Thú vị biểu đồ hình cột xuất hiện trong đề thi Văn
(Dân trí) - Nhìn biểu đồ hình cột xuất hiện trong đề thi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến môn Địa lý. Nhưng hình ảnh này lại nằm trong đề kiểm tra môn Ngữ văn của Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh).
Nhiều ngày qua, đề thi Văn học kỳ 1 lớp 11 (không chuyên) của Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành, Trà Vinh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Đề được xem là “có một không hai” khi xuất hiện biểu đồ hình cột trong câu 1 ở phần đọc hiểu.
Theo đó, biểu đồ thể hiện số lượng đầu sách tham khảo tại một số trường THPT ở cả ba khối từ năm 2013 đến 2016. Từ đó, đề đưa ra 4 câu hỏi yêu cầu học sinh như tìm khối nào chiếm tỷ lệ cao nhất trong 4 năm về việc mượn sách tham khảo; rồi đưa ra các nhận định để học sinh chọn đáp án đúng hoặc sai; viết nhận xét về việc mượn sách…
Và câu cuối dành cho học sinh bày tỏ có đồng tình với quan niệm của Lâm Ngữ Đường “Một người không có thói quen đọc sách bị giam hãm trong một thế giới chật hẹp về không gian và thời gian”.
Ban đầu, khá nhiều người cho rằng đề Văn đưa hình biểu đồ vào như trên là khá khiên cưỡng. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến phản bác, cho đây là phần đọc hiểu, thay vì đưa một đoạn nội dung trích dẫn thông thường thì người ra đề đã sáng tạo sử dụng biểu đồ. Cách thức này vẫn cung cấp đầy đủ nội dung thông tin, dữ liệu để học sinh làm bài. Đồng thời còn yêu cầu các em quan sát, xử lý dữ liệu mà đề thi thể hiện - đúng trọng tâm của phần đọc hiểu văn bản.
Ở phần làm văn của đề thi này, câu nghị luận xã hội cũng được đánh giá là thú vị khi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn bàn về chỉ số IQ qua câu nói: Chỉ số thông minh, hay IQ thường được cho là có liên quan đến sự thành công trong học tập, trong công việc.
Ghi nhận tại nhiều tỉnh thành khác, đề Văn học kỳ của các khối cũng đề cập đến nhiều vấn đề xã hội thời sự, các vấn đề đời sống gần gũi với học sinh.
Như đề Văn khối 12 ở Bắc Ninh nhắc đến hiện tượng “Soái ca” để học trò bày tỏ suy nghĩ về việc giới trẻ đang đi quá đà trong việc “thần tượng hóa” các hình mẫu; Đề Văn lớp 12 ở Lạng Sơn đưa câu chuyện từ thiện của MC Phan Anh vào phần đọc hiểu và từ đó đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn về Người tử tế.
Kỳ thi học kỳ của lớp 11 của TrườngTHPT chuyên Quốc học Huế đưa đoạn văn bản về “Dạy học trò yêu có trách nhiệm” vào đề. Phần nghị luận cũng hấp dẫn khi học trò viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng sử dụng tiếng Việt lệch chuẩn trong giới trẻ.
Đề lớp 12 của tỉnh Đồng Tháp cũng đề cập đến lời xin lỗi sai khi làm vỡ gương xe gây sốt trên mạng xã hội thời gian qua. Từ đó, yêu cầu học sinh rút ra bài học cũng như viết lên suy nghĩ của mình về ý kiến: “Đằng sau nét chữ viết vội nguệch ngoạc ấy là cả một bài học lớn về sự trung thực và lòng dũng cảm”
Trên các diễn đàn, nhiều học sinh bày tỏ sự thích thú với đề Văn đầy hơi thở thời sự, gắn liền với các vấn đề cuộc sống để các em có thể bày tỏ quan điểm sống đa chiều của mình, thoát khỏi những bài văn mẫu hay cách nhìn áp đặt, một chiều. Đây cũng là cách kéo các em đến gần môn Văn hơn chứ không còn xem Văn học là môn học xa vời, không thực tế.
Hoài Nam