Phụ huynh ít có thời gian và kiến thức để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng
(Dân trí) - Trên không gian mạng internet, trẻ dễ gặp những rủi ro, nguy hiểm khi bị kẻ xấu lôi kéo làm những việc không an toàn, trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, nhắn tin tình dục, mồi chài gạ gẫm…
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo “Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam (ChildFund) và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững hợp tác tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội.
Hơn 50% trẻ em tiếp xúc với nội dung bạo lực, khiêu dâm trên mạng
Tháng 6/2017, Việt Nam có 64.000.000 triệu người (67,1% dân số) sử dụng Internet, xếp 12/201 quốc gia và 64 triệu tài khoản Facebook, trong đó có tỷ lệ lớn trẻ em và thanh thiếu niên.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn lại số liệu từ Khảo sát Những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Bộ LĐTB&XH năm 2014: Khoảng 36,4% trẻ em có những trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực; 13,2% trẻ buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm; 15,7% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng; 2% trẻ nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin/hình ảnh không mong muốn.
Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ trên mạng internet.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em: “Cùng với các quyền của trẻ em ngày càng được tôn trọng và cam kết thực hiện, thế giới ngày nay vẫn và sẽ còn những nguy cơ xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại trên môi trường mạng. Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là môi trường để trách nhiệm và mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới truyền thông được thực hiện rõ rệt và cụ thể hơn nữa".
Ông cũng nhấn mạnh: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ngoài những thách thức khi các quy định pháp lý còn thiếu, chưa đồng bộ, năng lực quản lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn hạn chế thì khó khăn quan trọng cũng đến từ phụ huynh. Phụ huynh có ít thời gian và kiến thức để hỗ trợ hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an tòan, nhà trường chưa trang bị kiến thức tự bảo vệ trong môi trường mạng cho học sinh…
Làm thế nào để đồng hành cùng con trên môi trường mạng?
Theo ông Nguyễn Huy Dũng (Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), phụ huynh nên dành thời gian và có kiến thức để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Những giải pháp bố mẹ có thể làm trước tiên gồm: Để các thiết bị truy cập Internet ở vị trí có thể quản lý được (ví dụ: chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối mạng ở phòng ngủ của cha mẹ, để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái); Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hành và trình duyệt web trên Windows 10; Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em…
Giải pháp tiếp theo là cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em. Một số gợi ý tham khảo như Qustodio (công cụ quản lý máy tính), KidLogger (công cụ nắm bắt hoạt động của trẻ trên mạng), Zoodles (trình duyệt web an toàn cho trẻ).
“Và quan trọng hơn cả, bố mẹ cần đồng hành cùng trẻ thường xuyên tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng, giáo dục con kỹ năng công dân số để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mục đích giúp trẻ nhận biết được rủi ro trên môi trường mạng, các biện pháp phòng ngừa. Điều này phụ thuộc vào trình độ sử dụng công nghệ…”, ông Dũng lưu ý.
Em Ngô Hoàng Thùy Linh, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đại diện trẻ em tham gia hội thảo chia sẻ: “Theo em, ngày nay mạng xã hội có lợi ích nhiều - chỉ một cú click chuột có thể làm nhiều điều mình muốn. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những hệ lụy khi những nút like, share có thể khiến lan truyền những thông tin, hình ảnh cá nhân. Thậm chí, có những trò chơi như cá voi xanh trên mạng internet đã dẫn dắt trẻ vị thành niên đến đích cuối cùng là cái chết…
Theo em, người lớn cũng cần phải trang bị kiến thức cho bản thân mình để chỉ dẫn cho trẻ. Phụ huynh cũng cần hiểu trẻ cần gì, không nên có phản ứng thái quá dẫn đến sự phản kháng không mong muốn khi con cái thấy quyền riêng tư cá nhân không được tôn trọng. Em nghĩ, người lớn tích cực lắng nghe và cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ em, cố gắng bảo vệ chúng em bằng cách thay đổi nhận thức cho con trẻ thay vì cố gắng kiểm soát, cấm đoán.
Em tin tưởng rằng, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự nỗ lực trước tiên của các bậc phụ huynh sẽ giúp chúng em rất nhiều để trưởng thành, phát triển toàn diện thành các công dân số thông minh, biết tận dụng những lợi ích mà công nghệ mang lại và tự bảo vệ mình, hoặc biết tìm kiếm sự trợ giúp từ mạng lưới quốc gia khi cần thiết”.
Mạng lưới hợp tác đa cấp, đa bên
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em, ông Michael Gray - Giám đốc chương trình qũy Sec Dev từ Canada nói: “Việc kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là hoạt động rất thức thời và hợp xu hướng từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong thời đại công nghệ số phát triển rộng rãi và len lỏi tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, chỉ có cách tiếp cận phối hợp đa bên, đa ngành là phương thức tối ưu để có thể bao phủ giải quyết nhiều vấn đề một lúc liên quan đến bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, can thiệp, tới hỗ trợ".
“Nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - xây dựng mạng lưới chung bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần sự hợp tác đa bên: Cơ quan quản lý nhà nước (Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Đoàn Thanh niên…), truyền thông báo chí, các tổ chức phi chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ (dịch vụ mạng, dịch vụ số, trò chơi trực tuyến), nhà trường và trước tiên là gia đình trẻ em”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Lệ Thu