Tân giám đốc Facebook Việt Nam: Chuyến đi hát cùng Michael Jackson thay đổi cuộc đời tôi
(Dân trí) - Ngày 13/5, chia sẻ với hơn 1.000 sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, bà Lê Diệp Kiều Trang, tân giám đốc Facebook Việt Nam cho biết chuyến đi sang Thái Lan lúc 13 tuổi để hát cùng Michael Jackson đã làm bà thay đổi và đạt được thành công như hiện nay.
Bà Lê Diệp Kiều Trang cùng ca sĩ Hà Anh Tuấn và ông Phạm Phú Ngọc Trai, người sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) là những diễn giả chính trong buổi tọa đàm "Khát vọng tương lai" do ĐH Quốc gia TPHCM vào ngày 13/5.
Xin trích đăng phần chia sẻ của bà Lê Diệp Kiều Trang tại tọa đàm.
Uớc mơ đầu tiên nào mang lại sự thành công hiện tại?
Bà Lê Diệp Kiều Trang: “Cuộc đời của mình có từng giai đoạn và ở mỗi giai đoạn đó tầm nhìn mở ra thì khát khao của mình sẽ có thay đổi. Khát khao lớn và đầu tiên của tôi là vào năm 1993 khi tôi được đi hát cùng Michael Jackson tại Thái Lan. Đối với nhiều bạn, chuyến đi ấy có thể chỉ là một cuộc dạo chơi khi được đi hát với một ca sĩ nổi tiếng nhưng đối với bản thân tôi khi nhìn lại thì chuyến đi ấy đã thay đổi tôi rất nhiều.
Đó là lần đầu tiên tôi được đi ra nước ngoài khi còn là đứa bé 13 tuổi và ấn tượng lớn nhất là khi đến phi trường Thái Lan, xe đẩy hành lý đầy nhà ga, xe đẩy ở phi trường Tân Sơn Nhất lúc này ít vô cùng. Khi đến Bangkok, đường sá kẹt xe và nhà cao tầng khắp nơi. Cả một tháng sau khi về, nằm mơ tôi còn thấy mình ở bên đó. Nhưng kể từ đó tôi có một thôi thúc rất rõ là muốn ra nước ngoài, đi du học. Tôi nhận ra rằng bên ngoài Việt Nam là thế giới rất khác, hiện đại, có rất nhiều cơ hội.
Nếu không có chuyến đi đó, tôi thì chắc tôi không nghĩ quyết liệt đến như vậy để tìm học bổng du học. May mắn là 5 năm sau đó tôi tìm được học bổng đi du học. Nhưng nếu không có sự tiếp xúc sớm trong cuộc đời như chuyến đi này, dù cũng muốn đi du học nhưng tôi sẽ không nghĩ nó quan trọng, không nghĩ nó sẽ mở ra cho tôi được nhiều cánh cửa".
Với những gì thành công mà tôi có được, không hẳn vì tôi giỏi mà vì tôi được cơ hội được tiếp xúc với bên ngoài, cứ hết cách cửa này mở thì đến cánh cửa kia để rồi cho mình cái tầm nhìn để sau đó cố gắng.
Một sinh viên đặt vấn đề rằng có khác biệt giữa việc làm thuê và làm chủ? Vì sao con đường khởi nghiệp không bằng phẳng sao lại được bà lựa chọn?
Bà Lê Diệp Kiều Trang: Làm thuê hay làm chủ thì không quan trọng mà chính là làm sao mỗi ngày mình lại trưởng thành hơn và làm được nhiều điều hơn. Còn môi trường làm thuê hay làm chủ, điều đó chỉ liên quan đến sự tự ái của mình thôi.
Theo tôi, các bạn trẻ mới ra trường nên đặt ngược lại câu hỏi cho mình rằng “bản chất của khởi nghiệp là như thế nào? Khi vào mình nên làm thuê và khi nào mình khởi nghiệp?”. Câu hỏi rất quan trọng là bạn nghĩ bạn giỏi gì và yêu thích gì để chọn con đường dễ đi nhất. Nếu chỉ yêu thích mà không giỏi thì cũng khó. Nếu giỏi mà không yêu thích thì đi chừng 4-5 năm, sẽ đi đến giai đoạn “khủng hoảng giữa chừng” vì không đủ lòng yêu quý công việc mình đi tới cùng". Vậy thì đầu tiên phải chọn cái mình yêu thích và phải giỏi nhưng phải giữ cho mình đầu óc cởi mở, “cứ nhúng tay vào mới biết mình giỏi và thích hay không và các bạn cũng đừng sợ đi lại”.
Giữa khởi nghiệp và đi làm thì có nhiều điểm tương đồng, đó là mình phải làm giỏi nhất cái mà mình đang làm. Tuy nhiên, có một vài phần trăm người phù hợp khởi nghiệp và nên theo khởi nghiệp. Đó là những người có một ý tưởng mà tin rằng có thể thay đổi được thị trường, chủ động để đẩy ý tưởng đi thật nhanh. Còn lại, hầu hết mọi người chưa có ý tưởng như vậy thì đừng nên chạy theo khởi nghiệp với lòng mong mỏi là làm giàu. Tôi biết rất nhiều bạn khởi nghiệp muốn làm giàu nhưng như vậy không đủ để khởi nghiệp vì phần trăm thất bại rất lớn. Nếu mục tiêu làm giàu thì có nhiều con đường chắc chắn hơn và nhiều khi phù hợp hơn. Thêm vào đó, ý tưởng sẽ khó thành công, doanh nghiệp sẽ chỉ trung bình hoặc thất bại. Làm khởi nghiệp phải bắt đầu từ suy nghĩ là mình có khả năng nào đó để thay đổi thị trường.
Trong thời gian đi du học ở nước ngoài, yếu tố nào thay đổi tầm nhìn cuộc đời mình?
Bà Lê Diệp Kiều Trang: Để xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong giai đoạn sinh viên, cái hay nhất và quan trọng nhất là đặt câu hỏi hay, đừng vội tìm câu trả lời. Vì các bạn chưa có đủ thông tin trả lời. Đặt câu hỏi hay các bạn mới tập trung điều quan trọng nhất với chính mình. Nó giúp mình luôn luôn không hài lòng với câu trả lời, tìm thông tin để câu trả lời càng đúng. Thêm nữa ở đại học, các bạn còn mới mẻ, chọn ngành nhưng chưa biết nhiều về ngành đó. Vậy nên đặt kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn lúc này vẫn còn mông lung. Điều quan trọng là làm sao trong lòng vẫn thôi thúc là mình sống có ý nghĩa. Đừng dừng lại ở câu trả lời nào đó quá sớm mà tìm tòi, trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh cãi với nhiều người khác nhau.
Điều các bạn chưa có không phải là sự thông minh mà là sự trải nghiệm. Các bạn có thể có trải nghiệm sớm bằng cách hỏi, nghe câu chuyện người khác, sống kinh nghiệm người khác… Càng nhiều sự khôn ngoan như vậy sẽ giúp các bạn có những quyết định khôn ngoan sớm hơn trong cuộc sống. Điều đó cũng không có nghĩa các bạn không có thất bại nhưng sự thất bại đó quý hơn thành công vì giúp mình định hình những mảng nào học hỏi, mảng nào không muốn đụng vào. Sau này các bạn sẽ đi nhanh hơn. Còn nếu thành công sớm cũng là điều may mắn, nhưng chưa chắc may mắn bằng những người thất bại sớm.
Bà Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980, đạt thành tích rất cao trong học tập, thủ khoa từ trường Lê Hồng Phong cho đến các đại học danh tiếng của Anh và Mỹ như Oxford và MIT. Trước đó, bà cùng chồng là ông Sonny Vu (Vũ Xuân Sơn) đã sáng lập ra thương hiệu Misfit Wearables khá tiếng tăm tại Mỹ.
Tháng 3/2018, Facebook vừa xác nhận thông tin bà Lê Diệp Kiều Trang gia nhập mạng xã hội này và đảm nhận vị trí Giám đốc Facebook Vietnam và sẽ làm việc tại trụ sở Facebook ở Singapore.
Lê Phương