Thấy gì từ việc giáo viên dạy thêm bị “xử lý”?

(Dân trí) - Việc một giáo viên tiểu học ở TPHCM bị “xử lý” vì vi phạm dạy thêm (khi tổ chức dạy thêm mà chưa xin phép, chưa được sự đồng ý của hiệu trưởng) cho thấy sự quyết tâm chặn tiêu cực dạy thêm, học thêm của thành phố. Vậy nhưng, nhiều ý kiến cho rằng sự việc làm tổn thương lòng tự trọng nhà giáo.

Cô Đ.N. - giáo dạy viên tiếng Anh, Trường tiểu học Bành Văn Trân, quận Tân Bình, TPHCM tổ chức dạy thêm sai quy định cho học sinh không bị kỷ luật như thông tin ban đầu. Nhà trường chỉ tiến hành nhắc nhở, phê bình và không xét thi đua năm học 2016-2017 đối với cô N. chứ không áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào.

Được biết, cô N. tổ chức luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers cho hai nhóm học sinh lớp 4 và lớp 5 chủ yếu là học sinh của trường tại một địa điểm thuê (ở trường cô N. dạy lớp 1). Mỗi tuần các em học hai buổi với học phí là 500.000 đồng/tháng. Khi việc dạy thêm của cô N. bị phụ huynh phản ánh, cô N. phải viết bản tường trình với nhà trường về sự việc và chấm dứt việc dạy thêm này.

Một lớp dạy thêm tại nhà cho học sinh tiểu học ở TPHCM (Ảnh: Hoài Nam)
Một lớp dạy thêm tại nhà cho học sinh tiểu học ở TPHCM (Ảnh: Hoài Nam)

Quanh câu chuyện này, không ít người, đặc biệt là đội ngũ giáo viên cho rằng nhà giáo đang bị xúc phạm. Họ làm thêm bằng chính năng lực của mình nhưng lại bị tố cáo, phán xét rồi phải giải trình này nọ như tội phạm sẽ làm người thầy tổn thương, đau đớn vô cùng.

Đối với trường hợp cô N., lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM thừa nhận cô không vi phạm quy định dạy thêm những HS mà mình đang dạy chính khoa. Cô cũng chỉ dạy chương trình tiếng Anh Cambridge cấp độ Movers, Flyers chứ không phải dạy theo chương trình chính khóa là tiếng Anh theo đề án của Bộ GD-ĐT. Việc dạy học này hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện cho con theo học.

Tuy nhiên, cô N. đã vi phạm Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT khi tổ chức dạy thêm mà chưa xin phép, chưa được sự đồng ý của hiệu trưởng - người trực tiếp quản lý mình.

Có thể việc dạy thêm của cô N. và nhiều giáo viên khác xét trên cơ sở nhu cầu tự nguyện là không sai, không có tiêu cực. Nhưng trong khuôn khổ quy định của ngành thì người dạy đã không chấp hành đúng. Giáo viên là người hiểu rõ điều này hơn bất kỳ ai. Chính mình lại đẩy mình vào tình cảnh này, cớ sao phải tổn thương?

Thật khó hiểu khi ngành đang “gõ chuông” ầm ầm về vấn đề dạy thêm, học thêm, nhà trường cũng liên tục phổ biến mà có những giáo viên vẫn “làm liều”. Rồi khi bị tố cáo, nhà trường phải vào cuộc “xử lý” thì giáo viên và cả nhiều người trong nghề lại than oán cho rằng mình là nạn nhân.

TPHCM không cấm giáo viên dạy thêm, chỉ cấm và sẽ kỷ luật giáo viên dạy thêm sai quy định. Bên cạnh làm đúng lương tâm, tâm huyết, người thầy còn phải đúng quy định.

Nói như ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục THPT, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, cấm dạy thêm, học thêm trong trường học là một chủ trương chung của thành phố. Dù chủ trương này kéo theo rất nhiều khó khăn thì trước hết, về phía giáo viên cần thực hiện nghiêm túc quy định.

Không chỉ là sự gương mẫu mà còn là sự tôn trọng pháp luật!

Phải nói, chủ trương và các chỉ đạo liên quan đến vấn đề về dạy thêm, học thêm tại TPHCM đang rất nhạy cảm. Trong hoàn cảnh này, giáo viên càng cần phải tự bảo vệ mình. Còn khi vi phạm quy định thì phải chấp nhận việc bị xử lý.

Không thể cứ bất chấp rồi than thở lòng tự trọng bị tổn thương, bị xúc phạm thì e rằng, rất khó nhận được sự sẻ chia.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm