Tích góp từng con chữ cho trẻ tha phương

Lớp học tình thương dành cho các trẻ nhập cư đã được duy trì hơn một năm nay nhờ người dân cho mượn chỗ dạy.

Những đứa trẻ đến lớp trong bộ dạng nhem nhuốc, tóc tai bù xù. Có đứa còn mặc áo rách đi học.

Gián đoạn chuyện học hành

Lọt thỏm giữa khu đô thị mới An Phú, quận 2 (TP.HCM) là hơn 30 mái nhà lá của gần 100 người dân lao động nghèo từ miền Tây lên sinh sống. Lớp học tình thương mở ra là nơi để các em sinh hoạt, học tập và vui chơi đúng với tuổi thơ của mình.

Em Ngô Thanh Nhân (10 tuổi, quê An Giang) tham gia lớp học được hơn ba tháng. Em đang học lớp 3 ở quê thì nghỉ ngang để theo cha mẹ lên TP.HCM. Nhân học lại lớp 1 vì gần một năm bỏ học, em không còn nhớ rõ mặt chữ.

Cũng như Nhân, em Thương (tám tuổi, quê Cà Mau) nghỉ học theo cha mẹ lên TP. Thương còn phải trông hai đứa em nhỏ đang tuổi ẵm bồng trên tay nên em đến lớp không đều.

Bà Nguyễn Thị Bánh Em (70 tuổi), bà ngoại bé Thương, nghẹn ngào: “Cha mẹ tụi nó lên đây cũng được mấy năm rồi. Hồi đi học nó ngoan, thầy cô thương lắm. Lên đây, có cái lớp học vầy cho nó biết chữ tôi cũng mừng”.

Tất cả các em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn như nhau, em nào cũng phải vừa học vừa lo nấu cơm, quét dọn nhà cửa, trông em để phụ cha mẹ đang nặng gánh mưu sinh.

Sĩ số lớp học ngày càng ít đi vì nhiều em phải nghỉ học để theo cha mẹ chuyển sang làm ở các công trình khác. (Ảnh: Thanh Tuyền)
Sĩ số lớp học ngày càng ít đi vì nhiều em phải nghỉ học để theo cha mẹ chuyển sang làm ở các công trình khác. (Ảnh: Thanh Tuyền)

Lênh đênh theo công trình của cha mẹ

Bên cạnh lớp học tình thương ở xóm nhà trọ thì gần đó còn có một lớp học tình thương khác tương tự được các em đặt tên là “Vườn ổi” bởi lớp học này nằm trong vườn ổi.

Ban đầu, cả hai lớp học thu hút gần 40 em nhưng dần dà các em đến lớp ngày càng ít dần đi. Anh Trần Khánh Tây, Bí thư đoàn phường An Phú, cho biết rất vất vả để duy trì được lớp học bởi nhiều gia đình vì cuộc mưu sinh theo các công trình xây dựng, chuyển nơi ở liên tục buộc các em cũng phải đi theo. “Có rất nhiều em đang học rất tốt nhưng vì cha mẹ em đã làm xong công trình ở đây, phải chuyển đi nơi khác nên không thể tiếp tục học được. Hiện cả hai lớp chỉ còn gần 15 em thôi” - anh Tây nói.

Ngoài ra, có nhiều em vì hoàn cảnh gia đình nên không thể đến lớp được nữa. Mới đây nhất, ở lớp học “Vườn ổi” có em đã phải nghỉ học.

Không giấu được nỗi buồn khi chúng tôi đến thăm, em Nguyễn Hải Lam (chín tuổi) ở lớp “Vườn ổi” kể: “Bạn con nghỉ học rồi cô. Nhà bạn đó mắc nợ nhiều quá mà không có tiền trả, bị người ta tới đòi mãi, còn đòi đánh cả nhà bạn nữa nên cha mẹ bạn ấy chuyển đi. Trước khi đi bạn có nói với con là muốn ở lại học với tụi con lắm...”.

Trên địa bàn phường An Phú hiện có hai lớp học tình thương dành cho trẻ nhập cư ở hai địa điểm khác nhau. Sở dĩ phải chia thành hai là để đảm bảo an toàn cho các em vì đường đến lớp xa và nguy hiểm. Các lớp học ra đời dựa trên đề xuất của anh Trần Khánh Tây, Bí thư đoàn phường An Phú. Anh Tây đã đề xuất với phường cho xây dựng lớp học, nhờ phường hỗ trợ bàn ghế, tập vở, bút viết cho các em. Anh cũng chủ động kết nối với các nhóm sinh viên tình nguyện để nhờ các bạn đứng lớp giảng dạy.

___________________________

Biết phường muốn mở lớp học cho tụi nhỏ mà chưa có mặt bằng, tôi bảo cứ lấy cái chòi nhỏ ngay trước dãy trọ của tôi cho tụi nhỏ học đỡ. Vậy mà cũng được, tụi nó hăng say học lắm dù nhiều lúc có hơi ồn ào chút. Tụi nhỏ đi học mà có áo quần tươm tất gì đâu, có đứa còn dính cả bột than đầy mặt.

Ông Trần Văn Khánh, chủ dãy trọ nơi các em đang sinh sống

Chúng tôi đang cố gắng để mỗi em khi hoàn thành khóa học tại lớp học đều có giấy chứng nhận, tạo điều kiện cho các em được học tập tại các trường chính quy trên địa bàn TP.

Anh Trần Khánh Tây, Bí thư đoàn phường An Phú, quận 2

Theo Thanh Tuyền

Pháp luật TPHCM