Thí sinh chọn hướng đi nào trước thềm kỳ thi THPT quốc gia?

(Dân trí) - “Vài ngày nữa, gần một triệu học sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Khi cân nhắc để quyết định bước vào giai đoạn quan trọng nhất chuẩn bị hành trang thành người tự lập, học sinh và các bậc phụ huynh cũng cần cũng tính toán và xem xét kỹ lưỡng để chọn hướng đi phù hợp với nguyện vọng, năng lực, tư chất cá nhân và hoàn cảnh của mỗi gia đình”.

Xác định mục tiêu gần gũi nhất

Cùng với với kỳ thi THPT quốc gia là những nỗi lo lắng, băn khoăn của học sinh và gia đình trước quyết định khó khăn: tiếp theo thế nào? học tiếp hay đi làm? nếu học thì học gì? ở đâu? học xong có việc làm không? làm việc ở đâu?...

Đối với những học sinh có định hướng rõ ràng, ví dụ: học nghề cụ thể rồi đi làm (học lái xe để chạy grab, học may để vào xí nghiệp may,..); hoặc trong trường hợp đã có định hướng lâu dài, có sự đồng nhất giữa nguyện vọng, năng lực, thiên hướng, mục tiêu của học sinh phù hợp điều kiện gia đình, câu trả lời có vẻ rõ ràng.

Tuy nhiên, đối với đa phần học sinh và gia đình, đây là câu hỏi khó và rất khó.

Theo tôi, lúc này học sinh và phụ huynh nên xuất phát từ điều căn bản nhất: học để sau này có nghề nghiệp, có việc làm, có thể nuôi sống bản thân, gia đình, giúp đỡ cha mẹ và đóng góp cho xã hội.

Trước hết các em hãy đặt mục đích gần gũi và dễ hiểu nhất: nuôi sống bản thân và gia đình.

Ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc Chương trình Fast Track SE – Đại học FPT.
Ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc Chương trình Fast Track SE – Đại học FPT.

Rõ ràng các em nên bắt đầu từ việc tìm hiểu xem các tổ chức, doanh nghiệp - những nhà tuyển dụng tương lai, họ sẽ nhận lao động như thế nào và trả lương cho người lao động theo nguyên tắc ra sao. Nói cách khác, công việc và thu nhập của các bạn học sinh sau này phụ thuộc vào điều gì?

Trên cơ sở đó, học sinh và gia đình sẽ có định hướng rõ ràng hơn cho việc lựa chọn ngành học, trường học. Học sinh cũng biết rằng trong những năm tháng sắp tới, phải tích lũy được để sẵn sàng có việc bước ra đời, làm người tự lập.

Tam giác thành công

Những nghiên cứu của các trường đại học, các học giả và nhà doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam đã cùng đi đến câu trả lời rõ ràng cho công thức thành công của một người trong xã hội hiện đại, được tóm tắt trong mô hình nổi tiếng được gọi là "tam giác thành công" (the triangle of success) được mô tả trong hình dưới đây.


Mô hình tam giác thành công

Mô hình "tam giác thành công"

Mô hình "tam giác thành công" được hiểu có ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thành công của một người bao gồm: thái độ (attitude); kỹ năng (skills); kiến thức (knowledge). Tại sao những yếu tố đó lại quan trọng? và chúng quan trọng đến mức nào?

Thái độ: Đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất dù bạn làm việc gì. Thái độ tốt thể hiện qua: tư duy tích cực - cách nhìn nhận lạc quan về cuộc sống/con người/công việc hay các vấn đề xảy ra; tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, với bản thân, với gia đình và xã hội; tính kỷ luật; tính đúng hạn; tinh thần vượt khó; tinh thần hợp tác, tư duy phản biện,...

Dù bạn có tri thức và kỹ năng tốt đến mấy, nhưng sẽ không ai trả lương cho bạn nếu như người đó luôn tiêu cực, vô trách nhiệm với công việc được giao, thường xuyên không đúng hạn hay vô kỷ luật.

Kỹ năng: Là năng lực làm việc thực tế. Kỹ năng bao gồm hai nhóm cơ bản: các kỹ năng chuyên môn (hay kỹ năng nghề nghiệp) và kỹ năng mềm. Kỹ năng và kiến thức có liên quan và bổ sung lẫn nhau nhưng không phải là một.

Để có tri thức, bạn cần chịu khó học hỏi. Để có kỹ năng, bạn cần kiên trì tập luyện. Ví dụ: nhiều người có tri thức rất tốt về bóng đá, nhưng đa số họ không có kỹ năng của một cầu thủ bình thường. Đo đó để trở thành cầu thủ, bạn cần đổ mồ hôi tập luyện và thi đấu trên sân cỏ, không phải qua sách vở hay truyền hình.

Nhóm kỹ năng mềm bao gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề,….

Các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp sẽ được phát huy khi có sự bổ sung và hỗ trợ của các kỹ năng mềm trên đây.


Khi cân nhắc để quyết định bước vào giai đoạn quan trọng nhất chuẩn bị hành trang thành người tự lập, học sinh và các bậc phụ huynh cần tính toán và xem xét kỹ lưỡng để chọn hướng đi phù hợp. (Ảnh minh họa)

Khi cân nhắc để quyết định bước vào giai đoạn quan trọng nhất chuẩn bị hành trang thành người tự lập, học sinh và các bậc phụ huynh cần tính toán và xem xét kỹ lưỡng để chọn hướng đi phù hợp. (Ảnh minh họa)

Tri thức: Thường được thể hiện qua bằng cấp, nhưng không chỉ có bằng cấp. Bạn có thể có bằng cấp cao nhưng tri thức hạn hẹp trong một lĩnh vực nào đó hoặc ngược lại.

Bằng cấp do nhà trường cấp. Tri thức một phần được tích lũy ở nhà trường, phần quan trọng hơn do cuộc sống, khả năng tự học và trải nghiệm mang lại.

Trong thời đại mà các yêu cầu của nền kinh tế thay đổi rất nhanh, thời đại mà công nghệ đã và đang mang lại những cơ hội và các thách thức mới thì kiến thức được học trong nhà trường có thể nhanh chóng trở nên lạc hậu.

Do vậy, khả năng tự học sẽ là chìa khóa để con người có thể cập nhật kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu của công việc trong thời đại mới. Một số công việc đòi hỏi bằng cấp cụ thể. Trong trường hợp đó, nó là điều kiện cần nhưng không đảm bảo cho bạn cả về vị trí và thu nhập nếu như thái độ, kỹ năng và cả tri thức thật của bạn không đáp ứng yêu cầu.

Chọn hướng đi phù hợp

Tóm lại theo tôi, tam giác thành công: thái độ - kỹ năng - tri thức, sẽ quyết định 5 vị trí và kết quả công việc mà các bạn học sinh/sinh viên sẽ làm trong tương lai.

Hiệu quả làm việc, cùng với đó là lương, thu nhập, cuộc sống của mỗi người nói chung phụ thuộc vào đó.

Vì thế khi cân nhắc để quyết định bước vào giai đoạn quan trọng nhất chuẩn bị hành trang thành người tự lập, học sinh và các bậc phụ huynh cũng cần cũng tính toán và xem xét kỹ lưỡng để chọn hướng đi phù hợp với nguyện vọng, năng lực, tư chất cá nhân và hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Khúc Trung Kiên

(Giám đốc Chương trình Fast Track SE - Đại học FPT)