Ý kiến bạn đọc:
Sinh viên được cầu hôn trong lễ trao bằng tốt nghiệp: Cần ý nhị hơn!
(Dân trí) - Nửa năm trước, một nghệ sĩ đã cướp sóng truyền hình trực tiếp để cầu hôn và gần đây, tại Đại học Vinh, một cán bộ đoàn đã tranh thủ cầu hôn sinh viên ngay lúc trao bằng tốt nghiệp, tôi thấy, rất không phù hợp, như kẻ phá đám và để lại hiệu ứng xấu.
Hành vi lệch chuẩn, thiếu tôn trọng người khác
Việc tận dụng đám đông để làm việc cá nhân đang được giới trẻ áp dụng phổ biến. Từ những bạn học sinh, sinh viên đến cả những người nổi tiếng.
Sự việc tại Đại học Vinh gần đây, anh Nguyễn Thái Dũng, phó bí thư Đoàn trường ĐH Vinh đã tranh thủ cầu hôn sinh viên ngay lúc trao bằng tốt nghiệp. Cùng với các hành động trên là rất nhiều sự cổ vũ của các bạn trẻ. Tôi thấy những hành vi này là không thể chấp nhận được.
Buổi lễ trao bằng tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng, nghiêm túc của cả một tập thể. Lấy bối cảnh sự kiện như vậy để thỏa mãn mục đích cá nhân là hành vi tùy tiện, không tôn trọng người khác, nhất là trong môi trường giáo dục.
Là cán bộ Đoàn trường, anh Dũng cần nhận thức được các chuẩn mực giao tiếp nơi công cộng, tôn trọng tập thể. Việc làm này chắc chắn sẽ khiến chương trình bị gián đoạn và hẳn là những người nghiêm túc sẽ cảm thấy khó chịu.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các em học sinh, sinh viên cũng “noi gương” thầy, thoải mái tỏ tình nơi lớp học, giảng đường, xen vào giữa các sự kiện long trọng?
Xã hội hiện nay có rất nhiều hành vi lệch chuẩn, đáng tiếc là một bộ phận lại cổ súy cho những hành động đó, là giáo viên, thầy càng phải nhận thức được để có suy nghĩ chín hơn trước khi hành động.
Tôi cho rằng, chuyện riêng tư hãy để đúng chất riêng tư, cũng là cách tôn trọng bạn gái của mình.
Hậu quả của việc định vị sai bản thân
Rõ ràng, trong mọi hoàn cảnh cần xác định được mình là ai? Mình đang ở đâu? Đang làm gì? Ảnh hưởng gì đến xung quanh? Trong trường hợp này, anh cán bộ đoàn của Trường ĐH Vinh có chuẩn bị trước và đáng tiếc, anh ấy đã xác định sai vị trí của mình. Anh ấy muốn mình là trung tâm, muốn cả thế giới biết câu chuyện tình yêu của mình.
Câu chuyện của cán bộ này đặt trong bối cảnh buổi lễ trao bằng tốt nghiệp đang diễn ra rất không phù hợp, như kẻ phá đám và để lại hiệu ứng xấu.
Trong câu chuyện nghệ sĩ cướp sóng trực tiếp để tỏ tình, anh đã nhận được rất nhiều chỉ trích từ xã hội, đặc biệt là giới nghệ sĩ trong khi các fan hâm mộ anh lại đứng ra bảo vệ đến cùng. Thật mừng là cuối cùng anh cũng lên tiếng xin lỗi.
Nhìn rộng ra, trong giới trẻ hiện nay, được sự cổ súy không lành mạnh từ mạng xã hội, một số người ảo tưởng về bản thân, có nhiều hành động thể hiện mình trước đám đông nhưng thiếu lịch sự, sai quy tắc, vô kỉ luật, biến mình thành trò lố mà không hay.
Cần ý nhị hơn
Theo thông tin từ lãnh đạo trường Đại học Vinh, sự việc trên là bộc phát, không nằm trong chương trình buổi lễ. Như thế là nhà trường, là ban tổ chức đã bị đặt vào thế bị động hoàn toàn và phải gượng ép chấp nhận.
Việc tạo bất ngờ theo cách này có thể hiểu là việc lừa dối đám đông. Đặt đám đông vào thế: sự đã rồi. Coi đám đông như khán giả, ép họ phải chứng kiến, cổ vũ cho hành động cá nhân của mình. Điều này không thể chấp nhận được.
Chuyện tình yêu đường nhiên là rất lãng mạn, màn tỏ tình nào mà người trong cuộc chẳng muốn nó ngọt ngày, thi vị, chạm đến trái tim người đối diện.
Tuy nhiên, khi tỏ tình hay cầu hôn, chúng ta cần cân nhắc kĩ, cần tinh tế, ý nhị hơn nếu đó là nơi công cộng để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh, những sự kiện đang diễn ra.
Trong câu chuyện trên, thay vì sự lãng mạn vốn có, chỉ một phút thiếu chín chắn mà thầy đã biến màn cầu hôn của mình trở nên đáng trách và nhận nhiều “gạch đá” từ xã hội, thầy chắc cũng không vui vẻ gì khi nghĩ về màn cầu hôn như thế.
Xét cho cùng, chuyện cá nhân hãy để cho nó kín đáo như bản chất của nó vì không phải ai cũng có nhu cầu tìm hiểu và chứng kiến câu chuyện riêng tư ấy.
Trần Mạnh Tùng
(Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)