Thi cử xong, học sinh phải đến trường để... chơi?
(Dân trí) - Kì thi cuối năm học ở các trường hầu như đã hoàn thiện từ giữa tháng 5. Cập nhật điểm số của các cháu trên phần mềm liên kết thì đã hoàn thiện điểm tổng kết, xếp loại, danh hiệu từ lâu. Vậy nhưng sau khi thi cử xong xuôi, học sinh vẫn phải đến trường theo thời khóa biểu từ một đến hai tuần. Trong khoảng thời gian ấy, học sinh sẽ làm gì?
Theo chương trình năm học, một số môn học đã hoàn thành, chỉ còn tiết trả bài. Riêng một số môn vẫn còn tiết chương trình địa phương. Tuy nhiên việc thực hiện chương trình lên lớp sau khi thi xong ở các trường chắc chắn không đảm bảo chất lượng và nề nếp như thường lệ. Bởi lí do đơn giản là học sinh và giáo viên mang tâm lí thoải mái hơn.
Ngoại trừ các lớp cuối cấp trung học cơ sở ở thành phố ôn luyện chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đầu cấp và các sĩ tử khối lớp 12 đang “chạy nước rút” cho kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, còn lại hầu như các khối lớp khác chỉ dạy cho có lệ, dạy đối phó nếu trường vốn có nề nếp dạy học nghiêm túc. Và không thể phủ nhận một số trường rơi vào cảnh “xả trường”, “xả lớp”. Thầy cô mải mê làm điểm, thống kê, báo cáo, cập nhật hồ sơ sổ sách, có giáo viên lên lớp, có giáo viên thả lỏng lớp… Sự quản lí học sinh lỏng lẻo sẽ dẫn đến không ít hệ lụy.
Mỗi sáng đi học, rất nhiều học sinh mang tâm lí uể oải, thở dài vì hôm nay tiếp tục đến trường, ngồi trong lớp, tự do chơi nhưng chơi mải cũng chán. Còn không đến trường thì lại lo bị đánh vắng và bị nhắc nhở. Thế là buộc phải đến trường, phải lê la suốt buổi suốt tuần như thế. Quả là một “cực hình” cho học sinh và cả giáo viên khi làm nhiệm vụ giữ lớp, giữ học sinh.
Đó là chưa đề cập đến những học sinh cá tính và cá biệt. Khoảng thời gian bốn tiếng mỗi buổi đó đâu thể giữ chân được các cháu ngồi yên trong lớp học? Học sinh tiểu học rất hiếu động. Chơi đùa, chạy nhảy, đuổi bắt… Lấm lem là một việc, chỉ lo các cháu nghịch dại để xảy ra điều gì đáng tiếc.
Học sinh trung học lại có kiểu nghịch riêng. Hầu như năm nào cũng vậy, giai đoạn này là thời điểm cơ sở vật chất của nhà trường bị tác động hư hỏng nhiều nhất. Bàn, ghế, tường, bảng có thể bị bôi bẩn và hỏng chân, sứt cạnh. Tình trạng xả rác bừa bãi cũng tăng lên đáng kể. Mấy quyển tập sách, tập vở đã “hết công dụng” bị đem ra xé vụn, rải khắp nơi. Sự ràng buộc về đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh hầu như không còn tác dụng răn đe nhiều, bởi các em đều biết mọi thứ đã hoàn thành.
Lo ngại lớn nhất vẫn là tình trạng học sinh bỏ học, trốn học, chuồn học. Sự dễ dãi, thoải mái và lỏng lẻo trong nội qui, nề nếp đều có thể bị các cháu lợi dụng để rủ rê nhau đi chơi. Sa đà vào các quán game cũng có, tụ tập hội hè cũng có. Đáng lo nhất là việc mất an toàn giao thông và tình trạng đuối nước trong mùa hè.
Ở quê tôi đang vào vụ mùa thu hoạch lúa. Các gia đình thuần nông rất cần sự giúp đỡ của con cháu trong nhà, từ việc nhỏ như chuẩn bị cơm nước đến việc lớn như bó lúa, ôm lúa, phơi lúa. Những học sinh ngoan ngoãn muốn phụ giúp bố mẹ vụ mùa thì không dám nghỉ học. Những học sinh lười biếng lại lợi dụng chuyện đến trường để tránh né việc nhà. Bố mẹ ở nhà vẫn đinh ninh con cái đến lớp để học, đâu biết một số em đã trốn việc nhà, trốn học đi chơi.
Thiết nghĩ mọi hoạt động trường lớp trong giai đoạn thi cử xong xuôi cần được tổ chức triển khai có hiệu quả, thiết thực. Nếu tổ chức lên lớp cần tiến hành dạy ôn tập cho học sinh. Hoặc là tổ chức thật sinh động các hoạt động ngoài giờ lên lớp, chuyên đề, ngoại khóa về các vấn đề cần thiết như luật giao thông, bạo lực học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm… để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Và nên chăng, cần thay đổi lịch thi học kì tương thích với lịch học để không còn tình trạng kéo dài việc đến trường sau thi cử?
Thùy Mai