Nguyên Phó CTN Nguyễn Thị Bình: Phải rung lên hồi chuông báo động về giáo dục nhân cách

(Dân trí) - "Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết "làm người", nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả..."

Nguyễn Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh như vậy trong bài tham luận "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Sợi chỉ đỏ là phát triển nhân cách người học" gửi tới Hội thảo khoa học 70 năm sư phạm Việt Nam - Đổi mới và phát triển tổ chức sáng ngày 21/12 tại Hà Nội.

Dân trí, xin giới thiệu bài viết đầy tâm huyết và sâu sắc của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về vấn đề này.

Nguyên Phó CTN Nguyễn Thị Bình: Phải rung lên hồi chuông báo động về giáo dục nhân cách - 1

Người dân mong lãnh đạo thực lòng quan tâm, chia sẻ việc học hành của con em họ

Cuối năm 2013, Hội nghị TƯ 8 (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số nhà giáo, nhà khoa học đã bày tỏ sự vui mừng vì thấy ý kiến đóng góp tâm huyết được thể hiện trong Nghị quyết. Nhưng nỗi lo còn đó, bởi theo kinh nghiệm, nhiều nghị quyết giáo dục và đào tạo đã từng không được thực hiện đến nơi đến chốn. Trong bối cảnh hiện nay, chắc không thể cứ như thế.

Trong Nghị quyết có ghi: Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển, kinh tế xã hội. Quan điểm đứng đắn đó đã được khẳng định trong nhiều văn kiện qua các nhiệm kỳ. Tiếc rằng trên thực tế, không thiếu những ví dụ ngược lại, khiến người dân nhận ra một sự thật đáng buồn: " Nói vậy không phải vậy".

Để minh chứng, chỉ xin nhắc đến chuyện đất đai và kinh phí. Trong khi trường sở còn chật chội, trẻ em ở nhiều khu dân cư còn không có chỗ chơi, chỗ học thì nhiều khoảng đất rộng rãi đã được các cấp có thẩm quyền ưu tiên dành cho những dự án chưa đáng xếp hàng đầu.

Trong khi đó, ngân sách giáo dục vẫn chưa đủ để thực hiện miễn phí ở cấp THCS và ngay cả chi phí chi thường xuyên cũng như nguồn vốn đầu tư xây dựng trường sở vẫn còn phải bố trí một cách dè xẻn thì nhiều khoản tiền quá lớn từ ngân sách nhà nước được chi vào những công việc không thực sự cần thiết, chưa kể những khoản không nhỏ hơn thế bị lãng phí hoặc thất thoát.

Nhìn lại mấy chục năm qua, từ thực trạng yếu kém, bất cập dồn nén, kéo dài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có thể nói thẳng, các cấp lãnh đạo chưa thật sự coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, mặc dầu ai cũng nói giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai và vận mệnh dân tộc.

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia xung quanh ta đều dồn sức vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, làm đúng những điều mà chứng ta vẫn thường nói.

Họ làm thực sự, bởi họ thấu hiểu công cuộc, thấu hiểu công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thành công hay thất bại, đất nước giữ được chủ quyền hay phụ thuộc đều dựa vào cái gốc phẩm chất, trí tuệ và năng lực của người dân, mà những giá trị đó chỉ có hiệu quả, bởi vì họ nhận thức được rằng, ở vào thời đại khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, trong cuộc đua tranh đang diễn ra gay gắt trên thế giới, số phận các quốc gia suy yếu đến cùng do giáo dục và đào tạo quyết định.

Vậy thì với nước ta, lãnh đạo cần thể hiện sự thấu hiểu vai trò và tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo bằng hành động cụ thể. Người dân mong đợi lãnh đạo thực lòng quan tâm, chia sẻ những lo toan trong việc học hành của con em họ.

Triết lý giáo dục: Cần xác định mục tiêu giáo dục 10 - 20 năm tới

Một vấn đề quan trọng có tác dụng chi phối, dẫn dắt, tạo nền tảng cho cả tư duy và hành động giáo dục, đó là triết lý giáo dục. Vì tầm quan trọng như vậy nên trước những lúng túng, bất cập trong lĩnh vực giáo dục, thời gian vừa rồi mới có ý kiến cho rằng, chúng ta thiếu triết lý giáo dục.

Nếu quan niệm triết lý giáo dục là hệ thống lý luận và quan điểm phản ánh nhận thức chung nhất đóng vai trò chỉ đạo hoạt động giáo dục.... thì không phải chúng ta không có giáo dục. Nhưng trước những đòi hỏi mới đối với sự nghiệp giáo dục cần và có thể bổ sung, điều chỉnh triết lý giáo dục của chúng ta cho phù hợp, mà quan điểm về mục tiêu giáo dục là một nội dung tập trung và cụ thể.

Chúng ta đều biết, ngay sau khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xuất phát từ nhận thức "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", Bác Hồ đã xác định, để giữ vững độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân thì nhiệm vụ khẩn cấp của giáo dục là xây dựng hệ thống giáo dục bình dân "diệt giặc dốt".

Bác cũng từng đặt kỳ vọng vào việc giáo dục thế hệ trẻ để đưa nước ta đến chỗ sánh vai cùng cường quốc năm châu. Chính phủ ngay sau đó cũng đã xác định mục tiêu của nền giáo dục mới là: "Tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng" và khẳng định tính chất cơ bản của nền giáo dục là "dân tộc, khoa học, đại chúng và tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ". Cuộc cải cách giáo dục năm 1950, chủ yếu về giáo dục phổ thông, một lần nữa tái khẳng định tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng với mục tiêu đào tạo những người "công dân lao động tương lai".

Khi đất nước được thống nhất, nhiệm vụ của nền giáo dục quốc dân đã được xác định lại là: "chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, nhằm tạo ra cơ sở ban đầu rất quan trọng của con người Việt Nam mới, người lao động làm chủ tập thể và phát triển toàn diện". Đề thực hiện điều đó, nguyên lý giáo dục: "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội". Đặc biệt, ngay từ thời kỳ đó, tư tưởng học tập thường xuyên và vai trò của giáo dục không chính quy đã được nhấn mạnh.

Sau Đại hội VI, trong quá trình đổi mới, cùng với việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu giáo dục toàn diện đức, trí, thể mỹ và lược bỏ những tiêu chí mang tính ý chí luận (như đào tạo con người Việt Nam mới và làm chủ tập thể), đã có thêm những quan điểm mới về sứ mạng của giáo dục (cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển) cũng như xác định sự chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước và nhân dân (chủ trương xã hội hóa giáo dục và xác lập tư cách pháp nhân của nhà trường ngoài công lập).

Tuy nhiên, những quan điểm đổi mới có phần lâm vào tình trạng chưa thực sự được quán triệt, còn dừng ở các văn kiện (như vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục) hoặc bị lệch lạc trong quá trình triển khai (xã hội hóa giáo dục được nhấn mạnh về huy động nguồn lực và thậm chí giảm nhẹ vai trò của nhà nước).

Thực tiễn đã chứng tỏ, so với những chuyển biến về tư duy kinh tế, thì tư duy giáo dục đổi mới một cách chậm chạp, thậm chí có thể nói là trì trệ dẫn đến tình trạng làm nảy sinh những yếu kém, bất cập trên diện rộng như nặng về thi cử, bằng cấp biến nền giáo dục trở thành một hệ thống ứng thí.

Ngày nay, chúng ta lại bước vào một giai đoạn mới của phát triển đất nước. Giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 trong bối cảnh thế giới đi vào kinh tế tri thức. Giáo dục của chúng ta đang đứng trước yêu cầu mới cao hơn. Đó là thách thức lớn.

Để xác định triết lý giáo dục, trước hết phải xác định mục tiêu giáo dục, cho hiện nay và cho tương lai 10- 20 năm tới, cần có tổng kết sâu sắc về sự phát triển giáo dục trong 30 năm đổi mới vừa qua. Đồng thời xem xét hướng phát triển của giáo dục thế giới. UNESCO đã nêu ra 4 cột đỡ của giáo dục: học để biết, để làm, để làm người, để chung sống, có thể xem đấy là gợi ý rất quan trọng giúp chúng ta đổi mới tư duy giáo dục, hoàn thiện triết lý giáo dục, cũng như cụ thể hóa mục tiêu của chúng ta.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Xuống cấp về đạo đức, lương tâm xã hội

Đáng lo ngại là trong tư duy giáo dục, khi xác định xứ mạng và mục tiêu giáo dục những khía cạnh nhân bản và sự phát triển cá nhân chưa thực sự được coi trọng. Việc dạy làm người, dạy cách nghĩ, dạy cách học còn bị xem nhẹ, duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hậu mang tính áp đặt, nhồi nhét, đẩy học sinh, sinh viên đến chỗ thụ động chấp nhận những điều được rao giảng, khiến học sinh, sinh viên thiếu ý thức tự chủ và khả năng độc lập suy nghĩ.

Đáng lo ngại hơn, chúng ta không chỉ bức xúc về những yếu kém, bất cập, lạc hậu của hệ thống giáo dục mà còn đang đứng trước thực trạng xuống cấp về đạo đức, lương tâm xã hội. Đã có không ít trí thức lên tiếng kiến nghị cần chấn hưng về văn hóa và nhân cách con người. Dĩ nhiên, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người và cả nền văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng.

Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết "làm người", nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả.

Rõ ràng, không thể để nhà trường tiếp tục giáo dục học sinh, sinh viên chạy theo mục tiêu thi cử mà quên lãng vấn đề cốt lõi: giáo dục nhân cách. Bởi vậy, về mục tiêu giáo dục, cần khẳng định, đối với tất cả các cấp học, dạy làm người theo những giá trị nhân bản của dân tộc và nhân loại để mỗi thanh niên đều nên người (với tư cách là người học, người lao động, người công dân), phải là mục tiêu ưu tiên số một của mọi nhà trường, mọi cấp học.

Cho dù nhiệm vụ chính của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ thì cũng không thể bỏ lơi mục tiêu bồi dưỡng tư cách làm người bởi những phẩm chất cần thiết ở con người như lòng nhân ái, tính trung thực, ý thức công dân, lương tâm nghề nghiệp, thái độ hợp tác lao động, khát vọng học hỏi để tự hoàn thiện... chính là những yếu tố quan trọng cấu thành chất lượng của nguồn lực con người - sức mạnh căn bản không chỉ của một nền kinh tế mà của cả một quốc gia, một dân tộc.

Làm nửa vời, tiêu cực ngày càng lan rộng

Đã có nhiều người, đặc biệt là các nhà giáo, các nhà khoa học xã hội, các nhà khoa học giáo dục lấy làm lo lắng trước tình trạng văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội của chúng ta xuống cấp. Nhiều cuộc họp, cuộc thảo luận đã bàn vì sao có tình hình đó và chúng ta phải làm gì, nhiều nhà khoa học, thậm chí đã thốt lên "sao lại nên nông nỗi này?".

Nói cho đúng, từ hàng chục năm nay, trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước đã có hàng loạt quyết sách và vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội. Đảng đã nêu văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Như vậy, Đảng đã đặt văn hóa vào đúng vai trò và vị trí của nó. Đảng cũng đã nêu giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu: con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.... Phải nói rằng các vấn đề được nêu hết sức đúng và sâu sắc.

Nhưng nói mà không làm được hoặc làm nửa vời, làm ít và chưa hiệu quả. Vì vậy đến nay, tình hình không được cải thiện, những mặt tiêu cực ngày càng lan rộng. Văn hóa chưa có gì tốt hơn. Đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Ngay giáo dục mà chúng ta hết sức kỳ vọng vào công cuộc đổi mới cũng vậy, thậm chí còn bị một số nhà nghiên cứu đánh giá là trong tình trạng khủng hoảng.

Khoảng cách rất lớn giữa một bên là các lời văn to tát trên văn kiện với một bên là hiện trạng văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi nghiêm trọng đã là một nỗi đau gây nhức nhối trong xã hội.

Người dân đã biết, các trang mạng xã hội đã lên tiếng, những người có tâm huyết với văn hóa giáo dục đã cảnh tỉnh nhưng chưa biết hành động như thế nào. Sự bức xúc đã tới hạn và yêu cầu về hành động không thể chậm trễ hơn.

Phải làm sao cảnh báo cho các vị lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, cũng như toàn thể xã hội về tình hình văn hóa giáo dục/ văn hóa xã hội của chúng ta bên cạnh những mặt làm được còn những mặt tiêu cực, có mặt đang ngày xàng xấu đi, ngày càng xuống cấp. Đó cũng là một nguyên nhân khiến đất nước ta không thể phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn được. Có thể nói đó là nguyên nhân chính. Vì nguyên nhân cốt lõi là con người.

Trình bày về mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước ta, Nghị quyết 29 đã nêu: Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đây là một thách thức lớn bởi các nước trong khu vực, nhất là các nước tiên tiến, không ngững nâng cao hơn nữa trình độ giáo dục và đào tạo của họ.

Nhưng thách thức lớn hơn rất nhiều chính là mục đích phát triển nhân cách, nâng cao phẩm chất và năng lực con người Việt Nam, góp phần chấn hưng văn hóa và đạo đức xã hội, kiến tạo nền tảng vững bền để bảo vệ chủ quyền đất nước và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng: Thoát khỏi cách nghĩ, cách làm cũ kỹ, gần như đã thành nếp, là không dễ dàng. Nhưng đó là việc phải làm. Nhất thiết phải đổi mới tư duy giáo dục, từ đó thay đổi cách làm giáo dục. Phải lấy giáo dục và văn hóa là hệ thống xã hội mà mục đích tột cùng đều là xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước,

Những khuyết tật của giáo dục cũng như văn hóa là khuyết tật của hệ thống xã hội trong đó có sự khập khiễng về cơ chế vận hành với con người được coi là phương tiện hơn là mục đích. Bởi thế, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam, cần có sự đổi mới cả về tư duy và hành động, trong đó phát triển nhân cách người học phải được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình đổi mới.

Nhật Hồng (ghi)