giáo viên cũng như hàng trăm bậc phụ huynh có con em đang theo học tại Trường mầm non xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa.

Được biết, Trường mầm non xã Hoằng Quang có tổng hơn 250 học sinh. Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên học sinh nhà trường đang phải học tại 3 cơ sở khác nhau. Điểm trường Quang Hiệp là khu trung tâm có 103 cháu học sinh đang theo học. Đây là điểm thừa kế lại trụ sở UBND xã Hoằng Quang cũ, tại đây, ngoài khu hiệu bộ còn có 3 phòng học.

Dãy nhà hành chính hiệu bộ được đầu tư tiền tỷ nhưng chưa sử dụng
Dãy nhà hành chính hiệu bộ được đầu tư tiền tỷ nhưng chưa sử dụng

Theo phản ánh của các giáo viên, phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là những ngày mưa gió, nước ngấm xuống phải dùng chậu hứng. Nhiều vị trí bị nứt, trần nhà bong tróc, sân nền cũng hư hỏng không an toàn cho học sinh vui chơi.

Không chỉ khu trung tâm xuống cấp mà tại khu Nguyệt Viên có 92 cháu học, đây là điểm trường được thừa hưởng cơ sở vật chất của Hợp tác xã nông nghiệp ngày trước hiện cũng đang xuống cấp. Khang trang hơn cả là khu Phù Quang được đầu tư xây dựng 2 phòng học từ năm 2003, điểm trường này hiện có 58 học sinh.

Một khu nhà khang trang nhưng lại bỏ trống
Một khu nhà khang trang nhưng lại bỏ trống

Tại khu trung tâm chỉ có 3 phòng học nhưng có 4 nhóm lớp theo học. Không đủ phòng học nên nhà trường chỉ còn biết tìm cách khắc phục và “sống chung với lũ”. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu nguồn kinh phí thì hàng năm, chính quyền địa phương cũng như nhà trường và các bậc phụ huynh phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để tu sửa cơ sở vật chất tại các điểm trường cũ.

“Chúng tôi phải đóng góp mỗi khẩu 50.000đ trong vòng 5 năm, nhưng con cháu phải học trong ngôi trường chưa biết sập lúc nào, như ngàn cân treo sợi tóc. Tôi sợ quá nên cho con đến điểm trường khác học”, một phụ huynh tâm sự.

Trong khi đó, trường cũ thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng
Trong khi đó, trường cũ thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng
Lại là nơi vui chơi, học tập của hàng trăm học sinh
Lại là nơi vui chơi, học tập của hàng trăm học sinh

Trước thực trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng, năm 2015, chính quyền địa phương có chủ trương đầu tư, xây dựng lại Trường mầm non. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng.

Trong năm 2015, một công ty đã hỗ trợ địa phương gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng khu nhà hành chính hiệu bộ nhà trường. Hiện tại, hạng mục này đã được hoàn thiện với một dãy nhà 2 tầng khang trang. Tuy nhiên, do các hạng mục khác chưa được xây dựng nên công trình nhà hành chính hiệu bộ chưa thể đưa vào sử dụng được. Khuôn viên xung quanh đang trở thành chỗ chăn thả trâu bò và nuôi vịt của người dân địa phương.

Khổ nhất là vào mùa mưa bão
Khổ nhất là vào mùa mưa bão

Trong khi đó, giáo viên, phụ huynh thì trong tâm trạng nơm nớp lo sợ cho sự an toàn của chính bản thân cũng như các cháu học sinh. Mới đây, UBND xã Hoằng Quang đã tổ chức mở thầu và dự kiến đến tháng 5 tới đây sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục còn lại gồm 14 phòng học và khuôn viên trường.

Cô Nguyễn Thị Đại - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hoằng Quang cho biết: “Nhà trường hiện đang phải dạy và học ở 3 nơi, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chật hẹp. Các công trình xuống cấp trầm trọng, nhất là vào những ngày mưa bão. Mặc dù đã được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh, tuy nhiên với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay rất khó khăn đối với nhà trường”.

Trần nhà bong tróc từng mảng
Trần nhà bong tróc từng mảng
Kho đồ dùng và đồ phục vụ việc dạy và học của nhà trường
Kho đồ dùng và đồ phục vụ việc dạy và học của nhà trường

Thực tế hiện nay, nhà trường còn thiếu 2 phòng học để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hầu hết các phòng học ở khu trung tâm đã xuống cấp, những ngày mưa nước ngấm xuống khiến cô và trò rất vất vả. Đó là chưa kể công trình “hết đát” luôn là nỗi lo thường trực đối với nhà trường, học sinh và các bậc phụ huynh.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Chí Hùng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang cho biết: “Xã cũng rất lo lắng, sợ nhất là vào mùa mưa bão. Đã có chương trình rất lâu rồi, nhưng đất đai thì không bán được. Đối với khu cũ thì hàng năm vẫn tu sửa. Nếu tổ chức vận động đóng góp của nhân dân thì dự kiến trong 5 năm cũng chỉ khoảng 3 tỷ đồng cũng không đâu vào đâu cả. Xã cũng đã làm văn bản báo cáo thành phố mấy lần rồi, nhưng thành phố về kiểm tra xong nói địa phương tự làm, thành phố không có tiền cho, chỉ hỗ trợ cơ chế thôi”.

Duy Tuyên