Quảng Bình:

Nhiều trường mầm non ở TP Đồng Hới quá tải

(Dân trí) - Dù mới bước vào đầu kỳ tuyển sinh năm học 2016 - 2017, ở một số trường mầm non trên địa bàn TP Đồng Hới đã lâm vào tình trạng quá tải. Nguyên nhân chính là do cơ sở vật chất không bảo đảm, thiếu giáo viên đứng lớp. Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra từ vài năm trở lại đây.

Anh L.V.H. (tạm trú tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới) cho biết, năm 2014, lúc con anh được 3 tuổi, anh muốn gửi con vào trường mầm non để học, nhưng không xin được vì trường đã nhận đủ học sinh. Không đăng ký được cho con đi học mầm non, anh phải gửi con vào một nhà nhóm trẻ trên địa bàn.

Năm nay con anh đã được 4 tuổi, nhu cầu đến trường càng bức thiết hơn. Tuy nhiên, ngày 3/6 vừa qua, Trường Mầm non Nam Lý tổ chức tuyển sinh, con anh cũng không được nhận bởi số lượng quá đông, nên trường phải ưu tiên con em có hộ khẩu thường trú trên địa bàn trước.

"Con tôi đã đủ tuổi đến trường, nên muốn cho nó đi học cho bằng bạn bằng bè, vậy nhưng chỉ vì vợ chồng chúng tôi mới chỉ tạm trú ở đây (5 năm) mà con không thể đến trường", anh H. bức xúc.

Tình trạng một số trường mầm non trên địa bàn TP Đồng Hới đã quá tải từ vài năm trở lại đây
Tình trạng một số trường mầm non trên địa bàn TP Đồng Hới đã quá tải từ vài năm trở lại đây

Không riêng gì trường hợp con anh H., cháu N.T.D. (3 tuổi rưỡi), con anh N.V.H., có hộ khẩu thường trú ở phường Nam Lý cũng không thể đến trường vì trường mầm non ở đây cũng đã quá tải.

Trước tình trạng trên, những ngày qua hơn 100 phụ huynh không nhập học được cho con em mình đã kéo đến trụ sở UBND phường và Trường Mầm non Nam Lý để yêu cầu giải quyết cho con em mình được đến trường.

Lý giải về sự việc trên, cô Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Lý cho biết, theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2016 - 2017, trường có 7 lớp mẫu giáo 5 tuổi, 7 lớp mẫu giáo 4 tuổi, 3 lớp mẫu giáo 3 tuổi, và 1 nhóm trẻ 24 đến 36 tháng tuổi, trong khi đó tổng số trẻ điều tra được trên địa bàn khoảng 1.445 cháu (chưa tính các cháu có bố mẹ ở các địa phương khác đến tạm trú trên địa bàn phường, khoảng 30 đến 40 cháu).

Với số lượng phòng học và nhóm lớp hiện có, năm học 2016 - 2017, nhà trường chỉ tổ chức tuyển sinh các cháu trong độ tuổi 2 đến 3 tuổi. Cụ thể là chỉ mở được 3 lớp cho trẻ 3 tuổi, đáp ứng khoảng 105/276 cháu (chỉ chiếm 38%); ở nhóm trẻ 2 tuổi cũng chỉ huy động được 30/255 cháu (chiếm 11,7%).

"Do nhu cầu của người dân đưa con em đến trường quá cao, trong khi cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của trường không thể đáp ứng cho việc mở lớp. Chỉ tính riêng số cháu có hộ khẩu thường trú ở trên địa bàn, chúng tôi còn không thể tuyển sinh hết, huống gì các cháu chỉ tạm trú.

Với điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện có, chúng tôi phải ưu tiên cho các cháu từ 4 đến 5 tuổi để phổ cập mầm non. Địa phương và nhà trường có thể bố trí hoặc thuê phòng để cho các cháu được đi học, thế nhưng trường không thể đủ giáo viên để đứng lớp", cô Cúc giải thích lý do khiến nhiều cháu trong độ tuổi đến trường không được nhận vào học.

Không chỉ Trường Mầm non Nam Lý, mà Trường Mầm non Bắc Lý, TP Đồng Hới cũng lâm vào tình trạng tương tự. Trường Mầm non Bắc Lý có 3 điểm trường, với 19 phòng học. 5 năm trở lại đây, hàng năm trường đều phải tăng thêm 2 đến 3 lớp, bằng cách tận dụng các phòng học chức năng.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Năm học 2016 - 2017, số lượng trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi đến đăng ký vào học ở đây là 230 cháu, nhưng trường chỉ tuyển sinh được 150 cháu. Nghĩa là có khoảng 80 cháu trong độ tuổi này sẽ không được đến trường hoặc phụ huynh phải tự đến liên hệ ở các trường khác để học.

Vì không thể cho con nhập học ở trường mầm non trên địa bàn nên nhiều phụ huynh phải gửi con vào các điểm trông trẻ tư thục
Vì không thể cho con nhập học ở trường mầm non trên địa bàn nên nhiều phụ huynh phải gửi con vào các điểm trông trẻ tư thục

Cô Nguyễn Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Lý cho biết: "Năm học 2016 - 2017, số lượng trẻ đến đăng ký học ở đây rất đông, trong khi trường chỉ tuyển sinh có giới hạn. Do vậy, khi tuyển sinh chúng tôi sẽ ưu tiên các cháu có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Mặt khác, các cháu không được vào học ở đây, chúng tôi lập danh sách để huy động vào Trường Mầm non tư thục Hoa Sen đóng trên địa bàn".

Cũng theo cô Ngân, việc tận dụng các phòng chức năng để mở lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học của trẻ và việc dạy của giáo viên và tất nhiên không thể bảo đảm đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Đồng Hới cho biết, mặc dù đã được UBND thành phố và chính quyền địa phương quan tâm đầu xây dựng, mở rộng quy mô trường, lớp, nhưng vài năm trở lại đây, do nhu cầu đưa trẻ đến trường mầm non quá lớn, nên gần như năm nào một số trường trên địa bàn thành phố cũng ở trong tình trạng quá tải.

“Trước thực tế trên, Phòng đã chỉ đạo các trường ưu tiên tuyển sinh các cháu có hộ khẩu trên địa bàn. Trường hợp nếu số lượng quá lớn, sẽ ưu tiên các cháu 4 đến 5 tuổi để bảo đảm việc phổ cập trẻ trong độ tuổi mầm non, theo đúng quy định.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề quá tải ở các trường mầm non, thì cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp chính quyền, mà bức thiết nhất là việc xây dựng mở rộng quy mô các trường mầm non và nguồn nhân lực là các giáo viên mầm non.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa giáo dục, khuyến khích đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục, cũng là một giải pháp nhằm giảm tải cho các trường mầm non công lập”, bà Sáu đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Dương Hợp - Đặng Tài