Bạn đọc viết:

Niềm vui giản dị của người thầy ngày Tết

(Dân trí) - Hạnh phúc đong đầy nhất của người thầy dịp Tết chính là lúc trò cũ nhớ về, tìm về thăm hay đơn giản chỉ là những cuộc điện thoại hỏi han và chúc tết. Lòng thầy cô bỗng ấm lại và rưng rưng đến nghẹn ngào…

Từ 29 Tết, chiếc điện thoại được nạp đầy pin của tôi liên tục tít tít nhận tin nhắn của học trò. Những lời chúc mộc mạc, những câu từ hoa mĩ và cả những lời lẽ đậm chất teen làm tôi không khỏi bật cười. Ồ, sao các con có thể nghĩ ra những lời chúc độc, lạ, ngộ nghĩnh và đáng yêu như thế chứ? Bỗng bật cười nhận ra mình già rồi, đâu còn như lũ trẻ bây giờ, tâm hồn luôn tươi xanh, mướt mát và đầy mơ mộng.

Các con còn thích chơi trò đánh đố trí nhớ và khả năng suy đoán, tưởng tượng của cô giáo cũ bằng cách hỏi khó: “Cô còn nhớ em không cô?”, “Cô biết em là ai không cô?”… Bao chuyến đò đã đưa, lớp lớp học trò đã rời bến. Số điện thoại lại đổi thay liên tục, làm sao cô nhớ hết tất cả.

Dù vậy, cô vẫn nhận ra câu chúc dài đến mấy trang tin nhắn như một dòng tâm sự này là của cô bé lớp phó giỏi văn mà mình thương yêu ngày xưa. Cô vẫn nhận ra biểu tượng yêu thích cuối tin nhắn của cô bé tóc xù hay bị bạn gọi là “Mì tôm” - biệt danh thỉnh thoảng cô cũng hùa vào trêu trò…

9h sáng ngày mùng ba, mấy chiếc xe máy lấp ló ngoài cổng, mấy mái đầu thập thò nhìn vào. Căn nhà sắp náo nhiệt và rộn ràng hẳn lên đây. Như một đàn chim chích, các con cười nói liên thanh đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chà, tất cả sắp trưởng thành rồi. Thật mừng khi trò bước đều trên con đường học vấn, là sinh viên năm cuối đấy, sắp trở thành cô giáo, kĩ sư, nhà báo cả. Và thật mừng khi trò mạnh mẽ, kiên cường giữa dòng đời kiếm sống. Dù Hà Nội phồn hoa, Sài Gòn sôi động hay mảnh đất Lào đầy nắng gió xa xôi, các con đều hòa nhập được, dùng sức lao động của mình để đổi lấy bát cơm manh áo. Sự thành công và thành nhân của một con người đều quan trọng cả.

Vóc dáng, kiểu tóc, trang phục, giọng nói đều đã đổi thay, chỉ duy nhất tình bạn, tình thầy trò vẫn vẹn nguyên như ngày xưa ấy. Lòng bâng khuâng, cô trò lặng thinh tìm về dòng kí ức ngày xưa. Năm lớp 9 cuối cấp, giữa bao lo toan bề bộn của chuyện học, thi và chuyển cấp, cô trò mình cũng kịp khắc ghi bao kỉ niệm đẹp để mỗi lần hồi tưởng, môi vẫn nhẹ mỉm cười. Gò lưng trên chục chiếc xe đạp đèo hai, lặn lội gần hai chục cây số vào nhà cô lần đầu tiên, ghi đông treo lủng lẳng mấy đòn bánh tét. Trán trò lấm tấm mồ hôi vẫn toét miệng cười, còn cô giáo thì mắt đỏ hoe, quay vội đi giấu giọt nước mắt sắp rơi vì cảm động.

Cô giả vờ nghiêm giọng: “Cô đã dặn đừng đi, đường xa, xe đông…”. Câu nói của cô chưa kịp tròn câu bởi mấy cái miệng tròn vo đã kéo dài giọng cất lên: “Năm cuối rồi mà cô…”. Trò như sợ nhà cô “nghèo” thêm chút nữa, cứ kiên quyết tét mấy đòn bánh mình đem vào mà ăn và cười giòn giã. Dòng kí ức ngọt ngào quá đỗi, tìm đâu được những tình cảm chân chất ấy!

Tối muộn, tôi nhận được cuộc gọi từ TPHCM. Đầu giây bên kia xưng “con” nghe thật ấm. Giữa niềm vui vỡ òa vì học trò cũ mất liên lạc đã lâu, tôi định buột miệng hỏi con đã ra trường chưa, đang làm ngành gì, vợ con gì chưa đấy… thì bỗng im bặt vì con nói mình đã xuống tóc thành đệ tử nhà Phật từ lâu. Một ngôi chùa cổ, nhỏ giữa TPHCM. Lòng bâng khuâng đến lạ giữa lời chúc Tết của hai cô trò. Mừng vì con đã thực hiện được tâm nguyện của mình, có lần con đã kể với cô từ năm lớp 7. Và vu vơ nghĩ hoài về cậu học trò đi riêng con đường ấy.

Ngày Tết của thầy cô giản dị và mộc mạc lắm. Không mâm cao cỗ đầy, không chúc tụng cao sang, chỉ là dùng tấm lòng trao tặng nhau những tình cảm thương, nhớ, kính… Đó chắc chắn là món quà quý giá nhất dành cho những ai theo nghiệp “gõ đầu trẻ”.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm