Sóc Trăng:
Làm việc ở Phòng Giáo dục nhưng nhận lương ở trường học
(Dân trí) - Nhiều năm qua, giáo viên ở nhiều trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) rất bức xúc khi nhiều giáo viên một số trường được điều chuyển công tác về Phòng GD&ĐT. Điều đáng nói, các giáo viên này lại nhận lương tại trường học.
Theo phản ánh của các giáo viên (GV) huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), có 5 GV là Đ.T. (trường TH Viên Bình 2), T.S. (trường THCS Viên Bình), C.N.M. (trường TH Liêu Tú D), T.T.T (trường THCS Liêu Tú 1) và P.V.C. (trường THCS Thạnh Thới An) được điều về Phòng GD&ĐT Trần Đề từ nhiều năm nay, nhưng lương và các khoản phụ cấp… hàng tháng lại nhận tại trường, chứ không phải từ Phòng GD&ĐT.
Điều đáng nói, các GV này trước đây công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% theo quy định của Chính phủ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Dương Thị Hương - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trần Đề xác nhận, có sự việc nói trên như GV phản ánh.
Theo bà Hương, do Phòng GD&ĐT chỉ được phê duyệt 6 biên chế công chức (trong đó có 1 Trưởng phòng, 2 Phó trưởng phòng, 2 cán sự và 1 kế toán trưởng - PV) mà công việc thì nhiều nên điều 5 GV ở các trường về theo diện biệt phái và giữ nguyên lương, các khoản phụ cấp của GV này vẫn nhận tại trường sở tại.
“Khi biệt phái các GV này về Phòng, chúng tôi cũng yêu cầu họ hàng tuần phải về trường tham gia giảng dạy và các hoạt động khác như GV ở trường. Tuy nhiên, do các trường đã có GV nên các GV này chủ yếu dạy phụ đạo, bồi dưỡng khi có nhu cầu chứ không dạy thường xuyên. Cuối năm, chúng tôi phối hợp với các trường tổ chức đánh giá các GV này bình thường như các giáo viên khác”, bà Hương nói.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, Phòng GD&ĐT biệt phái các GV bao nhiêu năm, bà Hương cho biết: “Theo quy định của Luật Viên chức là 3 năm”. Thế nhưng, các GV được biệt phái này đã đi trên 3 năm, nhiều năm có tên trong bảng lương của trường nhưng không có tên trong danh sách GV của trường nữa.
Đến trường TH Liêu Tú D hỏi thăm GV C.N.M., hiệu trưởng Trần Thanh Tâm cho biết: “Thầy M. đã về công tác tại Phòng GD&ĐT lâu lắm rồi”. Khi chúng tôi hỏi, trường có phân công thầy M. dạy hay không, Hiệu trưởng Tâm từ chối trả lời với lý do: “Trả lời nhiều phải có sự đồng ý của lãnh đạo Phòng GD&ĐT”.
Đến trường TH Viên Bình 2, hỏi thăm thầy Đ.T., thì nhân viên bảo vệ nói nhanh: “Thầy T. về Phòng GD&ĐT lâu rồi”. Trong phòng GV của trường, trên bảng danh sách GV cũng không có tên thầy T.
Một GV cho biết: “Thầy T. về Phòng GD&ĐT từ khi mới thành lập huyện (năm 2010-PV). Chỉ khi nào đến kỳ lãnh lương thầy mới về nhận thôi”. GV này cũng cho biết, thầy T. không dạy trên lớp tiết nào nhưng lương và các khoản phụ cấp vẫn nhận đầy đủ mỗi tháng trên 12,6 triệu đồng.
Tra cứu trên website của Phòng GD&ĐT huyện Trần Đề, chúng tôi thấy cả 5 GV nói trên đều được xếp chức vụ là “Cán sự”. Trong đó, GV T.T.T. phụ trách 2 lĩnh vực là kiểm tra và giáo dục THCS; GV T.S. phụ trách thi đua - khen thưởng; GV Đ.T. phụ trách 2 lĩnh vực là giáo dục tiểu học và giáo dục dân tộc; GV C.N.M. phụ trách giáo dục tiểu học; GV P.V.C. phụ trách lĩnh vực giáo dục thường xuyên.
Bạch Dương