Phòng tránh đuối nước: Trách nhiệm đầu tiên là của gia đình!
(Dân trí) - Đuối nước ở trẻ em vẫn luôn là nỗi đau chưa bao giờ thôi nhức nhối, đặc biệt là vào mùa hè khi trẻ nghỉ học. Con số thống kê trung bình mỗi ngày có 10 trẻ tử vong vì đuối nước như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh mạnh mẽ đến mọi người nhằm giảm thiểu những cái chết thương tâm của con trẻ.
Nhưng dường như nó vẫn chưa đủ sức ngăn ngừa mọi hiểm họa từ sông nước luôn rình rập cướp lấy sự sống quanh ta. Mỗi ngày, ta lại bắt gặp những vụ đuối nước mới và chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.
Sau mỗi tai nạn thương tâm, người ta lại bắt đầu tiếc nuối, ân hận ca thán “Giá như…” và không quên nhắc nhở trách nhiệm của nhà trường với yêu cầu phổ cập bơi lội cho trẻ. Đúng vậy, việc dạy bơi cho trẻ là một yêu cầu cấp thiết, khẩn thiết hiện nay như một giải pháp cứu rỗi tình thế nguy nan nhất. Nhưng trách nhiệm đó đâu phải hoàn toàn thuộc về mỗi nhà trường?
Cách lí giải của ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV, Bộ GD&ĐT có phần hợp lí cho việc chưa thể phổ cập bơi lội trong nhà trường. Bởi số lượng trường học đủ điều kiện trang bị bể bơi rất ít, đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất có chuyên môn bơi lội còn hạn chế… Đó là còn chưa kể đến việc sắp xếp chương trình học cũng như tổ chức dạy thế nào cho hiệu quả.
Tuy nhiên, lí do “không đủ kinh phí” không đồng nghĩa với việc phủ nhận trách nhiệm hoàn toàn. Cần có chiến lược đầu tư lâu dài cũng như chuẩn bị dần mọi điều kiện cần thiết để giải quyết cái khó của hiện tại. Một số địa phương đã khởi động xây dựng bể bơi và quan tâm hơn đến việc dạy bơi cho học sinh đã phần nào đáp ứng yêu cầu cấp bách ấy. Và chủ trương xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự chung tay của gia đình, các đoàn thể xã hội trong việc phổ cập bơi lội cho học sinh sẽ mở ra một viễn cảnh tươi sáng hơn.
Bên cạnh đó, mọi người cần nhận thức rõ một vấn đề quan trọng: Trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho trẻ phòng tránh đuối nước trước hết phải thuộc về gia đình. Bố mẹ và người thân chính là những người có tính tiên quyết đến tính mạng của con trẻ. Thực tế là vào mỗi dịp hè, khi trẻ nghỉ hè rảnh rỗi kết hợp với thời tiết nắng nóng là thời điểm tỉ lệ trẻ đuối nước tăng. Lúc này, vai trò tuyên truyền của nhà trường tạm thời bị lu mờ và vai trò của gia đình lại cực kì quan trọng.
Sự quản lí chặt chẽ mọi hành động cá nhân của trẻ cũng như quan tâm đến những lời bạn bè rủ rê la cà là điều kiện cần để tách con em ra khỏi môi trường không an toàn. Hơn nữa, cần nhắc nhở thường xuyên, cảnh báo thường xuyên về các hiểm họa khó lường từ ao hồ, sông suối sẽ chẳng bao giờ là thừa. Dạy trẻ kĩ năng phát hiện hiểm nguy, kĩ năng thương lượng, từ chối,… để trẻ có ý thức bảo vệ chính mình và bảo vệ bạn bè.
Mặt khác, dạy bơi cho trẻ đâu nhất thiết phải là nhà trường. Hiện nay, ở các tỉnh thành trên cả nước đều có các trung tâm dạy bơi. Mỗi khóa học kéo dài trong mấy tuần và khoảng vài trăm nghìn đến một triệu, điều này vừa sức với khá nhiều gia đình. Bên cạnh đó có nhiều trung tâm dạy bơi miễn phí, đây sẽ là lựa chọn lí tưởng cho những gia đình khó khăn hơn. Và nếu ở nông thôn thì chính bố mẹ và người thân sẽ là những người thầy dạy bơi cho con cháu mình.
Một thực tế ở nước ta là nghèo khó buộc nhiều phụ huynh lao vào kiếm tiền hoặc phải rời quê hương đi làm ăn, gửi lại con cái cho ông bà chăm sóc. Đã có rất nhiều đứa trẻ thiếu sự giám sát gắt gao từ gia đình và thiếu sự uốn nắn thường xuyên từ bố mẹ dễ dàng lê la cũng bạn bè khắp ruộng đồng, kênh rạch, ao hồ. Và những cái chết thương tâm đã xảy ra. Người bố, người mẹ từ phương xa nghe tin dữ vội vàng trở về đớn đau ôm xác con và luôn tự dằn vặt mình. Tất nhiên hoàn cảnh buộc bậc sinh thành bôn ba khắp chốn. Nhưng thử hỏi còn có gì quan trọng hơn con?
Yêu thương con chính là tạo môi trường sống an toàn cho con, thường xuyên nhắc nhở, định hướng cần thiết và trang bị cho con những kĩ năng cần thiết để bảo vệ mình.
Thanh Ny
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!