Quảng Trị: Lo ngại tình trạng học sinh bỏ học

(Dân trí) - Số liệu mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho thấy, có 366 học sinh nghỉ học trong học kỳ I, năm học 2016-2017. Dù số lượng học sinh bỏ học, nghỉ học tạm thời được đánh giá là giảm nhiều so với năm học 2015-2016, nhưng đây vẫn là con số đáng lo ngại.

Theo báo cáo, toàn tỉnh trong học kỳ 1 năm học 2016- 2017 có 366 em bỏ học (năm ngoái là 539 học sinh). Trong đó, cấp Tiểu học có 18 học sinh (tỷ lệ 0,03%), giảm so với cùng kỳ năm ngoái 0,01%; cấp THCS có 118 học sinh (tỷ lệ 0,28%), giảm 0,21%; cấp THPT có 189 học sinh bỏ học (tỷ lệ 0,82%), giảm 0,46%; khối bổ túc THPT giảm 41 học viên (tỷ lệ 5,79%).

Trong dịp tết Đinh Dậu năm 2017, tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh Quảng Trị có 89 em nghỉ học (giảm 5 em so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, nhiều nhất thuộc về khối THPT với 53 em.

Theo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học là do một số gia đình kinh tế khó khăn, buông lỏng công tác quản lý, giáo dục con em, nhất là đối với con em là học sinh lêu lỏng, cá biệt và học sinh có sức học yếu.

Học sinh nghỉ học vẫn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là khu vực miền núi
Học sinh nghỉ học vẫn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là khu vực miền núi

Bên cạnh đó, việc nghỉ học của học sinh còn do ảnh hưởng một số hủ tục, tập quán lạc hậu ở một số vùng dân tộc thiểu số như học sinh bỏ học để lập gia đình, hoặc do có bạn bè, người thân đi làm ăn xa về Tết rủ rê, lôi kéo bỏ học để đi kiếm tiền. Cá biệt là có học sinh bỏ học do nhà ở xa trường đi lại khó khăn.

Trước thực trạng học sinh bỏ học còn chiếm tỷ lệ cao, ngay từ đầu năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác duy trì số lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học. Các phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND cấp huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, Hội đồng giáo dục xã, tuyên truyền vận động, huy động học sinh đi học.

Về phía nhà trường, đã thực hiện phân công giáo viên bộ môn kèm cặp, giúp đỡ, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém. Bám địa bàn, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh nghèo vượt qua khó khăn để được đến trường. Đồng thời tuyên truyền vận động học sinh bỏ học trở lại lớp.

Đ. Đức