Bạn đọc viết:
Cô giáo “hiến kế” bảo vệ học trò trước rủi ro của mạng xã hội
(Dân trí) - Trước sức hút khó cưỡng của mạng xã hội, rất khó để người lớn cấm đoán, dùng biện pháp mạnh ngăn cách trẻ với thế giới ảo. Thay vì cấm đoán, tôi nghĩ tốt hơn hết là chúng ta tìm cách “chung sống hòa bình” với mạng xã hội.
Theo dõi loạt bài viết trên báo Dân trí về tác động của Facebook đối với con trẻ, tôi rất đồng tình với đa số các ý kiến. Trong thế giới phẳng này thì không chỉ Facebook mà Zalo, Instagram, Twitter,… đều trở thành một phần cuộc sống của giới trẻ.
Trước sức hút khó cưỡng của mạng xã hội, rất khó để người lớn cấm đoán, dùng biện pháp mạnh ngăn cách trẻ với thế giới ảo. Bằng cách này hay cách khác, các bạn trẻ vẫn có thể đến với mạng xã hội một cách công khai hoặc lén lút. Vì vậy, thay vì cấm đoán, tôi nghĩ tốt hơn hết là chúng ta tìm cách “chung sống hòa bình” với mạng xã hội. Thay vì cấm đoán, hãy dạy trẻ sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.
Bên cạnh vai trò của phụ huynh trong việc định hướng cho con cách dùng mạng xã hội, nhà trường và giáo viên cũng phải vào cuộc bảo vệ trò trước những rủi ro của mạng xã hội.
Tính kết nối cộng đồng của mạng xã hội cần được nhà trường khai thác tối đa bằng cách biến nó thành một sân chơi lành mạnh. Những thông tin cập nhật được chọn lọc kỹ càng, sự giao lưu trực tuyến giữa thầy trò, diễn đàn về các chủ đề học tập, kỹ năng sống sẽ trở nên sinh động hơn, dễ dàng thực hiện hơn rất nhiều khi có mạng xã hội.
Học sinh dùng mạng xã hội nhưng đa phần các em còn rất mơ hồ về cách ứng xử trên mạng xã hội. Một số trường học đã tổ chức các chuyên đề hết sức thiết thực về văn hóa mạng xã hội hoặc là đưa ra những quy định nghiêm ngặt về những điều cấm kỵ khi dùng facebook. Tuy nhiên, những hoạt động ấy chưa được phổ biến rộng khắp.
Hiện nay, nhiều trường đều có hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Cần xây dựng, thiết kế các hoạt động thiết thực, các buổi tọa đàm hữu ích trao đổi thẳng thắn với học sinh về mạng xã hội, hướng dẫn các em cách tránh những rủi ro không cần thiết. Và mỗi giáo viên đứng lớp cũng phải chú ý lồng ghép việc giáo dục học sinh cách dùng mạng xã hội.
Là giáo viên Ngữ Văn, tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các em mỗi ngày. Những bài học lý thuyết trong sách giáo khoa thường được tôi soi chiếu bằng câu chuyện thực tế của hiện tại và nhắn nhủ các em bài học bổ ích.
Mỗi câu chuyện kể liên quan đến một sự việc nào đó vừa xảy ra trên mạng xã hội đều được các em tập trung lắng nghe. Sau mỗi câu chuyện là nhận xét, phản biện của học sinh. Có lúc, các em thể hiện quan điểm của mình một cách tiêu cực, lệch lạc, sai lầm. Khi lắng nghe các em nói, tôi có cơ hội hướng suy nghĩ của các em về với sự chuẩn mực, đúng đắn.
Và càng trao đổi với học sinh, tôi càng nhận ra các em đang rất “đói” những thông tin thiết thực, bổ ích nhưng lại thừa vô cùng những thông tin hỗn độn về lối sống ảo tưởng, mấy trò câu like, trào lưu “nói là làm”… Dạy học sinh cách “lọc” thông tin chính là dạy các em cách biết tự bảo vệ mình trước vô số những “cám dỗ” trên mạng xã hội.
“Lời nói, đọi máu” - Lời răn dạy của cha ông lại càng đúng hơn khi mọi ngôn từ trên mạng xã hội có nguy cơ biến thành bạo lực giữa cuộc đời thực. Nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra thời gian qua có phần lớn nguyên nhân từ những xích mích vụn vặt trên mạng. Thói quen bình luận ác ý, một tiếng chửi thề quen miệng… đều có thể là “mồi lửa” nguy hiểm cho mâu thuẫn bùng nổ. Vì vậy, nhắc nhở các em luôn tỉnh táo và ứng xử thích hợp là điều không bao giờ vô ích.
Tôi luôn nhắn nhủ các em rằng mạng xã hội chính là “con dao hai lưỡi”. Một mặt nó đem lại vô vàn những tiện ích giúp cuộc sống phong phú hơn. Mặt khác, nó sẽ biến chúng ta thành nô lệ nếu phụ thuộc quá nhiều vào thế giới ảo. Giữa “lằn ranh” tốt - xấu, con người phải tỉnh táo, xem đó chỉ là một nơi giải trí, một món ăn tinh thần.
Và muốn dạy trò ứng xử thông minh với mạng xã hội thì giáo viên phải là tấm gương mẫu mực trên mạng xã hội. Đừng ngần ngại kết bạn với trò trên thế giới ảo, đó là nơi thầy trò kết nối một cách thân thiện nhất, cũng là cơ hội để chúng ta hiểu học sinh, dạy học sinh.
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!